11 giờ:6 phút Thứ bảy, ngày 21 tháng 10 , 2023

Bảo vệ Tổ quốc từ trên không trong điều kiện mới

Bài 1: Hiện đại hóa để làm chủ bầu trời

Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) là lực lượng chủ lực, nòng cốt trên mặt trận đối không trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định là lực lượng ưu tiên xây dựng tiến thẳng lên hiện đại. Điều này đặt ra yêu cầu rất cao, Quân chủng đã và đang nỗ lực phấn đấu triển khai hiện đại hóa, trước hết là về con người...

 Tiến thẳng lên hiện đại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Để tìm hiểu về nhiệm vụ và yêu cầu của lực lượng trong tình hình mới, chúng tôi đến gặp Trung tướng Nguyễn Văn Hiền, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân. Trong phòng làm việc, đồng chí Tư lệnh Quân chủng cầm bút laser chỉ vào tấm bản đồ lớn và giải thích: "Khác với các lực lượng khác, nhiệm vụ quản lý vùng trời của Quân chủng PK-KQ rất cao, rất rộng, không chỉ bao phủ toàn bộ lãnh thổ của Tổ quốc mà còn quản lý vươn xa biên giới đất liền hàng trăm ki-lô-mét".

Quay sang màn hình ti vi có hàng trăm chấm xanh, chấm đỏ đang di chuyển trong và ngoài lãnh thổ, Tư lệnh Nguyễn Văn Hiền giới thiệu với chúng tôi, đó là ký hiệu các loại máy bay đang hoạt động trên không trung trong thời gian thực. Hiện nay, trung bình mỗi ngày đêm, theo kế hoạch dự báo bay có hơn 5.000 lần chuyến máy bay hoạt động.

Ngoài ra, hoạt động bay của các phương tiện bay siêu nhẹ, máy bay không người lái và hoạt động bay không kiểm soát của máy bay quân sự nước ngoài trong vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý cũng gia tăng với tần suất hoạt động ngày càng cao, đa dạng và phức tạp. Chỉ một chút lơ là có thể dẫn đến sai, sót, lọt mục tiêu trên không. Bởi vậy, nếu không có các khí tài hiện đại thì khó có thể quản lý chặt chẽ không phận của Tổ quốc.

Bảo vệ Tổ quốc từ trên không trong điều kiện mới - Bài 1: Hiện đại hóa để làm chủ bầu trời

Bộ đội tên lửa, Quân chủng Phòng không - Không quân luyện tập các phương án chiến đấu. Ảnh: THUẦN HOÀNG

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Hiền, thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy, đối phương sử dụng lực lượng không quân hiện đại nhất để tập kích các mục tiêu của ta, nhưng đều bị lưới lửa phòng không của ta đánh bại.

Những năm qua, trước sự phát triển nhanh chóng của các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh, nhất là các loại vũ khí, phương tiện tiến công hỏa lực đường không ngày càng hiện đại có tầm bắn xa, độ chính xác cao, uy lực sát thương lớn; thủ đoạn và biện pháp tiến hành chiến tranh cũng có nhiều thay đổi. Qua một số cuộc chiến tranh, xung đột quân sự trên thế giới gần đây cho thấy vai trò của tiến công đường không nói chung và hoạt động của các phương tiện bay không người lái nói riêng đang là thách thức đối với lực lượng PK-KQ, là mối nguy hiểm đối với các mục tiêu trọng yếu.

Với chức năng, nhiệm vụ chính là quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay chặt chẽ, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cao, đánh bại các cuộc tiến công hỏa lực đường không của địch, bảo vệ vững chắc các mục tiêu trọng yếu của quốc gia thì việc xây dựng Quân chủng PK-KQ vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là yêu cầu cấp thiết. Điều này đã được Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định rõ, trong lộ trình xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, trong đó có Quân chủng PK-KQ. Trong tiến trình hiện đại hóa, Quân chủng tiếp nhận và từng bước đưa vào sử dụng nhiều loại trang bị, vũ khí mới, hiện đại của các lực lượng: Không quân, radar, tên lửa, pháo phòng không... bảo đảm đủ sức mạnh và khả năng SSCĐ cao.

