Hiệu quả và những vấn đề đặt ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 51 ở Quân chủng PK-KQ:
Bài cuối: Để thực hiện tốt Nghị quyết 51
Một cơ chế thông thoáng ngay từ hệ thống các văn bản quy phạm; một lộ trình đào tạo bài bản xứng tầm với chức năng, nhiệm vụ của chính ủy, chính trị viên; một bộ quy tắc ứng xử chung giữa cán bộ chủ trì về chính trị và chủ trì quân sự vì nhiệm vụ chung là những yêu cầu thực tiễn để thực hiện tốt Nghị quyết 51 trong giai đoạn hiện nay.
Theo Đại tá Lê Hữu Đa - Trưởng Phòng Tổ chức, để Nghị quyết 51 phát huy đúng, đầy đủ mục đích, ý nghĩa của nó, việc đầu tiên các cấp phải loại bỏ tư duy, nếp làm cũ.
Tư duy và nếp làm cũ theo Đại tá Lê Hữu Đa đó là lối tư duy lệ thuộc mà suốt một thời gian dài Quân chủng và toàn quân thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa V). Thực hiện Nghị quyết 27, đội ngũ cán bộ chính trị các cấp chỉ là cấp phó giúp việc cho người chỉ huy cùng cấp về mặt hoạt động CTĐ, CTCT nên lối tư duy lệ thuộc, thụ động, trông chờ vào người chỉ huy vẫn còn hiện hữu trong suy nghĩ của một bộ phận cán bộ chính trị, nhất là thời gian đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 51. Lối tư duy cũ này không những không phát huy được vai trò “chủ trì về chính trị” của chính ủy, chính trị viên, mà còn là nguyên nhân sâu xa để người chỉ huy ở từng cấp chậm khắc phục những biểu hiện gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 218 (Sư đoàn 361) nghiên cứu,
triển khai nhiệm vụ trong Diễn tập DV-16 (tháng 8-2016).
Làm rõ hơn vấn đề này, Đại tá Hoàng Đình Sơn - Trưởng Ban Tổng kết lịch sử CTĐ, CTCT cho biết: Nghị quyết 51 ra đời là kết quả của việc tổng kết sâu sắc thực tiễn 20 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa V) và kế thừa, phát triển truyền thống, kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội qua các thời kỳ, đánh dấu bước tiến trong tư duy lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội trong giai đoạn mới. Do đó, nếu còn tư duy theo Nghị quyết 27-NQ/TW thì Nghị quyết 51 không phát huy được tác dụng. Cơ quan, đơn vị nào còn để xảy ra hiện tượng này, cần phải được chấn chỉnh kịp thời.
Đồng ý với việc đổi mới triệt để về tư duy, Đại tá Nguyễn Văn Cảm - Chính ủy Cục Hậu cần cho rằng, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp, nhất là chủ trì về chính trị phải thấm nhuần rõ nội hàm “chủ trì về chính trị”. Chủ trì về chính trị của chính ủy, chính trị viên là sự điều hành, chịu trách nhiệm về chính trị đối với đơn vị mình. Tức là chịu trách nhiệm cá nhân cao nhất về chính trị của đơn vị và là người đứng đầu về chính trị của đơn vị bên cạnh người chủ trì về quân sự. Chủ trì về chính trị của chính ủy, chính trị viên trong quân đội không chỉ thể hiện ở cương vị chủ trì về chính trị ở đơn vị mình đảm nhiệm, mà còn thể hiện trên cương vị bí thư cấp ủy, chi bộ. Không thể tách rời hoạt động trên cương vị chủ trì về chính trị và bí thư cấp ủy của chính ủy, chính trị viên. Hai cương vị đó hòa quyện, thống nhất trong con người của chính ủy, chính trị viên để họ thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ quyền hạn của mình theo quy định. Do vậy, để khắc phục triệt để tình trạng trên, chính ủy, chính trị viên phải nắm vững và hiểu kỹ cơ chế đã được xác định trong Nghị quyết 51.
