Không suy diễn chủ quan về sử dụng Cảng quốc tế Cam Ranh
Sau gần 6 tháng đi vào hoạt động, Cảng quốc tế Cam Ranh đã phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của một cảng nước sâu. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin tích cực; báo chí quốc tế và khu vực đã đăng nhiều tin, bài liên quan đến việc Việt Nam đưa Cảng quốc tế Cam Ranh vào hoạt động và nhấn mạnh hợp tác về quân sự giữa Việt Nam với các nước, trích đăng ý kiến của các chuyên gia, học giả quốc tế với những bình luận, suy diễn chủ quan, không đúng với mục đích, chức năng sử dụng của Cảng quốc tế Cam Ranh, không có lợi cho quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cảng Cam Ranh là một cảng biển nước sâu thuộc thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây được xem là cảng nước sâu tốt nhất Đông Nam Á. Do có địa thế chiến lược quan trọng nên Cam Ranh được giới quân sự nhiều nước quan tâm. Trước đây, Hải quân các nước Pháp, Mỹ và Liên Xô đã từng sử dụng Cam Ranh là căn cứ quân sự.
Tháng 9-2014, Dự án đầu tư xây dựng Khu Dịch vụ hàng hải và cung ứng tàu biển (giai đoạn 1) thuộc Dự án đầu tư Khu Dịch vụ hàng hải, sữa chữa, đóng mới tàu biển và công trình dầu khí biển tại cảng Cam Ranh được phê duyệt. Ngày 8-3-2016, Cảng quốc tế Cam Ranh chính thức được đưa vào khai thác sử dụng. Đây là một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam, có thể tiếp nhận được tàu sân bay có tải trọng đến 110.000 tấn, tàu khách có dung tích đến 280.000m3 và sửa chữa, đóng mới các công trình biển như giàn khoan đến 200m nước. Cảng có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và 185 tàu mỗi năm, là cảng đầu tiên tại Việt Nam thiết kế cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão đến cấp 8.
Cảng quốc tế Cam Ranh hoàn thành,
đưa vào hoạt động giai đoạn 1. Ảnh: Khanhhoaplus.
Sau gần 6 tháng đi vào hoạt động, Cảng quốc tế Cam Ranh đã phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của một cảng nước sâu. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin tích cực; báo chí quốc tế và khu vực đăng nhiều tin, bài liên quan đến việc Việt Nam đưa Cảng quốc tế Cam Ranh vào hoạt động và nhấn mạnh hợp tác về quân sự giữa Việt Nam với các nước, trích đăng ý kiến của các chuyên gia, học giả quốc tế với những bình luận, suy diễn chủ quan, không đúng với mục đích, chức năng sử dụng của Cảng quốc tế Cam Ranh, không có lợi cho quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, một số hãng thông tấn nước ngoài và các trang mạng, blog phản động đã tán phát nhiều tin, bài, trong đó trích dẫn ý kiến của một số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị trong nước xuyên tạc chính sách đối ngoại quốc phòng của Việt Nam thông qua việc đưa Cảng quốc tế Cam Ranh đi vào hoạt động.
Ở đây chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng, Cảng quốc tế Cam Ranh được thành lập với chức năng chính là đón tiếp các loại tàu trong nước và tàu nước ngoài đến thăm và sử dụng dịch vụ hàng hải, bảo dưỡng, sữa chữa và cung ứng tàu biển, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, củng cố, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc phòng, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định. Đồng thời, thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về hội nhập quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Trong thực tế, tiềm năng, lợi thế và khả năng đáp ứng dịch vụ của Cảng quốc tế Cam Ranh đã được khẳng định, được dư luận quốc tế đánh giá tích cực. Chính sách của Việt Nam về khai thác Cảng quốc tế Cam Ranh là vì mục đích hòa bình (với chủ trương 3 không: không liên minh quân sự; không cho phép nước ngoài sử dụng lãnh thổ Việt Nam chống nước khác; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự), góp phần bảo đảm an ninh, tự do, an toàn hàng hải và cứu nạn ở Biển Đông.
Chính vì vậy, cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng PK-KQ nói riêng, bạn đọc nói chung không nên bình luận, suy diễn chủ quan, nhận định, đánh giá tình hình không đúng sự thật, vô hình trung tiếp tay cho kẻ xấu. Bên cạnh đó, cần chủ động đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái, lợi dụng sự kiện Cảng quốc tế Cam Ranh đi vào hoạt động và tình hình phức tạp ở Biển Đông để xuyên tạc, gây chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam với các nước nói chung, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước nói riêng.
HOÀNG LÂU