7 giờ:39 phút Thứ sáu, ngày 24 tháng 6 , 2022

Quản lý, bảo vệ biển quốc gia qua lăng kính pháp lý

Bài 2: “Cánh tay nối dài” của UNCLOS 1982

Trong cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân được giới thiệu về cuốn sách mới xuất bản của ông với tựa đề: “Lãnh thổ Việt Nam: Lịch sử và pháp lý”.

 Thông qua cuốn sách này cùng những chia sẻ trực tiếp của Tiến sĩ Trần Công Trục đã đưa ra cái nhìn cơ bản đối với việc vận dụng Luật Biển Việt Nam 2012 vào quản lý, sử dụng biển và giải quyết các thách thức trên biển.

Hành lang pháp lý quan trọng

Trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Việt Nam đã xây dựng Luật Biển Việt Nam và được Quốc hội thông qua ngày 21-6-2012, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2013. Luật Biển Việt Nam ra đời đã xác lập hành lang pháp lý quan trọng, hay cũng có thể coi là “cánh tay nối dài” của UNCLOS để điều chỉnh các mối quan hệ trên biển và đại dương có liên quan mật thiết tới đất nước.

Bài 2: “Cánh tay nối dài” của UNCLOS 1982

Lực lượng kiểm ngư Việt Nam đồng hành cùng các tàu khai thác hải sản của ngư dân. Ảnh: ĐỨC TUẤN 

Chia sẻ với tư cách là một chuyên gia từng có nhiều năm nghiên cứu về pháp luật liên quan tới biên giới, Tiến sĩ Trần Công Trục cho biết: Luật Biển Việt Nam gồm 54 điều khoản được bố trí trong 7 chương. Có 4 nội dung đã được hợp pháp hóa bởi Luật Biển Việt Nam, đó là: Xác định phạm vi các vùng biển, thềm lục địa và khẳng định chủ quyền đối với các hải đảo, quần đảo, bao gồm: Đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; các hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo. 

 Điều 1 của Luật Biển Việt Nam nêu rõ: “Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo”; và khoản 2, Điều 19 quy định: “Đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam”. 

Luật Biển Việt Nam đã quy định cụ thể đối với các hoạt động trong vùng biển Việt Nam là phải tôn trọng các quyền hợp pháp của quốc gia ven biển. Luật Biển Việt Nam cũng đặc biệt quy định về vấn đề phát triển kinh tế biển và các hoạt động tuần tra, kiểm tra trên biển. Luật Biển Việt Nam quy định phát triển kinh tế biển nhằm phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn trên biển; phù hợp với yêu cầu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; gắn với phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương ven biển và hải đảo. Luật quy định Nhà nước ưu tiên tập trung phát triển các ngành kinh tế biển như: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; du lịch biển và kinh tế đảo; khai thác, nuôi trồng, chế biển hải sản; phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học-công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển.

Sau khi ban hành Luật Biển 2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015, có hiệu lực từ ngày 1-7-2017, điều chỉnh các hoạt động giao thông hàng hải trên biển, chế độ ra vào các cảng biển Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến quản lý và sử dụng biển và đại dương như Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015), Luật Bảo vệ môi trường (2020), Luật Biên giới quốc gia (2003) và các nghị định quy định bảo vệ công trình hàng hải và Nghị định về quản lý hoạt động của người và phương tiện trong khu vực biên giới biển.

Luật Biển Việt Nam đã có hiệu lực và trở thành công cụ pháp lý quan trọng để điều chỉnh mọi mối quan hệ đa dạng và phức tạp đang diễn ra trong các vùng biển, thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Tiến sĩ Trần Công Trục cũng nhấn mạnh rằng phạm vi và quy chế pháp lý của nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được nêu trong Luật Biển Việt Nam 2012 đều hoàn toàn phù hợp với các quy định của UNCLOS.

Thượng tôn pháp luật để hóa giải thách thức

Luật Biển Việt Nam ra đời là bằng chứng cho thấy Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của UNCLOS. Đây là sự cụ thể hóa các quy phạm pháp lý quan trọng của UNCLOS để tiếp tục góp phần bảo vệ, quản lý các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, chủ quyền an ninh quốc gia trên biển Việt Nam. Đồng thời, việc thông qua Luật Biển Việt Nam cũng là một bước đi đúng đắn, phù hợp với luật pháp quốc tế, qua đó giúp giải quyết hòa bình những bất đồng, tranh chấp trên Biển Đông.

