15 giờ:29 phút Thứ hai, ngày 27 tháng 6 , 2016

Trường Sa trong tôi:

Kỳ 2: Chuyện định kỳ giữa biển khơi

Nhiệm vụ huấn luyện, trực ban SSCĐ và mọi nền nếp trong cuộc sống, sinh hoạt của những người lính đảo không chỉ do con người quyết định mà còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan. Thành ra, có hoạt động, định kỳ ở đất liền được tính theo ngày thì lại được tính theo quý ở đảo và ngược lại. Định kỳ của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, có lẽ là… siêu định kỳ.

 >>> Kỳ 1: Chào Tổ quốc nơi đầu sóng
“Ở nơi quanh năm bốn bề sóng gió, thứ gì rồi cũng bị ăn mòn, trừ ý chí của con người”. Câu nói của Phó Đô đốc Đinh Gia Thật – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân cứ quấn trong đầu tôi suốt hành trình cùng Đoàn công tác số 9 năm 2016 ra kiểm tra, thăm và động viên quân dân ở Quần đảo Trường Sa vào đầu tháng 5 vừa qua. Tôi đã có dịp kiểm nghiệm câu nói ấy qua mỗi điểm đảo khi tận mắt thấy những chiếc tủ bảo quản thực phẩm hoen gỉ, những cái chiếu cói ướt mèm vì gió muối, những cái áo vải bạc thếch dù lính đảo mới chỉ nhận công tác chưa đầy nửa năm… Biết sức phá hoại ghê gớm của nắng gió giữa đại dương, ngước nhìn giàn ăng ten ra đa ở Trạm 11 hay Trạm 44 trong mặn mòi sóng gió, tôi càng hiểu hơn công sức lính canh trời Trường Sa.
Kỳ 2: Chuyện định kỳ giữa biển khơi

Bảo quản khí tài ở Trạm Ra đa 44, Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377) trên Đảo Phan Vinh.

 Đại úy Phạm Tài Tân – Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377) kể với tôi khi anh vừa từ đất liền ra đảo: Khác với đất liền, khí tài ở đảo được chăm sóc với chế độ đặc biệt. Hệ thống ăng ten, ngoài sơn chống gỉ, còn được đắp một lớp mỡ dày, chỉ cần làm sót một vị trí nhỏ là thiết bị sẽ ngay lập tức bị ăn mòn. Hệ thống khí tài, mở phiên xong, cửa hầm bảo quản cũng phải đóng liền tay, nếu không hơi muối sẽ bám ngay lên thành tủ. Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt ấy, thời gian thực hiện bảo dưỡng định kỳ năm cho khí tài ở biển phải dài gấp đôi, gấp ba ở đất liền. Biết vậy nên khi nghe Trung tá Đặng Thanh Hải – Trạm trưởng Trạm Ra đa 11 cho hay, từ đầu năm 2016 đến nay, đơn vị đã thực hiện nhiệm vụ vượt tính năng của đài 1,5 lần; tôi hiểu, để có được kết quả ấy, công tác kỹ thuật nói chung và việc định kỳ ngày, tuần, tháng ở đây đã được thực hiện  nghiêm túc, cẩn trọng đến nhường nào. Cái tứ về “định kỳ nơi đầu sóng” cho một bài viết về Trường Sa của tôi bắt nguồn từ đó.

