8 giờ:42 phút Thứ sáu, ngày 30 tháng 4 , 2021

Nâng cao cảnh giác phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp nghỉ lễ

Những ngày qua, nhiều nước trên thế giới liên tiếp ghi nhận sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch COVID-19 với biến thể mới, lây lan nhanh hơn, tỉ lệ gây tử vong cao hơn. Một trong những nguyên nhân bùng phát dịch được các chuyên gia, nhà khoa học nhận định có một phần không nhỏ là bởi sự chủ quan, mất cảnh giác của chính quyền các nước sở tại, đặc biệt trong các lễ hội truyền thống. Từ những bài học đó, chúng ta cần nhìn nhận và tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2021) và Ngày Quốc tế Lao động 1-5.

Nâng cao cảnh giác phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp nghỉ lễ
Khuyến cáo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

Nếu nhìn vào những hình ảnh, đoạn clip được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch COVID-19 tại Ấn Độ những ngày vừa qua, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều cảm thấy xót xa, sợ hãi bởi sự tàn phá khủng khiếp của đại dịch. Nhiều ngày liên tiếp, Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới SAR-CoV-2 cao kỷ lục, bình quân hơn 300 nghìn ca/ngày. Tính đến sáng 29-4, Ấn Độ đã trở thành vùng dịch lớn thứ 2 trên thế giới với hơn 18 triệu ca, số người thương vong cũng đã vượt mức 200 nghìn người. Hình ảnh các bệnh viện chật kín bệnh nhân, thiếu oxy, máy thở hay các lò thiêu xác hoạt động hết công suất, thậm chí người dân còn phải tự tổ chức các địa điểm hỏa thiêu tập thể… đã khiến cả thế giới phải nhìn nhận, đánh giá lại về mức độ tàn phá khủng khiếp của “kẻ thù vô hình” này.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra sự bùng phát COVID-19 tại Ấn Độ được các chuyên gia, nhà khoa học nhận định như: Virus là biến thể kép mới dễ lây lan hơn, biến chứng gây nên tỉ lệ tử vong cao hơn; hay cơ sở vật chất, y tế dự phòng của Ấn Độ chưa đáp ứng tốt yêu cầu… Nhưng nguyên nhân lớn nhất phải nói đến là do sự chủ quan, mất cảnh giác của chính quyền và người dân.

Cùng với Ấn Độ, nhiều nước trên thế giới trong đó có cả những nước có đường biên giới chung với Việt Nam như Lào, Campuchia cũng đã ghi nhận số ca lây nhiễm tăng đáng kể, cùng với những biến thể mới đáng lo ngại từ Anh, Nam Phi... Chính vì vậy, thời gian qua, mặc dù đã kiểm soát tốt tình hình dịch nhưng Chính phủ Việt Nam đã có nhiều động thái nhằm tăng cường cảnh giác, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19 để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch bệnh, thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân và du khách; đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 kéo dài 4 ngày.

Theo đó, thực hiện Công điện số 541/CT-TTg ngày 23-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành từ Trung ương đến các địa phương tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, trong các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội nói chung, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân và du khách. Xem xét hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo đúng quy định. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương. Ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, nhiều thành phố lớn như Đà Nẵng, Hồ Chí Minh đã thông báo hoãn các hoạt động bắn pháo hoa để tránh việc tụ tập đông người. Công tác phòng dịch tại các địa điểm thu hút lượng lớn khách du lịch cũng được đẩy mạnh lên cấp độ mới. Lực lượng Biên phòng tại các cửa khẩu cũng tăng cường rà soát, ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp.

Tuy nhiên, để đồng hành với Chính phủ chiến thắng đại dịch, cần hơn cả là ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân. Việc hơn một tháng nay, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, đã khiến người dân có tâm lý chủ quan, đặc biệt là nhiều trường hợp không đeo khẩu trang khi ra đường. Trong dịp nghỉ lễ, nhu cầu đi lại, giao lưu gặp gỡ tăng cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi để virus xâm nhập và lây lan rất nhanh, đặc biệt là việc tiếp xúc với người lạ sẽ khiến công tác truy vết, dập dịch gặp nhiều khó khăn.

Thiết nghĩ, trong dịp nghỉ lễ dài ngày, việc đi nghỉ ngơi, du lịch của mỗi gia đình là nhu cầu cá nhân không thể cấm đoán. Song, ở giai đoạn đặc biệt khó khăn của đất nước, khi mà sự an toàn của cộng đồng trở thành ưu tiên số một, mỗi cá nhân cũng cần nâng cao ý thức phòng dịch hơn nữa. Đơn giản nhất là thực hiện nghiêm biện pháp 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) của Bộ Y tế khi đi đến nơi đông người, hạn chế đi lại; đồng thời trung thực khai báo y tế, thực hiện cách ly đúng quy định.

Các địa phương cũng cần xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh để quản lý, phát hiện kịp thời xuất nhập cảnh trái phép. Mỗi người dân đều phải là một “chiến sĩ bảo vệ”, kịp thời phát hiện, tố giác những người lạ nhập cảnh trái phép, những cơ sở kinh doanh vi phạm quy định phòng chống dịch để chung tay cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh, kiên quyết không để dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Những việc làm ấy tuy nhỏ, nhưng thể hiện ý thức công dân, tinh thần trách nhiệm, hi sinh nhu cầu cá nhân vì lợi ích chung của toàn xã hội.

THU HÀ
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website