Xuân trong mắt sóng
Ở Trường Sa hội tụ nhiều sóng thật. Tôi chợt nghiệm ra điều này sau một lần được ra với lính đảo.
Phút giải lao của những người lính Ra đa trên đảo Nam Yết. Ảnh: NHƯ NGỌCSóng biển, sóng lòng, thì từ bao đời nay vẫn thế, giống như “Nỗi khát vọng tình yêu/Bồi hồi trong ngực trẻ” trong một bài thơ của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh.
Vui nhất với lính đảo có lẽ là sóng điện thoại. Sóng Viettel đã được phủ mấy năm nay để kéo gần khoảng cách giữa trùng khơi với đất liền.
Và, trong tôi, một người lính canh trời còn có một thứ sóng thật lạ, thật riêng gắn với những cột ăng ten xoay tròn trong mặn mòi gió muối, gắn với những ánh mắt vời vợi nhung nhớ, đầy ắp yêu thương và trào dâng khát vọng. Khát vọng được góp phần giữ vẹn nguyên hình hài Tổ quốc nơi đầu sóng.
Khuôn mặt hiền và ánh mắt rất sáng của Trạm trưởng Trạm Ra đa 11, Trung tá Đặng Thanh Hải ngày tôi gặp, neo vào tôi những điều vừa lớn lao, vừa bình dị. Ánh mắt ấy như rực sáng hơn trong trời chiều Trường Sa lúc tàu chúng tôi cập cảng. Ngước nhìn dàn ăng ten ngay bên bờ sóng, Hải nói với tôi mà như tự bạch: “Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 292 thì luân chuyển nhau có mặt nơi đây nhưng cánh sóng này thì đã gắn bó với biển trời Trường Sa gần 30 năm rồi chị ạ!”.
Nghe kể chuyện bảo quản, bảo dưỡng khí tài giữa đại dương mênh mông mới hiểu được ẩn ý của con số 30 năm mà người trạm trưởng nhắc đến. Chỉ cần một chút sơ suất thôi thì gió muối sẽ xâm nhập, ăn mòn kim loại, làm ảnh hưởng đến tham số khí tài, chứ chưa tính đến hàng tuần, hàng tháng hay mỗi năm. Ấy vậy mà mấy chục năm rồi cánh sóng này vẫn quay đều. Mỗi vòng quay ấy là kết tụ của công sức, tâm huyết, của những tình yêu lớn lao với mỗi con sóng vỗ vào đất mẹ, mỗi rặng san hô đẹp như huyền thoại trong thẳm xanh nước biển. Tôi tự hỏi, bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu người lính canh trời đã thổn thức đón Xuân giữa nơi này để cánh sóng ấy vẫn đêm ngày xoay những vòng tròn vô định tạc dáng hình đất nước?
Trạm trưởng Đặng Thanh Hải và một số cán bộ, chiến sĩ Trạm 11 sắp hoàn thành thời gian phục vụ trên đảo. Kế bên, cán bộ, nhân viên Đội Bảo đảm Kỹ thuật Sân bay Trường Sa cũng vừa trở lại đất liền khi cận Tết. Nhưng quân số trên đảo thì không bao giời thiếu để thực hiện nhiệm vụ. Lớp này về, lớp kia ra, giống như những con sóng biển nối nhau, vỗ về, bao quanh đất Mẹ. Cũng có người như Trung tá CN Tăng Danh Nam - Nhân viên Cơ yếu Trạm 44 thì ăn hai cái Tết liền ở Phan Vinh. Anh Nam kiệm lời, lặng lẽ nhưng trong mỗi câu anh nói đều toát lên cái khí chất của người đã quen sóng gió. “Ra đảo, da có thể đen hơn, người có thể gầy đi nhưng không bao giờ được để sóng ra đa gián đoạn”. Rồi, anh chia sẻ: “Giữ đảo, canh trời, không chỉ là quyết tâm của những người