Tuy nhiên, với tiềm năng và chiến lược phát triển không quân quân đã được công bố, Mỹ, Nga và Anh sẽ tiếp tục sở hữu lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới. Điều này được đánh giá căn cứ trên các tiêu chí năng lực phòng vệ, khả năng tác chiến ở quy mô chiến lược và tầm quan trọng của không quân trong cơ cấu quân đội với vai trò như lực lượng cơ động nhanh, mạnh và hiện đại. Một điểm đáng chú ý nữa là việc Trung Quốc sẽ lần đầu tiên lọt vào Top 5 các cường quốc hàng không quân sự thế giới.
Liên quan tới vấn đề này, tạp chí Mỹ The National Interest đã có bài phân tích tổng quan về năng lực và xu hướng phát triển của 5 cường quốc có lực lượng không quân mạnh nhất thế giới vào năm 2030:
Không quân Mỹ tiếp tục đứng vị trí số 1
Hiện tại, Quân đội Mỹ có 3 lực lượng không quân riêng biệt, gồm: Không quân, không quân Hải quân và Không quân thuộc Thủy quân lục chiến quy mô bậc nhất thế giới và điều này sẽ tiếp tục tới năm 2030.
Tới năm 2030, Không quân Mỹ sẽ sở hữu 187 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-22 Raptor và 178 máy bay chiến đấu F-15C Golden Eagle với hệ thống ra-đa, cảm biến hiện đại đảm bảo khả năng giành ưu thế trên không. Cùng với đó, Không quân Mỹ cũng cơ bản thay máu lực lượng máy bay F-16 và A-10 cũ bằng 1.763 máy bay thế hệ thứ 5 F-35A Joint Strike Fighter.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-22 Raptor của Không quân Mỹ.
Tầm hoạt động của Không quân Mỹ được củng cố và mở rộng nhờ 100 máy bay tiếp liệu trên không KC-46 Pegasus thế hệ mới. Không quân chiến lược bắt đầu tiếp thế hệ máy bay ném bom tàng hình thứ 2 B-21 với khoảng gần 100 máy bay.
Trong khi đó, không quân Hải quân Mỹ được chuẩn hóa bằng máy bay F-35C và F/A-18E/F Super Hornet. Các đơn vị máy bay không người lái MQ-25 sẽ tăng cường năng lực trinh sát và thực hiện nhiệm vụ cho máy bay F-35C có người điều khiển; máy bay lưỡng thể V-22 Osprey đảm bảo khả năng vận tải hàng hóa trên biển. Cuối cùng, Không quân thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ được trang bị phiên bản F-35B với khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Không quân Trung Quốc
Sau hơn một thập kỷ tới, lực lượng Không quân Trung Quốc sẽ được xếp vào danh sách “cường quốc hàng không quân sự thế giới”. Mặc dù, tới năm 2030, số lượng máy bay chiến đấu của Không quân Trung Quốc giảm, nhưng chất lượng của chúng sẽ được tăng lên. Đặc biệt, chất lượng của các đơn vị máy bay Su-30, J-11, J-15 và J-10 sẽ được cải thiện đáng kể và chúng chính là các đơn vị máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 tốt nhất. Trong khi đó, tới năm 2030, quá trình phát triển máy bay thế hệ thứ 5 của Trung Quốc là J-20 và J-31 có thể cơ bản hoàn thành.
Nguyên mẫu J-15 được Trung Quốc phát triển trên cơ sở công nghệ máy bay Su-33 của Liên Xô.
Lực lượng hàng không quân sự chiến đấu chỉ là một phần sức mạnh của Không quân Trung Quốc. Quốc gia Đông Á này tham vọng phát triển máy bay vận tải Y-20 cho phép không vận tới bất kỳ nơi nào trên thế giới. Đây khung gầm máy bay quân sự đa dụng cho phép hoán cải thành các đơn vị hỗ trợ đường không như máy bay tiếp liệu trên không, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không cần thiết.
Không quân Nga: Năng lực khó dự đoán
Hiện tại, rất khó có thể dự đoán về Không quân Nga tới năm 2030. Với nền khoa học hàng không quân sự phát triển, nhưng lại gặp khó khăn về tài chính, Nga có nhiều lựa chọn phát triển lực lượng Không quân của mình. Ở kịch bản tốt nhất, với việc giá dầu mỏ tăng cao, Moscow nhanh chóng dỡ bỏ được hàng rào cấm vận của Mỹ và phương Tây, sức mạnh của Không quân Nga tới năm 2030 sẽ đứng thứ 2 thế giới.
