Hồi ký "Lính bay" - Binh nhất cũng có thể trở thành phi công giỏi
Được chắt lọc từ thực tế những ngày chiến đấu cam go và khốc liệt, từ những lần vào sinh ra tử của những trận không chiến, từ nghĩa tình thầy - trò, đồng đội, quân - dân sâu nặng, Hồi ký “Lính bay” tập 1 của Trung tướng Phạm Phú Thái giống như cuốn nhật ký nhưng mỗi sự kiện, mỗi dấu mốc đều được khúc xạ qua tình cảm và thái độ, cộng với cái khiếu viết của tác giả (mặc dù ông tự nhận mình không có khiếu văn chương) bỗng trở nên sinh động và cuốn hút người đọc một cách kỳ lạ.
Bìa sách Hồi ký “LÍNH BAY”.
Hồi ký “Lính bay” tập 1 tái tạo những sự kiện lớn của phi công Phạm Phú Thái và những điều đã được tác giả chứng kiến từ khi còn là một cậu thanh niên mới 16 tuổi (năm 1965) đến khi trở thành phi công tiêm kích của Trung đoàn Không quân Sao Đỏ, năm 1968. Ba năm, từ khi là tân binh dự khóa bay, lên đường học bay ở nước Nga, những ngày về nước, ngày trực chiến đầu tiên đến những trận đánh vào sinh ra tử ở chiến trường Khu 4, những ngày sống và chiến đấu với ngồn ngộn các sự kiện được gói vào hơn 500 trang sách. Có những sự kiện chỉ được nhắc đến như một dấu ấn, có những sự kiện được nhớ lại bằng những trang viết với cách kể, với sự đặc tả sống động của người trong cuộc làm độc giả như được chứng kiến những giây phút thiêng liêng nhất của một phi công trẻ, của những phi công trong Đoàn bay khóa 3, của Đoàn Không quân Sao Đỏ anh hùng trong những khoảnh khắc lịch sử đáng nhớ của dân tộc. Đặc biệt, đọc Hồi ký “Lính bay”, độc giả sẽ vô cùng hứng thú, cảm phục trước sự trưởng thành của phi công trẻ Phạm Phú Thái từ ngày đầu bay số 2 bị địch bắn rơi đã chiêm nghiệm “Không thấy địch trước sẽ rơi vào bị động và không thấy địch khi lâm trận thì sớm muộn cũng sẽ bị bắn hạ. Tôi nung nấu ý nghĩ phải rèn cặp mắt, phải phát hiện được và phát hiện địch sớm mới mong tìm cơ hội đánh và thắng” đến những trận đánh cuối cùng ở Khu 4 đã “cảm thấy tự hài lòng vì cự li phát hiện đã nâng lên trông thấy trung bình 15 km khi bay tập đánh chặn MiG-21 mục tiêu”.
Dù ở đâu và ở giai đoạn nào thì những kinh nghiệm về kỹ năng sử dụng chiến đấu cơ cũng được tâm đắc rút ra. Phạm Phú Thái cả lúc còn đang là học viên đến khi đã trở thành phi công, đã tâm đắc nhất là lời thầy Sviklist: “phi công không có lần thứ hai để sửa chữa khuyết điểm đâu”. Và ông khẳng định: “Binh nhất hay trung úy cũng đều là người lính cầm súng, cầm cần lái, cũng đều đánh nhau như thế cả”… Cũng cần nói thêm, tại sao Binh nhất lại trở thành một phi công được. Điều đó mang tính lịch sử. Những năm chiến tranh ác liệt, tuyển học viên dự khóa, các thanh niên nếu đang học ở trường đại học sẽ được phong hàm cấp úy. Phạm Phú Thái khi ấy mới đang học cấp 3 vào bộ đội, đi học Dự khóa bay nên chỉ được mang hàm Binh nhất.
Điều làm nên sự khác biệt của Hồi ký “Lính bay” với phần nhiều các hồi ký khác là ở đó không chỉ có chiến thắng mà còn có những trang viết đẫm màu xót xa, thấm thía trước những mất mát, hy sinh của anh em, đồng đội; thậm chí là những sơ xuất trong chiến thuật. Chiến tranh là có được, có thua. Với những người lính bay thì điều đó càng đúng, càng rõ. Nếu chỉ nhìn thấy vế trước, là tô hồng, nếu chỉ có vế sau là bôi đen. Trung tướng Phạm Phú Thái đã nhìn và tái hiện lịch sử như nó vốn có, khách quan, trung thực và truyền tới người đọc thông điệp: hãy nhìn nhận những gì đã qua bằng sự ghi nhận chứ không phải bằng phán xét.
