Quân chủng, bộ phận quân đội hoạt động ở môi trường địa lý nhất định (trên bộ, trên không, trên biển); được tổ chức, biên chế, trang bị, huấn luyện theo đặc trưng chức năng, nhiệm vụ và phương thức tác chiến riêng. Mỗi quân chủng có các binh chủng, bộ đội chuyên môn, các đơn vị phục vụ phù hợp với đặc điểm của quân chủng.

Binh chủng, bộ phận hợp thành quân chủng, có chức năng trực tiếp chiến đấu hoặc bảo đảm chiến đấu, có vũ khí, trang bị kỹ thuật và phương pháp hoạt động tác chiến đặc thù.

Trong lực lượng vũ trang của nhiều nước, lục quân có binh chủng: Bộ binh (bộ binh cơ giới), Pháo binh, Thiết giáp, Phòng không lục quân...; Quân chủng Không quân có binh chủng: Tiêm kích, tiêm kích - bom, ném bom, trinh sát...; Quân chủng Phòng không có binh chủng: Pháo phòng không, tên lửa phòng không, ra-đa phòng không...; Quân chủng Hải quân có binh chủng: Tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân, tên lửa - pháo bờ biển, hải quân đánh bộ...

Ở Việt Nam, thuật ngữ binh chủng còn được dùng để gọi một số bộ đội chuyên môn, ví dụ: Binh chủng Công binh, Binh chủng Hóa học, Binh chủng Thông tin liên lạc...

Quân đội nhân dân Việt Nam hiện có ba quân chủng: Lục quân, Hải quân và Phòng không - Không quân (từ năm 1999, hai Quân chủng Phòng không và Không quân được hợp nhất lại thành Quân chủng Phòng không - Không quân).


Sự khác nhau giữa quân chủng và binh chủng trong Quân đội nhân dân Việt Nam?
Quân đội nhân dân Việt Nam trong một buổi lễ trọng đại của đất nước. Ảnh: qdnd.vn

Lục quân Việt Nam không tổ chức thành bộ tư lệnh riêng mà đặt dưới sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị; sự chỉ đạo chuyên ngành của các tổng cục và cơ quan chức năng khác.

Lục quân có 7 quân khu (1, 2, 3, 4, 5, 7, 9) và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội; 6 binh chủng (gồm Pháo binh, Tăng thiết giáp, Công binh, Thông tin, Hóa học, Đặc công); 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4)…

Lục quân Việt Nam được trang bị theo hướng hiện đại, gọn nhẹ, có khả năng cơ động cao, có sức đột kích và hỏa lực mạnh, có khả năng tác chiến trong các điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu, phù hợp với nghệ thuật chiến tranh nhân dân hiện đại.

Sự khác nhau giữa quân chủng và binh chủng trong Quân đội nhân dân Việt Nam?
 Bộ đội không quân luyện tập bảo vệ bầu trời. Ảnh: HOÀNG HÀ

Quân chủng Phòng không - Không quân là lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ vùng trời, bảo vệ các mục tiêu trọng điểm quốc gia, bảo vệ nhân dân đồng thời tham gia bảo vệ các vùng biển đảo của Tổ quốc. Lực lượng Phòng không - Không quân có thể độc lập thực hiện nhiệm vụ hoặc tham gia tác chiến trong đội hình quân binh chủng hợp thành.

Quân chủng làm tham mưu cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo xây dựng lực lượng phòng không lục quân và không quân thuộc các quân chủng, binh chủng, ngành khác. Quân chủng Phòng không - Không quân được tổ chức thành Bộ tư lệnh Quân chủng, các đơn vị chiến đấu; khối bảo đảm; khối nhà trường và các đơn vị kinh tế.

Sự khác nhau giữa quân chủng và binh chủng trong Quân đội nhân dân Việt Nam?
Quân chủng Hải quân diễn tập đổ bộ đường biển. Ảnh: HẢI QUÂN. 

Quân chủng Hải quân là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên biển. Hải quân nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ giữ gìn an ninh, chống lại mọi hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam trên biển; bảo vệ các hoạt động bình thường của Việt Nam trên các vùng biển đảo, theo quy định của luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam; bảo đảm an toàn hàng hải và tham gia tìm kiếm cứu nạn theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, sẵn sàng hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng khác nhằm đánh bại mọi cuộc tiến công xâm lược trên hướng biển.

Bộ tư lệnh Hải quân chỉ huy toàn bộ lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam. Hải quân nhân dân Việt Nam có 5 vùng Hải quân (1, 2, 3, 4, 5) và các đơn vị trực thuộc. Lực lượng chủ yếu của Hải quân nhân dân Việt Nam là các đơn vị tàu mặt nước, pháo - tên lửa bờ biển; hải quân đánh bộ; đặc công hải quân và các đơn vị phòng thủ đảo.