"Người trước, súng sau"

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Hiền, thực tế các cuộc xung đột quân sự trên thế giới gần đây cho thấy, PK-KQ là lực lượng đầu tiên đối mặt với những đòn tấn công đường không của đối phương. Để xây dựng lực lượng hiện đại, trước tiên cần phải có con người hiện đại.

Bảo vệ Tổ quốc từ trên không trong điều kiện mới - Bài 1: Hiện đại hóa để làm chủ bầu trời
 Trung đoàn 940, Trường Sĩ quan Không quân tổ chức huấn luyện bay. Ảnh: PHƯỢNG ĐÔNG

Quán triệt sâu sắc quan điểm “người trước, súng sau”, trước hết phải làm cho cán bộ, chiến sĩ thấy được bên cạnh hiện đại hóa về vũ khí, trang bị thì phải hiện đại hóa con người. Bộ đội phải thực sự tinh thông, nhạy bén cả về tư duy lý luận, trình độ, năng lực chuyên môn, đủ khả năng tiếp thu và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại. Quân chủng đang tiến hành rà soát, những cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế về trình độ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ thì tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường trong Quân chủng đột phá xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Hà Xuân Trường, Giám đốc Học viện PK-KQ cho biết: Học viện PK-KQ là trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học chuyên sâu trên các lĩnh vực PK-KQ và tác chiến điện tử của Quân chủng, Quân đội.

Học viện đột phá xây dựng mới, bổ sung, điều chỉnh quy trình, chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; bảo đảm tính toàn diện, hệ thống theo chuyên ngành, liên thông giữa các cấp học, bậc học; xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý theo tiêu chuẩn của Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng. Chủ động đi trước đón đầu, xây dựng mô hình nhà trường thông minh gắn với chương trình chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo.

Còn Đại tá Ngô Vĩnh Phúc, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân cho hay, thực hiện lộ trình xây dựng Quân chủng PK-KQ tiến lên hiện đại, Trường Sĩ quan Không quân thường xuyên khảo sát, nắm bắt phản hồi của đơn vị sử dụng về trình độ, khả năng thực hiện nhiệm vụ, khả năng phát triển của đội ngũ phi công, nhân viên chuyên môn kỹ thuật sau khi tốt nghiệp để đổi mới quy trình tổ chức huấn luyện bay, phân hướng, phân chuyên ngành đào tạo, chương trình dạy học môn lý thuyết, chương trình huấn luyện thực hành bay. Tổ chức huấn luyện bay đêm, bay biển, bay ứng dụng chiến đấu có sử dụng vũ khí; huấn luyện ném bom, bắn đạn thật trong chương trình đào tạo phi công trên máy bay huấn luyện chiến đấu (IaK-130, L-39NG)...

Tìm hiểu tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật PK-KQ, chúng tôi nhận thấy, thực hiện phương châm "chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng SSCĐ của đơn vị", nhà trường đã đổi mới quy trình đào tạo theo hướng rút ngắn thời gian đào tạo lý thuyết, tăng cường thực hành, thực tập, thực tế, nâng cao chất lượng tự học của học viên; bảo đảm tính logic, liên thông, tích hợp, ứng dụng trong từng học phần, môn học để nâng cao hiệu quả đào tạo. Đồng thời, tiến hành thí điểm đào tạo một số chuyên ngành chuyên sâu, mũi nhọn để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Bên cạnh đó, hàng chục nhà máy, trung tâm, viện nghiên cứu của Quân chủng PK-KQ đã và đang đề ra nhiều biện pháp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó tập trung rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tạo nguồn, quy hoạch chặt chẽ, phù hợp với trình độ, năng lực của từng cán bộ, nhân viên kỹ thuật, bảo đảm cân đối, đồng bộ trong từng chuyên ngành. Cử cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao đi đào tạo chuyên sâu tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và nước ngoài; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành giỏi, thành lập nhiều nhóm nghiên cứu tiếp cận, làm chủ công nghệ mới...

(Còn nữa)

Nguồn: qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website