Một điều làm tôi khá ấn tượng là những bộ quân phục có sắc màu tươi tắn như mới, được là phẳng mịn, nổi bật trên màu da dạn dày sóng gió của lính đảo đứng đón đoàn công tác khi lên mỗi đảo. Sau nói chuyện mới biết, có điểm đảo, quanh năm, cán bộ, chiến sĩ thường chỉ mặc áo lót, quần đùi. Quân phục thì để diện trong ca trực, những ngày lễ, tết hoặc khi có các đoàn từ đất liền ra thăm. Thượng úy Phạm Văn Dần – Chính trị viên Trạm Ra đa 44, đóng quân trên Đảo Phan Vinh kể, thiếu nước ngọt nên tất tật mọi thứ đều phải dùng… dè. Mưa ở đảo cũng đã theo định kỳ, chỉ vào những tháng cuối năm. Mùa này thi thoảng cũng có một vài cơn mưa nhưng chưa đủ thấm đất nên trong khi chờ dự án máy lọc nước biển thành nước ngọt thì tiết kiệm nước vẫn là thượng sách. Vậy nên ngoài cái chuyện hầu hết cán bộ đều đã làm cha, có người sắp làm ông rồi vẫn tắm trong chậu như … em bé, thì định kỳ giặt quần áo ở đây là… hơn 1 tháng. Thảo nào, nhân lúc được xúng xính trong bộ quân phục, Trung tá Tăng Danh Nam - Nhân viên Cơ yếu của Trạm đã tranh thủ nhờ tôi chụp cho vài kiểu ảnh rồi chuyển về Hà Nội cho vợ. Nghe chuyện, thấy quý trọng hơn bộ quân phục mà tôi được mặc hàng ngày.

Hằng năm, cứ đến tháng Tư, là lính đảo thao thức. Đó là định kỳ đảo được đón các chuyến tàu từ đất liền ra thăm. Quà từ đất liền đã quý nhưng được nhìn thấy người từ đất liền, cảm được hơi ấm của đất liền còn quý hơn nhiều. Sướng nhất là được nhìn thấy và nghe giọng phụ nữ. Thượng úy Trịnh Thế Dược – Phó Đội trưởng Đội Bảo đảm Kỹ thuật sân bay tâm tình, ở Trường Sa Lớn, Đảo có các hộ dân, thi thoảng anh em còn được trông thấy bóng dáng phụ nữ ngang qua chứ ở các đảo chìm, nhất là những điểm đảo xa thì có khi thiếu hơi phụ nữ cả năm. Anh Dược bảo, cán bộ, chiến sĩ ở Đội vốn nhút nhát, từ khi ra Đảo, anh đã khởi xướng ra trò lên tặng hoa văn công, sau anh em cứ thế làm theo, thế là ai cũng có dịp được gần… chị em. Anh em trong Đội còn biết nhường nhịn nhau để không ai bị thiệt thòi. Cũng như mỗi khi nhận báo, nhận thư nhà vậy. Theo Thượng úy Phạm Văn Dần – Chính trị viên Trạm 44 thì thư, báo ngoài này cũng nhận theo định kì quý. Những tờ báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Báo PK-KQ, khi ra đến tay lính đảo, các thông tin đều cũ cả nhưng ai cũng thấy trân trọng, chuyền tay nhau đọc, để cảm nhận được hơi ấm đất liền qua hương vị ngai ngái của tờ báo “vừa” in xong.

Với riêng anh em ở các Trạm Ra đa 11, Trạm Ra đa 44 hay Đội Bảo đảm Kỹ thuật sân bay, sự xuất hiện của những con én bạc có lẽ là cái định kỳ được mong đợi thật nhiều. Thượng úy Trịnh Thế Dược kể, mỗi khi được chuẩn bị đón máy bay từ đất liền ra, từ những chuyến bay cấp cứu, những chuyến bay làm nhiệm vụ hạ cánh tại đảo đến bay trinh sát tuần tiễu, là cả đội vui như ngày hội. Những chiếc Su-30 của Sư đoàn 370 bay vòng trên đảo, khi máy bay xuyên tâm ở độ cao thấp, mọi người còn có thể nhìn rõ cả số hiệu, cả đảo cũng như anh em trong đội đều phấn khởi, tự hào… Không ít lần công tác dẫn dắt, hiệp đồng thông tin, chỉ huy bay cũng được biểu dương. Những lời khen thưởng không định kỳ ấy, cũng như những chuyến tàu từ đất liền ra đảo, luôn là những cơn mưa rào giữa mùa biển khát, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ, những lá chắn thành đồng nơi tiền tiêu Tổ quốc.

HỒNG LINH

>>> Kỳ cuối: “Mưa” ở Trường Sa

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website