15 giờ:23 phút Thứ tư, ngày 30 tháng 6 , 2021

Tháng hành động phòng, chống ma túy trong Quân đội năm 2021

Tác hại của ma túy và quy định pháp luật về tội phạm ma túy

Những năm qua, tệ nạn ma túy và hệ lụy của nó đã tác động tiêu cực đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh việc làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người, làm băng hoại đạo đức xã hội, phá hoại hạnh phúc gia đình, nó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia. Hiện nay, cùng với việc xuất hiện nhiều loại ma tuý mới, tệ nạn ma tuý ở Việt Nam vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng. Để phòng, chống tệ nạn ma túy xâm nhập vào các cơ quan, đơn vị trong Quân đội, chúng ta cùng tìm hiểu về tác hại của ma túy và quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam về các loại tội phạm ma túy.

Tác hại của ma túy đến con người và đời sống xã hội

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố năm 1988 thì: Ma túy là bất kỳ một dạng chất nào, khi đưa vào cơ thể làm thay đổi trạng thái ý thức và hành vi như là kết quả tác động của chất đó lên hoạt động của não. Trên cơ sở các quy định của WHO và 3 Công ước quốc tế về phòng chống ma túy (năm 1961, 1971 và 1988) của Liên hợp quốc; ngày 30-3-2021, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật phòng chống ma túy để nội luật hóa các quy định trên.

Tác hại của ma túy và quy định pháp luật về tội phạm ma túy
Một buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho chiến sĩ mới
Tiểu đoàn 11, Phòng Tham mưu, Sư đoàn 361. Ảnh: HẢI AN

Theo đó, “ma túy” được hiểu là các chất gây nghiện, chất hướng thần, có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành, các chất này khi xâm nhập vào cơ thể con người sẽ làm thay đổi trạng thái ý thức và sinh lý, có thể dẫn đến nghiện và từ đó gây tác hại về nhiều mặt đối với xã hội. “Chất gây nghiện” là chất kích thích, ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng. “Chất hướng thần” là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng. Tệ nạn ma túy bao gồm tình trạng nghiện ma túy, các loại tội phạm về ma túy và các hành vi trái phép khác liên quan đến ma túy.

Tệ nạn ma túy gây ra các tác hại cơ bản cho con người và đời sống xã hội. Đối với sức khỏe, người sử dụng ma túy thông qua các hình thức tiêm chích Morphine, Hêrôin, dung dịch thuốc phiện, uống, ngậm các loại ma túy tổng hợp, hút thuốc phiện, cần sa, hít Hêrôin… trực tiếp đưa ma túy vào cơ thể theo các con đường tiêu hóa, đường hô hấp, đường máu, tuần hoàn hoặc thẩm thấu qua da, niêm mạc. Khi tiếp nhận chất ma túy, hệ thần kinh sẽ kích thích giai đoạn đầu gây hưng phấn, sảng khoái, lệ thuộc thuốc (hiện tượng ngáo), có thể gây các tai biến như co giật, xuất huyết dưới nhện, đột quỵ… Hệ tiêu hóa và hô hấp phản ứng với kích thích trên dễ gây tắc tĩnh mạch, tăng tần số thở gây ức chế hô hấp (hiện tượng sốc thuốc), nhất là khi dùng quá liều. Nhiều trường hợp ngưng thở nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong, đôi khi ngưng thở rất đột ngột. Ngoài ra, một số trường hợp khi sử dụng Cocain có thể gây phù phổi cấp, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, xuất huyết phế nang, viêm tiểu phế quản tắc nghẽn, viêm phổi, lên cơn hen phế quản… Các chất ma túy sẽ kích thích làm tăng nhịp tim, ảnh hưởng trực tiếp lên tim, gây co thắt mạch vành có thể tạo nên cơn đau thắt ngực, nặng hơn có thể gây nhồi máu cơ tim. Chúng cũng là nguyên nhân của các rối loạn nhịp đe dọa tính mạng người dùng ma túy. Ngoài ra còn gây nên tình trạng co mạch làm tăng huyết áp.