có mặt trên đảo, còn là sức mạnh được nối dài ra từ đất liền”. Anh kể, Tết trước, anh đã xa nhà. Và Tết năm nay cũng thế nhưng trong nghìn trùng xa cách, nghĩ đến vợ con thì vẫn thấy ấm lòng. Gia đình anh đã được Quân chủng dành cho một căn Nhà công vụ tại phố Lê Trọng Tấn. Ngày chuyển nhà, anh đang ở Trường Sa nhưng nghe vợ kể, anh em Phòng Cơ yếu, Bộ Tham mưu đã thay anh vừa chuyển đồ, vừa lau dọn, rồi kê đồ đạc đâu vào đấy. Qua điện thoại, vợ và các con thi nhau tả về nơi ở mới. Căn hộ khá rộng rãi, khang trang. Ở ngoài này, anh cứ mường tượng mãi mà cũng chả biết nó có giống như trong hình dung của anh không. Xuân này, cán bộ, nhân viên đơn vị cũng vừa ra tặng quà, chúc Tết gia đình anh. Chị Khánh, vợ anh gọi điện khoe, đã sắm Tết đủ đầy, có cả quất, đào, bánh chưng. Chỉ thiếu mỗi anh, ba mẹ con lại lấy ảnh bố chụp trên đảo gửi về ra ngắm. Cháu Tăng Danh Đạt, 5 tuổi, con trai út của anh thì chẳng riêng gì Tết đến mới nhớ bố. Chị Khánh kể, nghe mẹ nói bao giờ con học lớp 1 thì bố sẽ về, thành ra lúc nào cu cậu cũng chỉ mong mình nhanh lên lớp 1.
Khi Hà Nội sắp chạm vào hương sắc mùa Xuân, những kỷ niệm của chuyến công tác Trường Sa cứ dội về trong tôi như một cuốn phim quay chậm, da diết và sâu lắng. Hình ảnh Phó Đô đốc Đinh Gia Thật - Chính ủy Quân chủng Hải quân giống như một người cha, lật từng cái chiếu, mở từng cái tủ bảo quản đồ ăn, nhắc nhở chiến sĩ cách sắp đặt nội vụ cho gọn, khoa học, đúng điều lệnh; trước khi rời mỗi đảo lên tàu đều vỗ vai chiến sĩ, tin tưởng: “Ở lại mạnh khỏe, giữ đảo nghe con”. Hình ảnh cô, trò Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cháy hết đam mê trên mỗi điểm đảo, thương lính như thương những người anh, người bạn tựa hồ đã thân quen tự thuở nào. Tôi gọi điện cho ca sĩ trẻ Trà My, người ở cùng phòng trong chuyến đi Trường Sa. “Cô ơi, con rất nhớ Đảo. Giá như Tết này chúng con được ở bên, hát cho các anh ấy nghe…”. Tôi nghe trong điện thoại có tiếng thút thít, thì hiểu rằng, Trà My đang nói tự đáy lòng.
Đấy, những người mới thăm đảo một lần, lưu lại mỗi điểm đảo cũng chỉ một, hai giờ đồng hồ còn sâu nặng thế. Thảo nào, những người ở đảo vững tâm làm nhiệm vụ cả một thời gian dài. Chẳng thế mà Thượng úy Trịnh Thế Dược - Chính trị viên Đội Bảo đảm kỹ thuật sân bay Trường Sa hôm rời Đảo về đất liền gọi điện cho tôi thổ lộ: Hôm chia tay đảo, anh em lưu luyến lắm, người về, người ở đều bùi ngùi. Mà cũng lạ thật nhà báo ạ. Nhớ những người đã biết, đã quen, đã từng cùng làm việc, nhớ cả những người chưa một lần gặp mặt, những gốc cây tra, những chú chó, tiếng gà, những cái bánh chưng gói bằng lá bàng vuông, cành mai làm bằng hoa giấy. Và, nhớ nhất vẫn là hình ảnh cánh sóng cần mẫn đêm ngày quay ở Trường Sa. Tôi nghe trong lời anh lính đảo, sức Xuân ngập tràn giữa muôn trùng mắt sóng…
HỒNG LINH