Bài 2: “Cánh tay nối dài” của UNCLOS 1982

Lực lượng kiểm ngư Việt Nam tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. Ảnh: ĐỨC TUẤN 

Để đưa Luật Biển Việt Nam vào cuộc sống và làm cho luật này phát huy hiệu lực, trước hết phải phổ biến, tuyên truyền, giáo dục cho tất cả mọi tầng lớp, tổ chức, lực lượng, cá nhân... trong nước, nhất là những người thường xuyên hoạt động gắn bó với biển, đại dương về toàn bộ nội dung của Luật Biển Việt Nam. Tiếp nối ý này, Tiến sĩ Trần Công Trục nêu ra một trong những vấn đề hiện nay là tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên Biển Đông, có liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của Việt Nam. Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng khu vực và quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để chống đánh bắt cá bất hợp pháp nhằm sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng“ đối với thủy sản Việt Nam của Ủy ban châu Âu (EC). 

Cũng theo Tiến sĩ Trần Công Trục, đông đảo dư luận cho rằng đã đến lúc cần thẳng thắn, nghiêm túc và có trách nhiệm, cùng nhau phân tích và nhận diện các nguyên nhân đích thực khiến cho “vấn nạn IUU” vẫn tồn tại và chỉ có như vậy mới tìm ra cách giải quyết tận gốc. Một trong những nguyên nhân dẫn tới vấn nạn này là do cộng đồng ngư dân của Việt Nam cũng như các nước có thể chưa nắm được một cách cụ thể, rõ ràng vị trí chính xác của các ranh giới biển hợp pháp đã được công bố, cũng như giới hạn của “vùng chồng lấn” được hình thành dựa theo yêu sách hợp lý giữa các quốc gia ven biển nằm kế cận hay đối diện nhau trong Biển Đông. Bởi vậy, trước hết nên làm sáng tỏ căn cứ để kết tội ngư dân đã đánh bắt cá vi phạm vùng biển của các nước khi mà hầu như ranh giới các vùng biển và thềm lục địa của/giữa các quốc gia ven Biển Đông vẫn chưa được hoạch định cụ thể, rõ ràng. Cùng với đó, việc giải thích, áp dụng các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của các quốc gia ven biển, các tổ chức quốc tế... có liên quan đến việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi sinh vật trong các vùng biển và thềm lục địa theo UNCLOS vẫn còn là vấn đề nổi cộm. “Đó là những hoàn cảnh không thể không tính đến khi xây dựng và ban hành các văn kiện, văn bản chính trị, pháp lý nhằm bảo vệ, quản lý và phát triển biển, đảo của Tổ quốc. Bởi vì, muốn phát huy được thế mạnh của biển, đảo nhằm phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế đất nước một cách có hiệu quả và bền vững, không thể không đề cao nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải tạo được môi trường cả về tự nhiên và chính trị, pháp lý, quốc phòng, an ninh”, Tiến sĩ Trần Công Trục nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, phải xây dựng các phương án, kịch bản khác nhau để ngư dân khi tiến hành hoạt động trên biển phải tuân thủ, chủ động ứng xử; đồng thời thúc đẩy đàm phán hoạch định vùng chồng lấn với các nước liên quan để sớm có đường phân định cuối cùng hoặc áp dụng giải pháp tạm thời “hợp tác phát triển chung vùng chồng lấn”, bảo đảm công bằng về quyền và nghĩa vụ cho các bên; xúc tiến đàm phán với các bên liên quan, các tổ chức quốc tế trong và ngoài khu vực để sớm đạt được thỏa thuận bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên sinh vật theo quy định của UNCLOS.

“Quan trọng hơn nữa, cần chủ động và sớm trao đổi một cách thẳng thắn, rõ ràng với Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức quốc tế liên quan khác về thực trạng bất đồng, tranh chấp trong Biển Đông để họ hiểu rõ tính chất phức tạp và giá trị của các ranh giới biển, vùng chồng lấn trong Biển Đông. Từ đó làm rõ những điểm đúng, sai xuất phát từ những thông tin đơn phương, thiếu khách quan, cũng như những hành xử không phù hợp với các quy định của UNCLOS và những thỏa thuận song phương hay đa phương trong khu vực”, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục nói.

(còn nữa)

Theo qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website