14 giờ:57 phút Thứ hai, ngày 26 tháng 9 , 2022

Nêu cao ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trước bão Noru

Cơn bão số 4 có tên quốc tế Noru đang tiến vào Biển Đông với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật cấp 17. Đây là cơn bão được dự báo có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh và nguy hiểm.

Nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trước bão Noru
Hình ảnh vệ tinh về siêu bão Noru.

Những con số biết nói

Trong những năm qua, Việt Nam là một trong nhiều nước chịu ảnh hưởng lớn của các cơn bão. Cụ thể, bão số 6 (bão Xangsane) đổ bộ vào Việt Nam tháng 9-2006 với tâm bão vào Đà Nẵng-Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất 38m/giây (cấp 13) giật 44m/giây (cấp 14) tại Đà Nẵng. Cơn bão làm 72 người chết, bị thương 532 người và mất tích 4 người. Cơn bão cũng làm 24.066 ngôi nhà bị đổ, trôi và 325.282 nhà bị ngập, hư hại; 21.548ha lúa và 84.372ha diện tích hoa màu bị ngập; gần 1.000 tàu thuyền bị chìm mất hoặc hư hại. Sau đó 3 năm, bão số 9 (bão Ketsana) đổ bộ vào Việt Nam tháng 10-2009, với tâm bão vào khu vực Quảng Nam-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh 23m/giây (cấp 11) giật 43m/giây (cấp 14) tại đảo Lý Sơn; 22m/giây (cấp 9) giật 30m/giây (cấp 11) tại Đà Nẵng. Cơn bão làm 179 người chết, bị thương 1.140 người, mất tích 8 người. Bão số 9 (bão Ketsana) cũng làm 9.770 ngôi nhà bị đổ, sập, trôi và 263.565 nhà ngập, hư hại, tốc mái; 42.915ha lúa và 58.724ha diện tích hoa mầu bị ngập. Tháng 11-2017, bão số 12 (bão Damrey) đổ vào Nam Trung Bộ và một phần phía nam Tây Nguyên  gồm các tỉnh Khánh Hòa-Phú Yên với sức gió cấp 11-12 giật cấp 13-14. Cơn bão làm 107 người chết, 16 người mất tích, 342 người bị thương; hơn 4.000 ngôi nhà bị thiệt hại từ 50% trở lên; 11.224ha lúa và 27.301ha hoa màu bị thiệt hại. Gần đây nhất, bão số 9 (bão Molave) đổ bộ vào miền trung Việt Nam tháng 10-2020, với sức gió giật có lúc lên tới 176 km/giờ tại thành phố Quảng Ngãi, lượng mưa trong 24 giờ tại Sơn Kỳ (Quảng Ngãi) đạt mức 470mm. Bão số 9 và hoàn lưu bão đã gây mưa lớn, úng ngập, sạt lở đất đã khiến 80 người chết và mất tích. Thiệt hại về kinh tế khoảng 10.000 tỷ đồng.

Nêu cao tinh thần cảnh giác trước bão Noru

Nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trước bão Noru
Dự báo hướng đi của bão Noru.
                                               Ảnh: Tổng cục PCTT

Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, hồi 16 giờ ngày 25-9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 122,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Lu-Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17.Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có xu hướng mạnh lên. Đến 16 giờ ngày 27-9, vị trí tâm bão sẽ ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 17. Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 107,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Để không bị bất ngờ với diễn biến phức tạp của bão Noru, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân chủng cần nêu cao tinh thần cảnh giác; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; theo dõi sát diễn biến của bão số Noru trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời triển khai nghiêm các công điện, chỉ đạo phòng, chống bão của cấp trên.

Các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân chủng, nhất là Sư đoàn 372; Sư đoàn 375 và các đơn vị đóng quân trong vùng dự báo có ảnh hưởng trực tiếp của bão Noru cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung  phương án phòng chống thiên tai (PCTT) và cứu hộ, cứu nạn (CH, CN) bảo đảm cụ thể, sát với tình hình của đơn vị. Chủ động phối hợp, hiệp đồng với địa phương và các lực lượng liên quan để thống nhất phương án thực hiện công tác PCTT và CH, CN; kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Đặc biệt, các đơn vị phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, sớm phối hợp với địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá sát đúng những nguy cơ thiên tai, sự cố trên địa bàn (như lũ ống, lũ quét, ngập úng, sạt lở đất, sập đổ công trình...); chủ động cảnh báo, vận động nhân dân nơi đóng quân di dời và có phương án chủ động ứng phó; tiến hành củng cố, bổ sung trang thiết bị, phương tiện cần thiết và tổ chức luyện tập các phương án PCTT và CH, CN thành thục, bảo đảm cho bộ đội sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

Cấp ủy, người chỉ huy các cấp cần tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống bão ở cơ quan, đơn vị mình; động viên cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, bảo vệ vững chắc vùng trời được giao; vừa bảo đảm an toàn tuyệt đối trong đối phó với thiên tai; trước mắt là “siêu bão Noru” đang dự báo ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

PHÚ THỌ

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website