9 giờ:25 phút Thứ hai, ngày 10 tháng 12 , 2018

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự (3-12-1908 / 3-12-2018):

Ngô Gia Tự - Người chiến sĩ cách mạng kiên trung

Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ngày 3-12- 1908 tại tổng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Xuất thân trong một gia đình gia giáo và có truyền thống yêu nước, Ngô Gia Tự đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, có chí hướng và tinh thần yêu nước nồng nàn. Vào học Trường Bưởi (Hà Nội) khi mới 14 tuổi, được tiếp xúc với trào lưu tư tưởng tiến bộ, cậu học trò nhỏ đã nhanh chóng hòa mình vào các hoạt động của học sinh, sinh viên. Năm 1925, Ngô Gia Tự hăng hái tham gia phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu. Một năm sau, do tích cực hưởng ứng phong trào đấu tranh đòi truy điệu cụ Phan Chu Trinh, Ngô Gia Tự đã bị Giám đốc Trường Bưởi đuổi học vì “tội” chống lại “Chính phủ bảo hộ”. Về quê lao động nhưng trong lòng chàng thanh niên yêu nước luôn nung nấu mong muốn tìm bạn chí hướng để hoạt động cách mạng. Giữa năm 1926, khi mới 18 tuổi, Ngô Gia Tự được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và hơn một nửa n

Ngô Gia Tự - Người chiến sĩ cách mạng kiên trung
Đồng chí Ngô Gia Tự (1908-1934).

Từ đó, Ngô Gia Tự trở thành một trong những chiến sĩ tiên phong trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và được chỉ định về Bắc Ninh gây dựng cơ sở. Cuối năm 1927, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Ninh - Bắc Giang thành lập, ông tham gia vào Ban Chấp hành, sau đó làm Bí thư Tỉnh bộ Bắc Ninh - Bắc Giang và được bầu làm Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Các mạng thanh niên Bắc Kỳ. Tháng 9- 1928, Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ mở hội nghị đã đưa ra cuộc vận động phong trào “vô sản hóa”, đưa các hội viên vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để lao động, tự rèn luyện; đồng thời tuyên truyền giác ngộ, tổ chức vận động công nhân và nhân dân lao động đi theo cách mạng.

Ngay sau khi thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Kỳ, Ngô Gia Tự đã chỉ đạo chọn Nhà máy Ba Son (Sài Gòn), đồn điền Phú Riềng (Biên Hòa - Đồng Nai), xã Vĩnh Kim (Tiền Giang) làm điểm để xây dựng Chi bộ Đảng Cộng sản. Thực tế cho thấy, phong trào cách mạng ở Nam Kỳ đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp giải phóng dân tộc.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930, Ngô Gia Tự đã được Hội thống nhất các tổ chức Cộng sản ở Nam Kỳ tín nhiệm bầu làm Bí thư Cấp ủy lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ. Trong giai đoạn đầu thành lập Đảng, giữa lúc phong trào đấu tranh của quần chúng ở Nam Kỳ đang cần có sự chỉ đạo sâu sắc thì tối 31-5-1930, Ngô Gia Tự bị địch bắt. Biết ông là cán bộ cấp cao của Đảng, kẻ thù đã tìm mọi cách từ dụ dỗ, mua chuộc đến dùng cực hình tra tấn dã man nhằm khuất phục ông. Nhưng trước ý chí quật cường của người cộng sản chân chính, chúng phải bất lực. Trong lao tù của thực dân Pháp, Ngô Gia Tự luôn tự nhắc mình và anh em đồng chí: “Chúng ta phải chịu đựng, phải hi sinh tất cả cho Đảng, sinh mệnh của Đảng quý hơn sinh mệnh của mình”. Sau 3 năm bị giam giữ, bốn lần xét xử, thực dân Pháp bất chấp công lý, nhân quyền đã khép Ngô Gia Tự một bản án tử hình, ba bản án khổ sai chung thân và bí mật đưa đi đày ở nhà tù Côn Đảo.

Dù bị giam hãm ở chốn “địa ngục trần gian”, nhưng với quyết tâm “Phải biến nhà tù thành trường học, không nên bỏ phí thì giờ. Bất kỳ ở đâu, chúng ta cũng có thể hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản được”, Ngô Gia Tự luôn tranh thủ mọi cơ hội để truyền bá kiến thức, nâng cao lý luận cách mạng, xây dựng niềm tin vào thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam cho các chiến sĩ cộng sản và những người bạn tù. Ngô Gia Tự đã được tín nhiệm vào Ban Chi ủy Chi bộ Nhà tù. Trước những cực hình tra tấn, ông không hề dao động tinh thần, thậm chí nhiều lần còn dũng cảm chịu đòn thay cho bạn tù, giành việc nặng nhọc, nguy hiểm thay cho anh em. Tấm gương đó đã cảm hóa được một số người ở các đảng phái khác nhận ra lý tưởng cộng sản, tự nguyện gia nhập và chiến đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cuối năm 1934, Chi bộ Nhà tù Côn Đảo đã tổ chức cho ông và bảy chiến sĩ cộng sản vượt biển về đất liền giúp Đảng khôi phục phong trào cách mạng. Nhưng chiếc thuyền mong manh không chịu được sóng biển mùa gió chướng. Tất cả các chiến sĩ trong đoàn đã anh dũng hi sinh. Năm ấy, Ngô Gia Tự mới 26 tuổi, độ tuổi tràn đầy sức lực, tài năng và trí tuệ cống hiến cho Đảng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

BÍCH PHƯỢNG (tổng hợp)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website