Đối với gia đình, người sử dụng ma túy luôn có cảm giác thèm khát, vật vã và có xu hướng tăng liều lượng dùng, đặc biệt là khi đã nghiện. Người nghiện ma túy cần rất nhiều tiền để mua ma túy nhằm thỏa mãn cơn nghiện khiến họ bị khánh kiệt về kinh tế. Khi lên cơn nghiện người nghiện thường mất hết lý trí, không còn điều khiển được hành vi của mình, thường trở nên liều lĩnh, hung bạo, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: Hành hạ vợ con, cha mẹ, anh em đập phá tài sản… Thiệt hại kinh tế do sử dụng ma túy gây ra là một trong những nguyên nhân làm đổ vỡ mối quan hệ tốt đẹp giữa những người trong gia đình và cộng đồng.

Đối với xã hội, nạn nghiện hút, tiêm chích ma túy không chỉ trực tiếp hủy hoại sức khỏe con người, làm khánh kiệt kinh tế của gia đình và xã hội mà còn là nguyên nhân xô đẩy người lương thiện vào con đường phạm tội. Người nghiện rất có thể làm bất cứ điều gì dù cho ảnh hưởng đến an ninh trật tự hay trở thành tội phạm miễn sao có tiền để thỏa mãn cơn nghiện của mình. Các hành vi phạm tội có liên quan đến việc sử dụng trái phép chất ma túy thường xảy ra như: Trộm cắp tài sản, lừa đảo, cướp tài sản, giết người… từ đó gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đối với đơn vị Quân đội, trong cơ quan, đơn vị mà có quân nhân sử dụng trái phép chất ma túy không những ảnh hưởng đến sức khỏe, phẩm chất, đạo đức, tài chính của quân nhân đó mà còn ảnh hưởng đến sự đoàn kết giữa đồng chí đồng đội, đoàn kết quân dân; ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thực hiện nhiệm vụ của tổ chức; uy hiếp đến sự an toàn và khả năng chiến đấu của cơ quan, đơn vị.

Những quy định của pháp luật về tội phạm ma túy

Trước những hiểm họa, tác hại nêu trên, pháp luật hình sự Việt Nam nghiêm cấm các hành vi liên quan đến ma túy như: Trồng các loại cây có chứa chất ma túy; chiếm đoạt, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; chiếm đoạt, tàng trữ, vận chuyển, sản xuất, mua bán dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sản xuất chất ma túy, tiền chất ma túy; tổ chức, chứa chất, lôi kéo, hoặc cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Bộ luật Hình sự Việt Nam có 13 điều luật (từ Điều 247 đến Điều 259) quy định các loại tội phạm về ma túy.

Tội phạm ma túy là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự, cố ý thực hiện một trong các hành vi nghiêm cấm nêu trên; các hành vi này xâm phạm đến chế độ quản lý của nhà nước đối với chất ma túy, tiền chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, gây hậu quả nghiêm trọng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, trật tự xã hội, đạo đức và sức khỏe của con người. Hình phạt cao nhất đối với các loại tội phạm về ma túy theo quy định của Bộ luật Hình sự lên tới 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Hệ thống các cơ quan tư pháp có thẩm quyền xử lý các loại tội phạm về ma túy thuộc Quân chủng PK-KQ bao gồm: Cơ quan điều tra hình sự và Viện kiểm sát quân sự Quân chủng tiến hành điều tra, truy tố đối với các loại tội phạm ma túy có khung hình phạt cao nhất trên 15 năm tù, tùng chung thân hoặc tử hình. Đối với các loại án ma túy có khung hình phạt cao nhất từ 15 năm tù trở xuống thì thẩm quyền giải quyết thuộc Cơ quan điều tra hình khu vực 1 và Viện kiểm sát quân sự khu vực 1/PK-KQ (đối với các đơn vị phía Bắc); Cơ quan điều tra hình khu vực 2 (Miền Trung); Cơ quan điều tra hình khu vực 3 và Viện kiểm sát quân sự khu vực 2 (đối với các đơn vị phía Nam). Do đặc thù, Quân chủng PK-KQ không tổ chức Tòa án quân sự, do vậy khi tội phạm về ma túy xảy ra thì Viện kiểm sát quân sự PK-KQ sẽ truy tố và kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án quân sự thuộc Quân khu nơi tội phạm xảy ra.

Để hạn chế tệ nạn ma túy xâm nhập vào Quân chủng; lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần quản lý chặt chẽ quân nhân thuộc quyền, thực hiện hiệu quả công tác tư tưởng, quản lý thời gian; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống ma túy; tăng cường các biện pháp phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm, tệ nạn ma túy, góp phần xây dựng môi trường sống trong sạch, lành mạnh; loại bỏ tệ nạn và tội phạm ma túy ra khỏi Quân đội.

TRỌNG NGHĨA

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website