Tôi đặc biệt thích tựa đề: “Lính bay”. Phi công, lực lượng vốn được coi là “lính cậu” nhưng vẫn chỉ là “lính”. Có lẽ, trước hết là bởi, khi trở thành phi công tiêm kích, Phạm Phú Thái mới chỉ là… Binh nhất. Và có lẽ còn bởi, những gì mà cuốn sách đề cập đến đều được nói một cách mộc mạc, trần trụi, đúng chất lính. Bay như Thái. Và viết cũng như Thái, đúng là người sao, văn vậy, bộc trực, khẳng khái nhưng không kém phần hài hước, dí dỏm, sâu sắc. Đó là tố chất của một trí tuệ, một khát vọng lập công được nhen nhóm từ những ngày đầu và được nuôi dưỡng ngày một lớn lên qua từng trận đánh.
Hồi ký “Lính bay” được viết bởi chính người trong cuộc chứ không phải được ghi bởi một nhà văn như hầu hết các hồi ký đã ra trước đó. Trung tướng Phạm Phú Thái đã hơn một lần tự nhận ông không phải nhà văn, không có khiếu văn chương nhưng đọc cuốn Hồi ký, tôi tin rằng nhiều bạn đọc khác, cũng như tôi không biết bao lần trái tim rung lên thổn thức. Ngay cái phần mở đầu: “Tôi – binh nhất, phi công tiêm kích” viết về chuyến xuất kích ngày 10/7/1968, thay vì kể sự kiện theo dòng thời gian, người viết đã xông thẳng vào ký ức mạnh mẽ nhất. Những trang viết có kịch tính giống như trong truyện ngắn, từ thắt nút đến cởi nút. Ở đó vừa có không khí ác liệt của chiến trường Khu 4, vừa thể hiện rõ quyết tâm của những phi công trẻ, những bài học kinh nghiệm đầu tiên trong không chiến, trong nhảy dù thoát hiểm, những ngạc nhiên của đồng chí Huyện đội trưởng huyện Thanh Chương về cái chuyện “cầm cái tầu bay đắt là thế, sao lại chỉ có binh nhất được cơ chứ”, rồi cả những xao xuyến, rung động đầu đời của chàng phi công mới lớn trước cô thôn nữ đến sự cảm động về nghĩa tình quân dân nơi quê hương cách mạng. Cách viết lôi cuốn ấy không phải cố tạo ra mà cứ tự nhiên tuôn chảy trên những trang viết, từ đầu đến cuối Hồi ký.
Buổi giao lưu, giới thiệu Hồi ký “Lính bay” được tổ chức ngày 9/7 chính là một buổi hội ngộ sâu nặng nghĩa tình giữa những người đồng đội đã một thời vào sinh ra tử. Sự có mặt của những cán bộ, phi công đầu đàn của Không quân nhân dân Việt Nam, từ Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Trung tướng Trần Hanh, Chu Duy Kính, Nguyễn Đức Soát, Phạm Tuân và các đồng đội phi công, đặc biệt là các đồng đội phi công trong Đoàn bay khóa 3 cùng những phi công trẻ giống như một sự chuyển giao giữa các thế hệ. Dường như, Trung tướng Phạm Phú Thái đã phần nào thực hiện được ước muốn của mình khi viết cuốn Hồi ký với tâm nguyện tri ân các Liệt sĩ, thể hiện lòng biết ơn với những người thầy, người anh, người đồng đội còn sống giờ đã đều ở cái tuổi “xưa nay hiếm” và “chỉ mong sao các thế hệ con em chiêm nghiệm được điều gì đó cho riêng mình về cuộc sống cũng như ý thức chính trị với non sông”. Trong cuốn Hồi ký của mình, Trung tướng Phạm Phú Thái đã nhắc nhiều đến những sự kiện diễn ra trong tháng 7, buổi giới thiệu sách không phải ngẫu nhiên cũng diễn ra trong tháng 7, tháng tri ân các thương binh, liệt sĩ.
Trân trọng những gì đã có từ Hồi ký “Lính bay” tập 1, chúng ta cùng đón đợi tập 2 của Trung tướng Phạm Phú Thái với những câu chuyện, sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 1969 đến hòa bình năm 1975 tới lúc ông nghỉ hưu năm 2010 trên cương vị Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng .
HỒNG LINH