7 giờ:33 phút Thứ ba, ngày 4 tháng 6 , 2019

Chuyện những người viết sử bằng hiện vật:

Kỳ 4: Sức sống của “kho báu”

Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật, phản ánh chân thực lịch sử quân sự của Bộ đội PK-KQ và tái hiện sinh động chặng đường hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu, phát triển và trưởng thành của PK-KQ Việt Nam anh hùng, mà còn là nơi giáo dục truyền thống hiệu quả cho cán bộ, chiến sĩ Quân chủng, Quân đội; quảng bá lịch sử quân sự và Bộ đội PK-KQ với toàn dân và bạn bè quốc tế. Do vậy, vai trò của những người làm công tác trưng bày-tuyên truyền của Bảo tàng hết sức quan trọng.

Kỳ 4: Sức sống của “kho báu”
Các đại biểu tham quan gian trưng bày tại Bảo tàng.

Theo nhận xét của Đại tá Phạm Đức Thọ - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, so với trước đây, ngày nay, hệ thống trưng bày ở Bảo tàng PK-KQ đã được củng cố, nâng cấp, hiện đại hơn nhiều và ngày càng phong phú, sâu sắc về nội dung, hấp dẫn về hình thức. Phương pháp trưng bày theo niên biểu xen với các chuyên đề, làm nổi các trọng tâm, trọng điểm, tái hiện được không khí lịch sử hào hùng của Bộ đội PK-KQ. Đặc biệt là làm nổi bật được những chiến công hiển hách của Bộ đội PK-KQ cùng với quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mà đỉnh cao là Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972. Chính sự đa dạng về phong cách trưng bày, sự sắp đặt hài hòa, tinh tế mỗi hiện vật, mỗi phương tiện, kết hợp với màu sắc, ánh sáng thích hợp ở Bảo tàng PKKQ đã mang tầm khái quát cao về tư tưởng, nội dung, giá trị của hiện vật đến với khách tham quan.

Khi tôi đưa ra ý kiến rằng, để hàng chục ngàn hiện vật thực sự trở thành “kho báu” lưu truyền cho thế hệ mai sau hiểu được lịch sử truyền thống, đường lối quân sự của lực lượng PK-KQ thì Đại tá Nguyễn Hữu Đạc - nguyên Giám đốc Bảo tàng PK-KQ, cho biết: “Để Bảo tàng hay nói đúng hơn là hiện vật có sức sống, việc làm sống lại hiện vật là việc rất quan trọng và được các thế hệ cán bộ, nhân viên Bảo tàng PK-KQ thực hiện có nền nếp, sáng tạo, hiệu quả cao”.

Được biết, trung bình hằng năm có khoảng 120.000 lượt khách tham quan, trong đó có nhiều khách quốc tế tới thăm Bảo tàng PK-KQ. Như vậy, nếu tính từ trước đến nay, đã có nhiều triệu lượt người tới thăm, học tập, nghiên cứu tại Bảo tàng PK-KQ. Đây thực sự là con số “khủng” đối với bảo tàng cấp 2 trong hệ thống bảo tàng quốc gia.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Thu Hằng - Phụ trách Ban Trưng bàyTuyên truyền, người đã có thâm niên 22 năm trong nghề, cho biết: “Các cán bộ làm công tác trưng bày-tuyên truyền ở Bảo tàng PKKQ luôn ý thức cao về công việc của mình. Bởi lẽ, việc tìm kiếm, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản hiện vật rất gian nan, mất nhiều công sức, trí tuệ của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng và toàn quân cho nên trong tâm khảm của người làm công tác trưng bày-tuyên truyền luôn thường trực câu hỏi là phải trưng bày làm sao, thuyết minh như thế nào để hiện vật ấy “sống” với đúng ý nghĩa và giá trị khoa học, lịch sử của nó? Và cũng chính từ việc luôn trăn trở, tâm huyết, trách nhiệm với công việc của mình mà bao năm qua, công tác trưng bày-tuyên truyền đã đạt được hiệu quả nhất định. Không những làm tái hiện được giá trị lịch sử của hiện vật, sự kiện như vốn có của nó mà còn truyền tải những thông điệp để mỗi hiện vật có sức sống mạnh mẽ hơn, sinh động hơn”.

