9 giờ:2 phút Thứ sáu, ngày 17 tháng 5 , 2019

Chuyện những người "viết sử bằng hiện vật":

Kỳ 2: Gian nan tìm kiếm hiện vật

“Sưu tầm là 1 trong 6 khâu công tác chuyên môn nghiệp vụ của Bảo tàng PK-KQ, là khâu quan trọng để có các hiện vật gốc mang giá trị lịch sử trong Bảo tàng. Mọi hoạt động của Bảo tàng đều dựa trên cơ sở hiện vật gốc, vì vậy, sưu tầm được coi là nền tảng cho toàn bộ các khâu công tác khác, quyết định mọi hoạt động ở Bảo tàng PK-KQ” - Đại tá Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Bảo tàng PK-KQ, chia sẻ.

Đại tá Nguyễn Hữu Đạc - nguyên Giám đốc Bảo tàng PK-KQ cho biết, tính từ năm 1958 đến nay, các thế hệ cán bộ, nhân viên Bảo tàng PK-KQ đã tổ chức hàng chục nghìn đợt sưu tầm hiện vật trên địa bàn cả nước và thu thập về kho cơ sở hàng chục nghìn trang tư liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị. Tháng 8-1964, cán bộ, nhân viên sưu tầm đã có mặt ở nơi đánh thắng trận đầu để sưu tầm hiện vật bổ sung cho một giai đoạn mới trên chặng đường chiến đấu, chiến thắng vẻ vang của Bộ đội PK-KQ. Khi cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, cán bộ sưu tầm đã có mặt khắp các tỉnh, thành, các đơn vị chiến đấu từ Chiến trường Quảng Trị, tuyến đường Hồ Chí Minh đến các trận địa nóng bỏng như: Hàm Rồng, Khu IV, Hải Phòng, Lai Vu, Phú Lương và một khối lượng lớn hiện vật, hình ảnh, tư liệu có giá trị cao đã được sưu tầm về tổ chức trưng bày 2 triển lãm lớn nhân kỷ niệm 15 năm ngày truyền thống Bộ đội PK (1-4-1968) tại Vân Hồ và 25 năm thành lập nước (2-9-1970) tại Bạch Mai. Hiện nay, với sự hiện diện của hơn 56.000 hiện vật được trưng bày, bảo quản, lưu giữ tại Bảo tàng PK-KQ là minh chứng về sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng, đặc biệt là những cán bộ, nhân viên làm công tác sưu tầm.

Kỳ 2: Gian nan tìm kiếm hiện vật
Hội đồng khoa học Bảo tàng PK-KQ thẩm định các hiện vật mới được sưu tầm.

Đại tá Nguyễn Hữu Đạc khẳng định: “Để có được hàng chục ngàn hiện vật quý giá như hiện nay là cả một quá trình vượt qua nhiều khó khăn của đội ngũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng PK-KQ. Là những người vừa lãnh đạo, vừa trực tiếp làm công tác sưu tầm, chúng tôi thấu hiểu những vất vả, khó khăn khi tiếp cận với nhân chứng, đặc biệt là cựu chiến binh, lão thành cách mạng. Các cựu chiến binh tuổi đã cao, sức khỏe, trí nhớ giảm sút, nhưng kho tàng tư liệu, hiện vật mà các cựu chiến binh lưu giữ lại rất phong phú, gắn với thời gian tham gia hai cuộc kháng chiến. Để khai thác được những nhân chứng này, chúng tôi phải đi lại nhiều lần, thăm hỏi, động viên, kiên trì nói chuyện, vận động các bác hiến tặng. Không phụ sự vất vả của những cán bộ sưu tầm, nguồn sử liệu, hiện vật mà những nhân chứng cung cấp luôn có giá trị trưng bày và những thông tin lịch sử góp phần bổ sung cho hồ sơ hiện vật, nhiều thông tin bổ ích phục vụ cho công tác hướng dẫn tuyên truyền”.

Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Hạnh - Trưởng Ban Sưu tầm, cho biết: “Để sưu tầm được hiện vật có chất lượng, đúng loại hình, Bảo tàng sử dụng nhiều phương pháp: Cử cán bộ trực tiếp đi sưu tầm hiện vật, sử dụng hệ thống cộng tác viên, tuyên truyền vận động các đơn vị, cựu chiến binh đóng góp, sưu tầm hiện vật cho bảo tàng... Hiện nay, hiện vật Bảo tàng sưu tầm hàng năm tăng lên cả về số lượng, chất lượng; đặc biệt là hiện vật khối lớn, có hình thức và nội dung phong phú, hấp dẫn. Công tác sưu tầm hiện vật của Bảo tàng PK-KQ đã góp phần to lớn trong việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa quân sự”.

Phát hiện, tìm kiếm hiện vật đã khó, nhưng để có được hiện vật đó còn khó hơn. Bởi lẽ, những hiện vật quý giá đều gắn với sự nghiệp, chiến công, thậm chí sinh mạng của con người nên nó trở thành kỷ vật vô giá. Do vậy, để có được hiện vật, cán bộ, nhân viên sưu tầm không những có kỹ năng chuyên ngành mà cần nghiên cứu kỹ về lịch sử truyền thống của đơn vị, cá nhân, nắm rõ những thông tin, lý lịch của nhân chứng có hiện vật cần sưu tầm. Đồng thời, phải làm tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa của việc hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng, làm cho mỗi tổ chức, đơn vị, cá nhân hiểu rằng, việc hiến tặng các tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng lưu giữ cũng là vinh dự và giá trị của hiện vật sẽ được phát huy hiệu quả hơn.

Để hoàn thành nhiệm vụ sưu tầm và công tác sưu tầm có kết quả, đòi hỏi cán bộ sưu tầm của Bảo tàng không những phải biết xác định chính xác từng loại tài liệu, hiện vật gốc mà còn phải hiểu sâu sắc ý nghĩa lịch sử - văn hóa của chúng trong quá trình nghiên cứu, xác minh và tư liệu hóa, như: Phải làm rõ nguồn gốc, vai trò và vị trí của chúng trong những sự kiện, hiện tượng cụ thể của lịch sử thiên nhiên và lịch sử xã hội hoặc về con người và môi trường có liên quan… Do vậy, đối với cán bộ làm công tác sưu tầm cũng phải tự rèn luyện, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Sau khi đưa hiện vật về phải tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ, đặt tên cho hiện vật, thông qua Hội đồng khoa học xét duyệt để trở thành hiện vật của Bảo tàng.

Thiếu tá Nguyễn Thị Kim Cúc - Phó Giám đốc Bảo tàng PK-KQ, chia sẻ: “Sưu tầm là công việc âm thầm, rất vất vả. Chưa kể công tác sưu tầm, thu thập, bổ sung tư liệu, hiện vật trong những năm gần đây cũng còn một số những bất cập, khó khăn. Bên cạnh nguồn kinh phí hàng năm còn nhiều hạn chế, hiện nay, các nhân chứng của lực lượng PK-KQ sống ở khắp nơi trên cả nước, tuổi ngày càng cao, điều đó đồng nghĩa với tình trạng ngày càng mất đi cơ hội gặp gỡ, khai thác, nếu không tiến hành sưu tầm nhanh, số lượng tài liệu, hiện vật này ngày một mất dần theo năm tháng. Ngoài ra, hầu hết tư liệu, hiện vật trong chiến tranh đang được lưu giữ tại các đơn vị, chưa được áp dụng chế độ bảo quản khoa học, tiên tiến, mà phần nhiều bảo quản trong điều kiện tự nhiên nên dẫn đến nhiều hiện vật đang đứng trước nguy cơ mai một, hư hỏng”.

Dẫu còn khó khăn, vất vả, nhưng với bản lĩnh, kinh nghiệm nghề nghiệp cùng với tình yêu lịch sử, truyền thống, cán bộ, nhân viên làm công tác sưu tầm Bảo tàng PK-KQ qua các thời kỳ đã mang đến cho chúng ta cái nhìn khách quan, toàn diện, sâu sắc về tinh hoa quân sự của Bộ đội PK-KQ không chỉ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, sự nghiệp bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc hôm nay mà còn cả sự nghiệp quốc tế cao cả. Thành quả ấy khiến những người làm công tác sưu tầm sẽ không quản ngại khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

NGÔ TIẾN MẠNH 

>>> Kỳ 3: Gìn giữ “báu vật”

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website