15 giờ:58 phút Thứ tư, ngày 2 tháng 9 , 2020

Lời thề độc lập và khát vọng phát triển

Ngày 2-9-2020, tròn 75 năm kể từ thời khắc lịch sử tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dõng dạc tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập.

 Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Sau đó, trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, đăng trên Báo Cứu quốc số ra ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “...nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Như thế là lời tuyên ngôn, cũng là lời thề độc lập dân tộc, và giá trị tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam từ nền độc lập dân tộc đó đã được nhấn mạnh ngay từ khi Nhà nước ta ra đời.

Trải qua 75 năm, từ một thuộc địa nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, trình độ rất thấp, không có tên trên bản đồ thế giới, rồi lại phải trải qua hàng chục năm chiến tranh, chia cắt hai miền, đến nay Việt Nam là một quốc gia độc lập, tự do, thống nhất, quy mô dân số gần 100 triệu người, vươn lên trở thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Việt Nam có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và là thành viên, đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Điều đó khẳng định con đường đi lên của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại!

Lời thề độc lập và khát vọng phát triển

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu.

Giai đoạn hiện nay là một giai đoạn rất đặc biệt trong lịch sử không chỉ đối với dân tộc ta, đất nước ta, mà còn đối với nhân loại. Đại dịch Covid-19 bất ngờ ập xuống đang khiến cả thế giới điêu đứng. Chỉ trong hơn nửa năm, số người thiệt mạng vì dịch đã là hơn 850.000 người-mức thiệt hại nhân mạng tưởng như chỉ có trong các cuộc chiến tranh, dịch bệnh của thế giới đầu thế kỷ trước. Cùng với đó, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại làm cho kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh. Những diễn biến của tình hình thế giới và khu vực rất phức tạp, khó dự báo, tạo ra thách thức lớn đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam.  

Sau 4 năm đầu của nhiệm kỳ liên tục tăng trưởng kinh tế ở mức cao, trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, của bối cảnh kinh tế-chính trị thế giới, năm 2020, kinh tế nước ta suy giảm mạnh, có thể tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ còn 3%. Mặc dù mức này cũng là tốt nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, nhưng so với nhu cầu, tiềm lực phát triển của Việt Nam và với những kỳ vọng mà chúng ta đặt ra thì rất đáng lo ngại. Cùng với đó, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn không ít thách thức.

Tại sao dân tộc ta đã từng nhiều lần đứng trước những thử thách cam go, khắc nghiệt nhưng vẫn tồn tại và phát triển? Trước hết, đó là vì, nhân dân ta dũng cảm, giàu lòng yêu nước. Lòng yêu nước của người Việt Nam là một tài sản vô giá, là một thứ vũ khí vô song trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Càng khi gặp thách thức lớn thì động lực từ lòng yêu nước càng cần được khơi dậy, phát huy cao độ.

Sức mạnh của dân tộc ta có được nhờ tinh thần đoàn kết. Cần phải luôn khắc sâu lời Bác Hồ dạy mỗi chúng ta: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đoàn kết trong Đảng và đại đoàn kết toàn dân tộc. Muốn đoàn kết, mỗi chúng ta phải nhìn vào cái chung, phải nhìn thấy cái chung, từ đó, phải chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự ích kỷ, chống lợi ích nhóm. Mỗi cá nhân có quyền mưu cầu hạnh phúc và được Nhà nước ta chăm lo cho hạnh phúc. Thế nhưng, lợi ích cá nhân, hạnh phúc cá nhân phải hài hòa với lợi ích của tập thể, cộng đồng, quốc gia, dân tộc.

Thế giới đang thay đổi rất nhanh với sự phát triển của khoa học, công nghệ, với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sự tiến lên của công nghệ, kinh tế số, kinh tế tri thức khiến các rào cản hữu hình, rào cản của không gian, địa lý truyền thống đang dần mất đi tác dụng. Nếu không phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của người Việt Nam để làm chủ khoa học, công nghệ mới, xây dựng và làm chủ xã hội số, kinh tế tri thức thì nền kinh tế đất nước sẽ bị lệ thuộc, và những giá trị về độc lập, tự do dân tộc, chủ quyền quốc gia sẽ bị tổn hại ngay cả khi đất nước chưa bị xâm phạm về lãnh thổ.

Thực tế đã chứng minh, vai trò, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng là điều kiện tiên quyết, nhân tố hàng đầu cho mọi thắng lợi của đất nước ta suốt 75 năm qua. Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Thời gian qua, công tác chỉnh đốn Đảng, quyết liệt chống tham nhũng, chống tiêu cực, lãng phí, chống “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đã góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Dân tin Đảng, Đảng và Nhà nước luôn vì nhân dân, vì dân tộc, “ý Đảng, lòng dân” hòa quyện cùng mong muốn, khát vọng và ý chí vươn tới một tương lai rạng rỡ của đất nước và dân tộc. Đại hội đảng bộ các cấp đang diễn ra sôi nổi. Thành công của đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương và cả đất nước đề ra được phương hướng, giải pháp phát triển trong giai đoạn mới, với những thắng lợi mới.

Từ khi ra đời đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là đội quân cách mạng của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực, nhất là tình hình Biển Đông tiếp tục có diễn biến phức tạp. Do đó, cần phải thực hiện tốt đường lối bảo vệ Tổ quốc đã được thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về: “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Quân đội ta cần được tiếp tục quan tâm xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đưa một số quân chủng, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại để đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI được tổ chức trong thời gian tới đây sẽ có những định hướng quan trọng trong việc xây dựng Quân đội ta trong những năm tiếp theo.  

Ánh nắng và làn gió mát của mùa thu Ba Đình như nhắc nhở mỗi chúng ta về những giá trị của quá khứ đối với hiện tại và tương lai. Thế hệ những người Việt Nam hôm nay được tiếp nhận lại giang sơn của cha ông để lại. Vì vậy cần trân trọng, gìn giữ và phát triển! Tương lai phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm và hành động của mỗi chúng ta hôm nay. Chúng ta cần phải tự tin tiến lên! Cần nỗ lực phấn đấu để đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao, sẽ “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như của mỗi người Việt Nam chúng ta.

Theo qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website