Qua tìm hiểu và thực tế tham quan tại Bảo tàng PK-KQ, tôi thấy rằng, khách đến tham quan rất đa dạng về đối tượng, độ tuổi, trình độ và mục đích. Bên cạnh cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng, Quân đội và nhân dân thì có nhiều đoàn khách quốc tế. Do vậy, trưng bàytuyên truyền để ai cũng hiểu thấu đáo những hiện vật, sự kiện mà mình quan tâm thì chẳng đơn giản chút nào. Đây là công việc hết sức gian nan. Tuy nhiên, các thế hệ cán bộ, nhân viên làm công tác trưng bày-tuyên truyền không chỉ bằng lòng yêu nghề, mà còn phải có kiến thức về lịch sử, khoa học, văn hóa xã hội; làm việc không chỉ trên tinh thần trách nhiệm mà cả tình yêu nên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Cũng từ đó, khách đến thăm, nghiên cứu, học tập tại Bảo tàng PK-KQ luôn mãn nhãn, thỏa lòng với những sự kiện, hiện vật mình quan tâm. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc góp phần làm sáng rõ hơn giá trị lịch sử, nét đẹp văn hóa nhân văn quân sự của lực lượng PK-KQ qua các giai đoạn lịch sử.

Chị Mai Thị Huyền Trâm - Giáo viên Trường Tiểu học Nga Mỹ, xã Nga Mỹ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Tôi và các cô, trò Nhà trường cảm thấy rất hài lòng khi đến tham quan Bảo tàng PK-KQ. Được mắt thấy, tại nghe về lịch sử hào hùng của Bộ đội PKKQ qua các hiện vật được trưng bày, làm chúng tôi hiểu thấu đáo hơn về Bộ đội PK-KQ. Điều mà đọc qua những trang sử vẫn chưa thấu đáo hết. Ví dụ sách lịch sử có nhắc đến chuyện Anh hùng Phạm Tuân bay vào vũ trụ, nhưng khi đến Bảo tàng, được tận mắt trông thấy khoang đổ bộ trưng bày, kèm với lời thuyết minh, giới thiệu, đã làm cho chúng tôi thấy trực quan sinh động, và hiểu sâu hơn sự kiện lịch sử đó…”.

Theo Thiếu tá Nguyễn Thị Kim Cúc - Phó Giám đốc Bảo tàng PKKQ, công việc của Ban Trưng bàyTuyên truyền rất quan trọng, nhất là vai trò của thuyết minh viên. Do vậy, cán bộ làm công tác thuyết minh bên cạnh đòi hỏi phải có hiểu biết sâu sắc về lịch sử thì phải có phong cách, tác phong, bản lĩnh giao tiếp gần gũi, thân thiện với khách và tùy từng đối tượng khách có những phương pháp thuyết minh ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thì buổi tham quan mới hiệu quả.

Về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Hữu Đạc - nguyên Giám đốc Bảo tàng PK-KQ, cho rằng: “Trong thời đại ngày nay, để công tác trưng bày-tuyên truyền đạt hiệu quả cao, bên cạnh hiện vật độc đáo, thuyết minh hấp dẫn thì yếu tố quan trọng nhất để công chúng biết đến bảo tàng là công tác quảng bá, truyền thông. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ thông tin, quảng bá thông qua quảng cáo là vấn đề không hề đơn giản và vô cùng tốn kém, trong khi kinh phí còn rất hạn hẹp cũng làm các thế hệ cán bộ, nhân viên Bảo tàng PK-KQ trăn trở”.

Không ngừng đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động, hướng tới mục tiêu phục vụ công chúng một cách tốt nhất là trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy và cơ quan chức năng cũng như mọi cán bộ chiến sĩ trong Quân chủng mà cán bộ, nhân viên Bảo tàng PK-KQ là nòng cốt. Bên cạnh sự nỗ lực, sáng tạo, “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” những phản biện, đóng góp của cơ quan chuyên môn, thiết nghĩ, việc đầu tư xứng đáng cho thiết chế văn hóa như Bảo tàng PK-KQ cũng cần được quan tâm thỏa đáng, để hiện vật sống mãi với giá trị lịch sử của nó.

NGÔ TIẾN MẠNH

>>> Kỳ cuối: Để hiện vật sống mãi

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website