Lấy được vợ nhờ... cuộc gọi nhầm
Cũng phải hẹn hò mấy lần, tôi mới có dịp đến thăm ngôi nhà nhỏ mà gia đình Đại úy Nguyễn Đức Tiến - Giảng viên Bộ môn Triết học, Khoa Lý luận Mác Lênin, Học viện PK-KQ đang thuê trọ ở trong khu phố thuộc phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội.
Gia đình Đại úy Nguyễn Đức Tiến. Ngôi nhà chỉ rộng gần 30m2 nhưng các vật dụng được sắp xếp sạch sẽ, ngăn nắp. Thấy tôi chia sẻ về điều này, anh Tiến vui vẻ khoe: “Anh đi vắng suốt ngày nên được như thế này tất cả là nhờ vào công sức của chị nhà đấy em ạ!”. Sau ly trà nóng mời khách, anh kể cho tôi nghe về chuyện tình cảm của anh chị. Và điều đặc biệt, anh chị quen nhau nhờ một cuộc gọi điện thoại nhầm. Đầu năm 2008, khi anh đang là học viên Hệ Sư phạm, chuyên ngành Triết học, Học viện Chính trị quân sự. Khi ấy, theo quy định của Nhà trường, học viên cấp phân đội không được dùng điện thoại di động mà chỉ được dùng điện thoại Homephone (dịch vụ điện thoại cố định không dây). Vì vậy, anh cũng tiết kiệm và tự sắm cho mình một chiếc để tiện liên lạc cho gia đình, bè bạn. Vào một buổi chiều, sau khi kết thúc giờ huấn luyện, khi anh đang ngồi trò chuyện cùng đồng đội thì nhận được một cuộc điện thoại từ số lạ gọi tới. Khi nghe máy, đầu dây bên kia là một cô gái còn trẻ có giọng nói rất ngọt ngào, dễ thương. Vốn là người hóm hỉnh, tếu táo, khi biết cô gái đã gọi nhầm cho mình, nhưng anh vẫn chủ động hỏi han, bắt chuyện và làm quen. Trước sự kiên trì, hóm hỉnh của chàng lính sinh viên, cô gái đã vui vẻ cung cấp đầy đủ tên, tuổi và địa chỉ. Hóa ra, cô gái tên là Nguyễn Thanh Hằng, hiện là sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ (Cơ sở 2 ở Hà Nội).
Sau lần làm quen từ cuộc gọi nhầm, anh thường xuyên chủ động liên lạc với chị. Qua các cuộc điện thoại, tin nhắn, bằng sự chân thành, mộc mạc, giản dị, anh chia sẻ với chị những câu chuyện thú vị về những kỷ niệm đẹp trong thời gian quân ngũ. Tin nhắn đi rồi nhận lại, dần dần, những câu chuyện, sự sẻ chia được nhân lên cùng với thời gian. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh chị là cuối năm 2008, trong một lần về quê, anh tranh thủ ghé qua thăm chỗ ở của chị. Dù đã được chị ghi địa chỉ cụ thể, rõ ràng, song loanh quanh cả tiếng đồng hồ anh vẫn chưa thể tìm ra nơi ở của chị. Cuối cùng, anh đã phải gọi điện “cầu cứu” chị. Ra gặp anh, mặc dù còn đang bực bội, song, khi nhận được bông hồng anh tặng, chị đã nở nụ cười trên môi; hai người chỉ kịp ghé uống với nhau ly nước để anh về quê cho kịp chuyến xe.
Tình cảm hai người cứ thế lớn dần theo năm tháng, đầu năm 2011, anh và chị quyết định “góp gạo thổi cơm chung” trong sự chúc phúc, vui mừng của bạn bè, đồng nghiệp. Cưới nhau xong, anh tốt nghiệp ra trường về làm Trợ giảng Bộ môn Triết học, Khoa Lý luận Mác - Lênin, Học viện PK-KQ; còn chị cũng may mắn tìm được công việc ổn định tại Phòng Y tế quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Cuối năm 2011, chị sinh con trai đầu lòng đặt tên là Nguyễn Tiến Minh, 4 năm sau, con gái thứ hai là Nguyễn Minh Anh chào đời. Sau ngày cưới, anh vẫn tiếp tục làm việc ở Sơn Tây, một mình chị ở Hà Nội vừa chăm con, vừa là chỗ dựa tinh thần, nguồn động viên lớn lao cho anh yên tâm công tác. Dẫu trong gian nhà thuê còn chật hẹp, song gia đình anh chị luôn đầy ắp tiếng cười hạnh phúc, hai con luôn chăm ngoan, học giỏi, biết vâng lời cha mẹ.
Nhớ lại khoảng thời gian vất vả đó, chị Hằng tâm sự: “Cả hai con khi mới sinh, anh chỉ ở nhà được một ngày là lại lên đơn vị. Biết công việc anh vất vả, đường sá đi lại xa xôi, nên một mình tôi vừa đi làm, vừa phải luôn cố gắng thu xếp công việc nhà và lo cho hai con để anh yên tâm công tác, hoàn thành được nhiệm vụ”. Nghe nói thế, anh Tiến vừa nhìn vợ trìu mến, vừa tủm tỉm cười và nói với tôi: “May nhờ cuộc gọi điện thoại nhầm mà anh lấy được người vợ hiền thục, đảm đang đấy em ạ!”.
ĐỨC LƯU