13 giờ:20 phút Thứ năm, ngày 22 tháng 9 , 2016

Các nguy cơ từ trò chơi Pokemon Go

Vào những ngày đầu tháng 6 vừa qua, sau khi có mặt ở một số nước, Pokemon Go - một game tương tác thực tế ảo của nhà phát triển Niantic, đã chính thức đặt chân đến Việt Nam và tạo nên cơn sốt cực mạnh ở những người chơi mọi lứa tuổi. Nhưng hiện tại, nhiều quốc gia đã nhận định: Đây có thể là một trong những đề án của tổ chức gián điệp nước ngoài sử dụng công nghệ trò chơi điện tử do thám từng người, từng ngôi nhà, góc phố và đặc biệt là các căn cứ quân sự, an ninh của toàn bộ “phần còn lại của thế giới”.

 Đại tá Lê Thế Mẫu - nguyên Trưởng Phòng Thông tin Khoa học Quân sự thuộc Viện Chiến lược Quân sự (nay là Viện Chiến lược Quốc phòng) từng cảnh báo trên fanpage của ông: Pokemon Go chỉ là biến thể từ một đề án nhằm thu thập hình ảnh bề mặt Trái Đất trên phạm vi toàn cầu, công nghệ này đã từng được CIA gắn trong hàng triệu xe ô tô trên khắp thế giới.      

Ngược dòng thời gian, vào đầu những năm 2000, thông qua công ty bình phong In-Q-Tel Tổ chức gián điệp đã tài trợ cho hãng Niantic để phát triển trò chơi Pokemon Go. Đến tháng 6 vừa qua, trò chơi này chính thức ra mắt và đang thu hút sự quan tâm của  hàng triệu người trên thế giới. Hiện Pokemon Go đã có mặt tại hơn 40 nước trong đó có Việt Nam, dự định sẽ được phát hành ở hơn 200 nước trên thế giới. Đây là trò chơi nhập vai trực tuyến thực tế ảo, sử dụng các tính năng định vị vệ tinh GPS, bản đồ và camera trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng để đặt các con thú vào thế giới thực, thách thức người chơi bắt và đào tạo Pokemon tham gia thi đấu.

 Với những ứng dụng sẵn có như G. Map; G. Earth, G. Street view, công ty phát triển có thể thu thập được những hình ảnh thực tế bên ngoài thực địa thông tin từ bên trong các công trình, văn phòng, trụ sở, căn cứ quân sự, thông tin về người chơi… khi ai đó chơi trò này. Để chơi được, thiết bị cần bật chế độ định vị GPS và Camera để Pokemon Go có thể dựa vào đó cung cấp cho người chơi vị trí của con thú Pokemon, sử dụng Camera để chụp ảnh khu vực xuất hiện các con thú, công ty quản lý trò chơi được quyền truy cập vào hầu hết các hệ thống và ứng dụng trên thiết bị di động, cho phép nắm bắt được mọi hoạt động và thông tin của người chơi. Đáng chú ý là con  Pokemon có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, kể cả trong khu vực quân sự.

Sau khi chơi trò chơi điện tử Pokemon Go một thời gian, tất cả thông tin cá nhân của người chơi như địa chỉ nhà ở, quang cảnh nơi sinh sống, đơn vị công tác, số điện thoại di động, tài khoản ngân hàng… đều được gửi về máy chủ kiểm soát. Mặt khác, sau khi chính thức ra mắt, đã xuất hiện nhiều phiên bản Pokemon Go giả mạo chứa mã độc trên các ứng dụng, tiềm ẩn nguy cơ mã độc xâm nhập đánh cắp thông tin từ thiết bị di động của người dùng.

Trước tình trạng đó, một số các quốc gia đã có những động thái ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn đến an ninh quốc gia từ trò chơi này. Đầu tháng 8, Iran đã trở thành quốc gia đầu tiên chính thức cấm Pokemon Go do “lo ngại an ninh quốc gia”. Chính phủ Nga cũng thông báo cấm tất cả các nhân viên làm việc trong các cơ sở quốc phòng - an ninh tiếp cận trò chơi này bởi trong đó gắn camera đặc biệt để thu thập thông tin về những khu vực mà người chơi đi qua. Thậm chí, một số quan chức Nga còn gọi trò chơi Pokemon Go là “ác quỷ”, có khả năng tạo nên niềm phấn khích hiếm thấy trong giới game thủ và là công cụ siêu quyền lực của các thế lực đen tối nhằm thu thập thông tin tình báo nhạy cảm theo thời gian thực của bất kỳ địa điểm, khu vực nào.

Các binh lính của Quân đội Israel cũng bị cấm chơi Pokemon Go do giới quan chức lo ngại nguy cơ rò rỉ các thông tin bí mật và vị trí quân sự nhạy cảm.  Rõ ràng, trò chơi này và sự tiếp tay của hàng triệu người chơi toàn cầu, mọi ngóc ngách của thế giới đều nằm dưới quyền kiểm soát của công ty phát triển game này.

Đối với Việt Nam, và đặc biệt là đối với Quân đội, kẻ địch có thể lợi dụng Pokemon Go làm công cụ thu thập thông tin, hình ảnh về bố trí lực lượng, vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự, phát tán các mã độc, cài phần mềm nghe lén… Trước thực trạng trên, nhằm giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thông tin, lộ bí mật quân sự, bí mật Nhà nước có thể xảy ra, vừa qua Bộ Quốc phòng cũng như Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã có chỉ thị về việc nghiêm cấm quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng trong Quân chủng sử dụng trò chơi Pokemon Go. Các cơ quan đơn vị, học viện, nhà trường cần giáo dục cho các cán bộ, nhân viên về mối nguy hiểm từ trò chơi này. Cùng với đó, không ngừng nâng cao ý thức quân sự, bí mật quốc gia, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn thông tin của mỗi quân nhân. Nghiêm cấm mọi quân nhân, công nhân viên trong Quân chủng tải và sử dụng trò chơi Pokemon Go trên các phương tiện di động cá nhân hay trên các máy tính của cơ quan, đơn vị; nghiêm cấm trao đổi thông tin có những nội dung thuộc về bí mật quân sự qua mạng Internet và mạng viễn thông không được bảo mật theo quy định của pháp luật về cơ yếu. Thường xuyên tiến hành rà soát và quản lý việc sử dụng các loại điện thoại thông minh, máy tính bảng, các thiết bị kết nối mạng Internet của tập thể và cá nhân trong cơ quan, đơn vị. Phát hiện, ngăn chặn người chơi Pokemon Go đi vào các khu vực quân sự; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chơi trò chơi Pokemon Go.

BÍCH PHƯỢNG

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website