Cùng dự buổi làm việc hôm đó có các đồng chí: Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm TCCT (sau này, Thủ trưởng Ngô Xuân Lịch là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) cùng đại diện lãnh đạo các ban Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, lãnh đạo TCCT và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đầu mối trực thuộc TCCT cùng dự buổi làm việc. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, làm việc với Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam ngày 27-3-2012. |
Ở đâu có bộ đội, ở đó có hoạt động CTĐ, CTCT
Hôm đó, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ và xây dựng TCCT với đồng chí Tổng Bí thư. Báo cáo khẳng định: Ngày 22-12-1944, Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập, ngày thành lập Quân đội cũng là ngày truyền thống của TCCT. Trải qua 68 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của TCCT cùng đội ngũ cán bộ chính trị các cấp trong toàn quân đã lập nên nhiều thành tích xuất sắc, góp phần xứng đáng cùng toàn quân viết nên truyền thống vẻ vang của Quân đội anh hùng.
Công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong Quân đội là một bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội, một mặt công tác cơ bản của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các cấp trong Quân đội. Tiến hành CTĐ, CTCT là một nguyên tắc cơ bản trong xây dựng LLVT cách mạng của Đảng, ở đâu có bộ đội thì ở đó có hoạt động CTĐ, CTCT.
Sau khi nêu một số kết quả nổi bật của hoạt động CTĐ, CTCT từ sau Đại hội XI của Đảng và Đại hội IX của Đảng bộ Quân đội, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch đã kiến nghị 3 vấn đề lớn với đồng chí Tổng Bí thư: Một là, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với công tác giáo dục lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng trong hệ thống học viện, nhà trường toàn quốc nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế trong nhận thức về mục tiêu, lý tưởng cách mạng, về truyền thống yêu nước và tinh thần quốc tế của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Hai là, sớm điều chỉnh chế độ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, nhà ở đối với cán bộ quân đội. Ba là, ban hành chính sách đặc thù để thu hút cán bộ về công tác nơi khó khăn, gian khổ và thu hút nguồn lực chất lượng cao, người tài vào phục vụ quân đội.
Được sự gợi ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại diện các ban Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng và lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trực thuộc TCCT đã thảo luận, phân tích làm rõ báo cáo trung tâm của Thượng tướng Ngô Xuân Lịch.
7 nội dung hoạt động CTĐ, CTCT nổi bật
Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tướng Phùng Quang Thanh bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo trung tâm của Thượng tướng Ngô Xuân Lịch. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phân tích, làm rõ 7 nội dung hoạt động CTĐ, CTCT nổi bật trong quân đội thời gian vừa qua.
Một là, hoạt động CTĐ, CTCT đã thực sự bảo đảm xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị. Đặc biệt, công tác xây dựng con người, chăm lo nhân tố chính trị - tinh thần trong Quân đội, bảo đảm Quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Hai là, đã làm tốt công tác giáo dục truyền thống, giáo dục ý thức trách nhiệm trong mỗi quân nhân và đơn vị, bảo đảm cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh. Nhiều nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nơi biên cương, hải đảo; xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh, rà phá bom mìn, chống tội phạm nơi biên giới và trên biển...đều được các đơn vị quân đội vui vẻ nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ba là, đã làm mối quan hệ giữa bộ đội với nhân dân ngày thêm gắn bó máu thịt, được nhân dân tin yêu, đùm bọc.
Bốn là, trong Đảng bộ Quân đội, từ các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đến từng cán bộ, đảng viên ở cơ sở đã đoàn kết một lòng trên cơ sở hết lòng vì nhiệm vụ; các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho Quân đội đều được triển khai chặt chẽ, nghiêm túc, chất lượng cao.
Năm là, TCCT dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương đã chủ động tham mưu đúng, trúng, kịp thời với Đảng, Nhà nước các vấn đề về đường lối, chính sách trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân cũng như nhiều vấn đề thuộc về công tác chính sách, góp phần an sinh xã hội, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sáu là, được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, đời sống của bộ đội ngày càng được cải thiện, vũ khí, trang bị trong quân đội ngày càng hiện đại. Hoạt động CTĐ, CTCT đã góp phần tích cực để bộ đội nhận thức đúng tình hình, yên tâm, phấn khởi công tác.
Bảy là, trên tinh thần tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại quốc phòng đã có bước phát triển tốt đẹp, góp phần củng cố, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, thiết thực tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự.
