15 giờ:45 phút Thứ hai, ngày 7 tháng 6 , 2021

Gia đình đặc biệt quan trọng với tâm lý của con trẻ

Dịch Covid-19 không chỉ làm cho chương trình học của mọi lứa tuổi bị tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng học tập, mà hoạt động vui chơi giải trí, luyện tập thể chất của các em cũng bị hạn chế. Tất cả những điều này đang ảnh hưởng sâu sắc tới tâm lý các em. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với GS, TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam để hiểu thêm về những vấn đề này.

 Phóng viên (PV): Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh phải học online hoặc nghỉ hè trong tâm thế "phòng thủ" và hầu hết trẻ bị "nhốt" ở nhà. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới tâm lý của các em hiện nay, thưa ông?

GS, TS Nguyễn Ngọc Phú: Dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho nhiều quốc gia, xáo trộn cuộc sống của các gia đình, tàn phá cuộc sống cộng đồng, làm cho học sinh buộc phải dừng đến trường, ở nhà học online, không được vui chơi, giải trí tự do như mọi ngày... Đây là một nỗi khổ đối với lứa tuổi các em là tuổi thích tự do bay nhảy, thích giao du với chúng bạn. Với lứa tuổi dậy thì, các em còn có tình bạn, tình yêu lại càng phức tạp hơn. Nếu nhà cửa rộng rãi, có vườn hoa cây cảnh, các em có thể tự do đi lại trong khu nhà mình, đỡ căng thẳng hơn là với các gia đình, chỗ ở chật hẹp, nóng bức. Trong những điều kiện như vậy, tâm lý trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Trước tiên là nhận thức bị trì trệ, tư duy thiếu sáng suốt. Cho dù có ngồi ở bàn đấy nhưng có khi học khó vào, khó thuộc hơn mọi ngày. Do điều kiện sống bị bó vào một không gian chật hẹp, các em dễ nảy sinh các căng thẳng tâm lý (stress). Tính tình các em có thể có những thay đổi, chẳng hạn dễ bị cáu gắt vô cớ...

Gia đình đặc biệt quan trọng với tâm lý của con trẻ
 GS, TS Nguyễn Ngọc Phú.

PV: Những ảnh hưởng tâm lý đó có thể gây ra hậu quả gì với trẻ sau này? 

GS, TS Nguyễn Ngọc Phú: Dịch Covid-19 kéo dài thì ảnh hưởng không tốt đến tâm lý trẻ càng rõ rệt. Nếu điều kiện sống không được cải thiện hoặc thiếu những tác động tâm lý chủ động tích cực, phù hợp của những người lớn trong gia đình, trực tiếp là tác động của bố mẹ thì hậu quả lại càng nghiêm trọng. Với những trẻ thể trạng yếu, tâm lý vốn không ổn định thường xuyên thì có thể có những hậu quả xấu. Khi có hậu quả, xin lưu ý, để giải quyết tốt vấn đề này, cần phải có các chuyên gia trị liệu tâm lý cùng các máy móc chuyên dụng trong nghiên cứu tâm-sinh lý và tâm thần kinh.

PV: Theo ông, làm thế nào để dạy trẻ đương đầu một cách tích cực với những khó khăn trong giai đoạn này? Các bậc bố mẹ nên làm gì để bảo đảm sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ?

GS, TS Nguyễn Ngọc Phú: Để giúp trẻ đương đầu với những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, nhà trường, các thầy cô giáo, các bậc bố mẹ cần chú ý một số điều sau: Trước tiên, trẻ cần được bố mẹ giải thích rõ về sự nguy hiểm của dịch Covid-19; được hướng dẫn thực hành tốt kỹ năng 5K. Nhà trường, thầy cô giáo hướng dẫn các cháu thực hiện tốt các bước tự học ở nhà; thực hành tốt học online nếu có. Trong giai đoạn này, gia đình đặc biệt quan trọng với tâm lý của con trẻ. Sự quan tâm của gia đình có tác động lớn đến tâm lý của trẻ, nhất là hình thành ý thức tự giác. Chỉ khi có ý thức tự giác, các con mới chấp hành các quy định một cách tự nguyện, thoải mái.

Gia đình đặc biệt quan trọng với tâm lý của con trẻ
 Trẻ chơi ở nhà khi không được đến trường. Ảnh: ĐỨC MINH

Bên cạnh đó, bố mẹ phải gợi ý và cùng con xây dựng lịch ở nhà theo từng ngày. Chẳng hạn giờ nào tự học, giờ nào được xem ti vi, giờ nào tập luyện tăng cường sức khỏe, giờ nào tham gia vệ sinh nhà cửa, giờ nào đọc sách... Nếu tự làm, con trẻ sẽ cảm thấy mình chủ động hơn trong cuộc sống và không thấy việc phải giãn cách ở nhà là căng thẳng, nhàm chán. Ngoài ra, bố mẹ cần tăng cường giao tiếp với con. Chẳng hạn, từ cơ quan gọi điện về, vừa để kiểm tra, vừa là thông cảm với khó khăn mà con trẻ đang gặp phải, vừa động viên tiếp thêm sức lực cho con vượt qua khó khăn. Buổi tối, khi cả nhà đông đủ, người lớn nên tranh thủ giao tiếp với trẻ, tạo tình huống hướng dẫn các trẻ hình thành kỹ năng tự thích ứng với các khó khăn nảy sinh...

PV: Làm thế nào để nhận biết sớm việc trẻ bị ảnh hưởng tâm lý cũng như biện pháp khắc phục, thưa ông?

GS, TS Nguyễn Ngọc Phú: Trong điều kiện dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, các bậc bố mẹ nên quan tâm nhiều hơn đến trẻ, quan sát hành vi của trẻ. Nếu phát hiện trẻ có các biểu hiện khác thường như ít nói, chán nản, uể oải... cần nghĩ ngay đến việc có thể trẻ đã bị các căng thẳng tâm lý lấn át. Khi đó rất cần có các can thiệp của các nhà chuyên môn trị liệu tâm lý để khắc phục. Biện pháp tốt nhất lúc này là, khi bố mẹ trở về nhà nên chủ động tăng cường giao tiếp với trẻ, hỏi han động viên trẻ, vừa giảm căng thẳng cho trẻ, vừa là cách giám sát sức khỏe thể chất và tâm lý của trẻ để có các biện pháp giải quyết phù hợp.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website