Theo tinh thần Nghị quyết 51 thì quyền lãnh đạo toàn diện các mặt công tác, các nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động, các tổ chức, từng con người của đơn vị tập trung thống nhất vào tập thể cấp ủy. Người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên phải phục tùng sự lãnh đạo của cấp ủy; có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy và nhiệm vụ được cấp trên giao theo đúng chức trách, quyền hạn. Người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; chịu trách nhiệm trước cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị cấp trên và cấp ủy cấp mình về toàn bộ hoạt động của đơn vị theo phạm vi, chức trách, nhiệm vụ được giao. Như vậy, chính ủy, chính trị viên nắm chắc được những vấn đề cơ bản nêu trên thì trong hoạt động thực tiễn không những thể hiện được vai trò của mình, mà còn tạo được sự đồng thuận, đoàn kết đối với người chỉ huy.
Tìm hiểu thực tiễn thực hiện Nghị quyết 51 tại Trung đoàn 257 (Sư đoàn 361), chúng tôi được Trung tá Thái Huy Quang - Chính ủy Trung đoàn 257 cho biết: Để thực hiện Nghị quyết 51 có hiệu quả thì trước tiên chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cấp ủy viên trong cấp ủy phải thấm nhuần Nghị quyết. Đối với người chủ trì về chính trị không những có năng lực về chuyên môn chính trị mà phải không ngừng học tập về chuyên môn quân sự, đây là mấu chốt để giải quyết tốt mối quan hệ, tạo đồng thuận giữa chính ủy, chính trị viên với người chỉ huy. Khi đã đồng thuận vì nhiệm vụ chung thì nhiệm vụ nào cũng bớt khó khăn và hoàn thành ở mức cao hơn.
Khi tôi đưa ra ý kiến của Trung tá Thái Huy Quang, Thượng tá Phạm Tuấn Anh - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 921 (Sư đoàn 371) tán thành và cho rằng: Trong bất cứ nhiệm vụ nào thì người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên phải lấy quyết nghị của cấp ủy là trung tâm. Để đưa ra những quyết định đúng đắn với từng nhiệm vụ, người chỉ huy cũng cần không ngừng học tập nâng cao trình độ chính trị, nhất là hoạt động CTĐ, CTCT.
Theo Đại tá Trương Mậu Thạp - Trưởng Phòng Cán bộ, để thực hiện Nghị quyết 51 được tốt hơn, bên cạnh kiến nghị đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng biên chế chức danh chính trị viên phó các trạm, xưởng, Chính ủy Viện Kỹ thuật… thì việc có lộ trình đào tạo cán bộ phù hợp, nhất là trình độ ngoại ngữ đóng vai trò quan trọng. Lý giải vấn đề này, đồng chí Trưởng phòng Cán bộ cho biết, trong những năm qua, những cán bộ chỉ huy tham mưu, hậu cần, kỹ thuật đã qua hoạt động thực tiễn ở đơn vị, có phẩm chất chính trị tốt, hoàn thành nhiệm vụ khá, có năng lực hoạt động CTĐ, CTCT đi chuyển loại cán bộ chính trị xong về đơn vị đều phát huy hiệu quả rất tốt trên cương vị chính ủy, chính trị viên. Đây cũng là vấn đề quan trọng trong công tác cán bộ để thực hiện Nghị quyết 51 hiệu quả cao ở Quân chủng PK-KQ.
Tại buổi Tọa đàm “Những vấn đề mới đặt ra về lý luận và thực tiễn trong quá trình thực hiện Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX”. Đồng chí Thiếu tướng Phạm Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng yêu cầu: “Thực hiện Nghị quyết 51 là vấn đề hệ trọng, do vậy, trước yêu cầu xây dựng Quân chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá đúng thực tiễn, có những hiệu chỉnh phù hợp và kiến nghị hợp lý để Nghị quyết 51 phát huy hiệu quả, hiệu lực trong thực hiện nhiệm vụ…”
Sẽ còn nảy sinh những vướng mắc trong quá trình thực hiện, tuy nhiên từ hiệu quả bước đầu và nhận định đúng những bất cập mà các cấp trong Quân chủng đã, đang làm trong thời gian qua và sẽ làm trong thời gian tới, chúng ta vững tin, Nghị quyết 51 ở Quân chủng PK-KQ sẽ được thực hiện, phát huy đầy đủ hiệu lực, hiệu quả trong mọi tình huống.
Bài, ảnh: NGÔ TIẾN MẠNH