Hai chương trình kỹ thuật hàng không quân sự quan trọng nhất của Nga hiện này là phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 PAK FA và máy bay ném bom tương lai PAK DA.
Nguyên mẫu T-50-5 thuộc chương trình PAK FA của Nga.
PAK FA được phát triển để đương đầu với đối thủ F-22 bên kia bờ đại dương và thay thế chức năng của các đơn vị máy bay Mig-29, Su-27, Su-30 và Su-34 hiện nay. Trong khi đó, PAK DA là dòng máy bay ném bom tàng hình chiến lược có khả năng thay thế các đơn vị máy bay ném bom siêu âm Tu-22 và Tu-160 đã tương đối lạc hậu.
Tuy nhiên, ở kịch bản xấu nhất, với ngân sách quốc phòng eo hẹp, khó khăn do các lệnh cấm vận, tới năm 2030, Không quân Nga nếu có lọt được top 10 cũng chỉ là do may mắn.
Không quân Israel: Hiện đại nhất khu vực Trung Đông
Không quân Israel hiện có 58 máy bay chiến đấu F-15 phiên bản A và C dành cho nhiệm vụ giành ưu thế trên không; 25 máy bay đa nhiệm F-15I và 312 máy bay F-16. Với lực lượng đó, tới năm 2030, Israel sẽ tiếp tục là lực lượng không quân mạnh mẽ nhất tại Trung Đông.
Chiếc F-35I đầu tiên được bàn giao tại cơ sở của hãng chế tạo Mỹ Lockheed Martin ở Fort Worth (Texas).
Vấn đề của Không quân Israel hiện tại là cố gắng tìm giải pháp thay thế các máy bay F-15 đã có tuổi đời 40 năm. Tuy nhiên, đáng tiếc là họ chưa tìm được giải pháp thích hợp, trong khi sản phẩm Tel Aviv mong muốn là F-22 thì Mỹ đã dừng sản xuất từ năm 2011. Chính vì vấn đề trên, Không quân Israel có thể phải chuyển nhiệm vụ giành ưu thế trên không từ máy bay F-15 sang máy bay F-35 vốn không phải được thiết kế cho nhiệm vụ không chiến chuyên nghiệp cho tới khi “người thay thế F-22” là máy bay thế hệ thứ 6 được Mỹ đưa vào sản xuất.
Không quân Israel dự kiến sẽ sở hữu 2 phi đội F-35 (32 chiếc) tới năm 2021 và đặt mua thêm phi đội thứ 3 vào năm 2020. Tới năm 2030, theo tính toán, Tel aviv có thể đặt mua tổng cộng tới 200 máy bay F-35 để đảm bảo khả năng tác chiến của không quân. Ngoài ra, các lực lượng hỗ trợ cho “lực lượng xương sống” này cũng được đảm bảo và tăng cường.
Không quân Anh: Cường quốc tại châu Âu
Tới năm 2030, Không quân Anh sẽ đạt tới “điểm rơi phong độ” sau hàng thập kỷ phát triển. Xương sống của Không quân Anh là 160 máy bay chiến đấu thế hệ 4++ Eurofighter Typhoon cùng kho vũ khí tấn công chính xác cao, trong đó có nhiều sản phẩm do Anh tự phát triển. Năng lực tác chiến của Không quân Anh cũng được nâng lên tầm cao mới nhờ sự tương tác giữa máy bay Eurofighter Typhoon và tổ hợp máy bay không người lái tấn công (UACV) Taranis.
Các máy bay F-35B của Không quân Anh trong cơ sở bảo dưỡng tại căn cứ Markham.
Trong khi đó, thay thế cho các phi đội máy bay tấn công Panavia Tornado GR4 cũ là 138 máy bay chiến đấu đa năng F-35B. Cơ bản chúng sẽ được trang bị trên 2 tàu sân bay Queen Elizabeth và Prince of Wales.
Có thể nói, tới năm 2030, lực lượng không quân Anh sẽ sở hữu tổng cộng khoảng gần 300 máy bay và có quy mô lớn thứ hai tại châu Âu.
Theo qdnd.vn