Thực chất hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội là xây dựng con người, xây dựng tổ chức
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh TCCT đã tích cực chuẩn bị, có báo cáo ngắn gọn nhưng công phu, tinh thần làm việc thực chất, cụ thể, thiết thực, bám sát nội dung công việc, giúp Tổng Bí thư có cái nhìn đầy đủ, phong phú, khách quan, trung thực về hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội hiện nay. Đồng chí cho rằng, qua buổi làm việc, có thể thấy rõ 5 vấn đề:
Một là, có thể khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa cực kỳ quan trọng của hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội. Hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội thực chất là hoạt động xây dựng con người, xây dựng tổ chức. Xây dựng Quân đội phải lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm yếu tố hàng đầu. Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động ra sức rêu rao, lung lạc hòng truyền bá tư tưởng “phi chính trị hóa” quân đội. Điều đó càng khiến chúng ta phải nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.
|
Các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị lần thứ tám của Quân ủy Trung ương, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: TUẤN HUY |
Hoạt động CTĐ, CTCT là linh hồn trong các hoạt động xây dựng Quân đội, làm cho Quân đội ta thực sự là lá chắn, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Thực tiễn ở Liên Xô trước đây đã cho chúng ta một bài học sâu sắc, nếu không tích cực, thường xuyên tiến hành CTĐ, CTCT trong Quân đội, bảo đảm Quân đội luôn xác định rõ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu thì sẽ không thể nào xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc XHCN.
Dừng lại phân tích sâu hơn về nhận định này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã biểu dương các hoạt động chủ động, sáng tạo, sắc bén trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa của quân đội. Đồng chí khen ngợi các cơ quan báo chí quân đội, nhất là Báo Quân đội nhân dân... đã chủ động xây dựng các chuyên trang, chuyên mục đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, phản động; kịp thời củng cố trận địa tư tưởng trong Đảng, trong Quân đội và toàn xã hội.
Hai là, các hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội do TCCT và hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp chủ trì tổ chức rất chặt chẽ, thực sự là những mô hình, cách làm kiểu mẫu cho các cấp ủy đảng khác có thể nghiên cứu, vận dụng, học tập. TCCT có phạm vi hoạt động rất rộng, nội dung quan trọng thuộc nhiều lĩnh vực công tác lớn như tuyên huấn, tổ chức, cán bộ, bảo vệ, chính sách, dân vận, công tác quần chúng... nhưng đã được tiến hành đồng bộ, khoa học, vừa sáng tạo, vừa đề cao tính nguyên tắc. Chính các hoạt động đó đã xây dựng nên hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ rất đẹp trong lòng nhân dân.
Ba là, trên cơ sở thấu hiểu tâm tư, tình cảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ; chia sẻ với những khó khăn của Quân đội hiện nay; đồng chí Tổng Bí thư càng thấy yên tâm, tin tưởng hơn với Quân đội và bộ đội. Tổng Bí thư cho rằng: Các ý kiến phát biểu trong hội nghị đã nêu rõ tâm tư, băn khoăn của cán bộ, chiến sĩ Quân đội trước thực trạng phai nhạt lý tưởng, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong xã hội hiện nay. Đó là bằng chứng cho thấy mỗi đại biểu đều rất lo lắng cho nền tảng tư tưởng của Đảng và của xã hội, băn khoăn trước những an nguy của chế độ... Đó cũng là điều mà bản thân đồng chí Tổng bí thư băn khoăn, trăn trở; nay được sự chia sẻ của các đại biểu, đồng chí mừng nhiều hơn lo.
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2020. Ảnh: VŨ PHONG |
Bốn là, đồng chí Tổng bí thư mong muốn TCCT và hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị trong toàn quân tiếp tục phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết, đẩy mạnh hoạt động CTĐ, CTCT với những nội dung, hình thức, phương pháp sắc sảo, nhạy bén, hiệu quả hơn nữa; chú trọng phát huy ảnh hưởng của Quân đội ra ngoài xã hội. Cụ thể như, các cơ quan báo chí Quân đội có tác dụng rất tốt trong cổ vũ, nhân rộng điển hình tiên tiến; phê phán các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, thù địch. Vì vậy, cần phải phát huy vai trò, tầm ảnh hưởng của các cơ quan báo chí Quân đội ra ngoài xã hội.
Năm là, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giao các ban Đảng và Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp những đề xuất, kiến nghị trong buổi làm việc này về chế độ, chính sách, nhất là những vấn đề cải cách hành chính, cơ chế thu hút nhân tài, chế độ tiền lương, thu nhập, nhà ở... Từ đó làm việc với các cơ quan hữu quan để cùng Quân đội tháo gỡ những hạn chế, bất cập.
Kết thúc buổi làm việc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe và hạnh phúc đến các đồng chí đại biểu trong buổi làm việc và qua đó, gửi lời chúc sức khỏe và hạnh phúc đến cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Đồng chí mong rằng, trong lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng vào cuộc sống; mỗi cán bộ, đảng viên trong quân đội sẽ phát huy tinh thần gương mẫu, tiên phong trong việc thực hiện thắng lợi mục đích, yêu cầu mà Nghị quyết đề ra.
NGUYỄN HỒNG HẢI
Theo qdnd.vn