9 giờ:58 phút Thứ tư, ngày 13 tháng 3 , 2024

Không thể xuyên tạc Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Khi cả nước đang tưng bừng tổ chức nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2024) thì những ngày qua, trên Internet và một số trang mạng xã hội lại lạc lõng xuất hiện một số bài viết có nội dung phán xét, xuyên tạc, phủ nhận tầm vóc, giá trị lịch sử to lớn này của nhân dân Việt Nam. Bên cạnh tập trung xuyên tạc bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta; chúng còn xuyên tạc, hạ bệ thần tượng lịch sử như phủ nhận tấm gương anh dũng hi sinh của Anh hùng Tô Vĩnh Diện. Đây là những luận điệu, hành động không mới về thủ đoạn nhưng hết sức thâm độc, qua đó gieo rắc sự nghi ngờ, làm phân tâm niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là giới trẻ hiện nay.

Thứ nhất, nói về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, các thế lực, phản động xuyên tạc rằng, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta chỉ là cuộc đụng độ giữa hai thế lực hiếu chiến; hay đáng nói hơn, chúng tráo trở cho rằng, thực chất Quân đội Pháp dưới sự hậu thuẫn của Mỹ có mặt ở Việt Nam là để ngăn Việt Nam xâm lược một nước khác.

Phải khẳng định rằng, trong thời gian ấy, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng mọi biện pháp giành lấy hoà bình bằng giải pháp đàm phán với Pháp mà cả thế giới đều biết. Nhưng với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, chúng đã đưa hàng chục vạn sĩ quan, binh lính của quân đội nhà nghề, với hàng triệu tấn bom đạn, vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân nhất để giáng lên đầu hàng chục triệu người dân vô tội. Tuy nhiên, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc ta đã nhất tề đứng lên, vượt qua hi sinh, gian khổ để giành chiến thắng cuối cùng tại Chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 5-1954), buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi 3 nước Đông Dương. Điều đó khẳng định, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ, của nhân dân Việt Nam là kết quả của cả một quá trình đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường, bất khuất; là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách, bản lĩnh và trí tuệ của toàn dân tộc; là thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; thắng lợi của sự kiên trì đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân và của nghệ thuật quân sự tài tình. Trong cuộc chiến tranh này, chiến thắng đã thuộc về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, thắng lợi của bạn bè, các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới, chứ đâu phải như những ý kiến lạc lõng, phản động trên.

Thứ hai, các thế lực thù địch, phản động cho rằng, Anh hùng LLVTND Tô Vĩnh Diện với hành động anh dũng khi lấy thân mình chèn pháo là không có thực, đây chỉ là nhân vật hư cấu chứ khẩu pháo nặng hàng tấn, với độ dốc như thế, con voi to cũng bị nó đè cho dập nát, chứ người thường chèn thế nào được mới thấy chúng suy luận chủ quan, vô cảm đến nhường nào. Chúng không chịu thừa nhận, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, khi con người rơi vào hoàn cảnh bất thường cụ thể có hành động xả thân vượt lên trên bình thường, thậm chí là phi thường, nằm ngoài hình dung đâu phải là chuyện hiếm.

Mấy năm trước, tôi may mắn được gặp Đại tá Trần Quốc Chân - Nguyên Trung đội trưởng Trung đội 8, trực tiếp chỉ huy Khẩu đội Tô Vĩnh Diện trong Chiến dịch Điện Biên Phủ bên khẩu pháo năm xưa tại Bảo tàng PK-KQ vào ngày công bố khẩu pháo được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia. Lúc ấy, tôi có kể với ông về một số kẻ xấu viết bài phủ nhận sự hi sinh dũng cảm của Anh hùng LLVTND Tô Vĩnh Diện. Ông không buồn mà cho rằng, lịch sử có giá trị như chân lý, tức là mọi sự việc đều hết sức hiện thực, khách quan và được kiểm nghiệm qua thực tế thì nếu kẻ nào đó càng dã tâm phủ nhận càng làm nó sáng hơn.

Ông kể rằng, vào ngày 1-2-1954 (tức ngày 28 tháng Chạp năm 1953 âm lịch), đơn vị được lệnh kéo pháo ra. Đúng lúc khẩu 37 mm rời khỏi nơi trú ẩn thì địch nã pháo từ Mường Thanh lên, máy bay dội bom trên trời xuống. Anh em nằm rạp tránh. Lực giữ pháo yếu đi và dây tời đứt. Nếu để pháo lao xuống tự nhiên thì rơi xuống vực. “Quyết tâm bảo vệ pháo” là mệnh lệnh không lời được ông và cả khẩu đội nhanh chóng thực thi.  Khẩu pháo lăn qua chèn, chiến sĩ Lê Văn Chi lái càng phía taluy âm bị hất xuống suối. Tô Vĩnh Diện lập tức bỏ càng pháo bên taluy dương, chuyển sang taluy âm để cản pháo. Những tiếng hô: "Không rời pháo! Cứu lấy pháo!" vang lên. Tô Vĩnh Diện lấy gốc cây làm bàn đạp dùng vai tì vào càng đẩy, nhoài người gần như nằm trên mặt dốc đẩy đẩy mạnh chiếc càng pháo vào vách núi. Khẩu pháo nghiêng hẳn về một bên, đứng sứng lại. Nhưng trọng lượng cộng với lực lao quá lớn, sức người có hạn nên Tô Vĩnh Diện đã nằm ngang thân bánh pháo, và một bánh xe của khẩu pháo đã đè hẳn lên người anh. Hành động chợt lóe ấy chính là khoảnh khắc định mệnh… Anh hùng Tô Vĩnh Diện đã chặn đứng khẩu pháo đang theo đà xuống vực… Ông phát lệnh chèn lìm, cùng Chính trị viên Tiểu đoàn Phạm Đăng Ty moi đất gỡ Tô Vĩnh Diện ra, nhưng Tô Vĩnh Diện chỉ còn thoi thóp thở. Trước lúc nhắm mắt, anh chỉ hỏi một câu: "Pháo... có... việc...gì ... không!"?  Lúc đó là 3 giờ  30 phút đêm 28 tháng Chạp (tức 1-2-1954).

Tấm gương dũng cảm hi sinh của Tô Vĩnh Diện được truyền đi khắp mặt trận. Đó không chỉ là nguồn cổ vũ  sức mạnh vô cùng to lớn để bộ đội pháo cao xạ nói riêng và mặt trận năm ấy nói chung tiến lên tiêu diệt địch tại xào huyệt cuối cùng ở Điện Biên Phủ mà cả trong chống Mỹ và xây dựng hôm nay.

Với sự kiện và nhân vật lịch sử rõ như ban ngày trong Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 70 năm về trước, thế nhưng các thế lực thù địch, phản động và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí vẫn xuyên tạc, bóp méo sự thật quả là không thể chấp nhận được.

Để đấu tranh với những hành động trên, cấp ủy, chỉ huy và cán bộ đảng viên các cấp trong Quân chủng cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống, tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc bằng mọi hình thức, nhất là đối với sĩ quan trẻ, chiến sĩ mới. Từ đó khẳng định giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, cần chủ động, sáng tạo tăng cường mọi biện pháp rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, lập trường tư tưởng, chính trị để cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng luôn có đủ kiến thức, nhãn quan chính trị, nhậy bén nhận biết những thông tin sai trái, xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử của kẻ xấu để lên án, đấu tranh hiệu quả.

NGÔ TIẾN MẠNH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website