13 giờ:46 phút Thứ hai, ngày 4 tháng 11 , 2024

Về lại Vinh Tiền

Một chiều cuối tuần, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi từ Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Phú Thái - Nguyên Phó Tư lệnh thứ nhất, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ):

- A lô Quỳnh Vân à, sáng mai chúng tôi có một cuộc trở về thăm lại bà con ở xã Vinh Tiền, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Đây là nơi phi công Lê Thanh Đạo đã nhảy dù trong trận đánh ngày 15-10-1972 và được nhân dân hết lòng giúp đỡ, cưu mang. Nếu em thu xếp được thì đi cùng chúng tôi nhé!

Và chỉ sớm hôm sau, khi Thành phố Hà Nội còn chìm trong sương, chúng tôi đã lên đường, đến với bà con Tân Sơn, Phú Thọ. Trên xe, ngoài vợ chồng Trung tướng Phạm Phú Thái, vợ chồng Đại tá Lê Thanh Đạo còn có cựu phi công Đại tá Hà Quang Hưng. Phút làm quen thật chóng vánh và thân tình. Tôi thật sự ấn tượng với cách giới thiệu của Trung tướng Phạm Phú Thái:

- Anh Hà Quang Hưng chắc em biết rồi, còn đây là anh Lê Thanh Đạo - một trong những phi công xuất sắc của Không quân nhân dân Việt Nam đấy, nhà báo ạ. Anh Đạo lập chiến công đầu, bắn hạ 1 chiếc F-4 vào ngày 18-12-1971. Và chỉ riêng trong năm 1972, anh liên tiếp lập công bắn rơi thêm 5 máy bay khác của địch. Sau trận đánh ngày 15-10-1972, anh bị thương khá nặng. Thế nhưng khi lành vết thương, anh tiếp tục rèn luyện sức khỏe và tung cánh trở lại bầu trời thêm dăm bảy năm nữa. Rồi, từ một phi công chiến đấu, anh đảm đương nhiều chức vụ quan trọng khác, như: Bí thư Trung ương Đoàn, Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Ban Dân vận Trung ương… Chưa hết, mối tình của anh Lê Thanh Đạo với chị Nguyễn Thị Xuân Dung đây cũng khá đặc biệt, chắc em phải khai thác dài dài đấy.

Mọi người cùng cười vui. Ranh giới chủ - khách bỗng chốc được san bằng. Chờ cho không khí trên xe lắng xuống, cựu phi công Lê Thanh Đạo mới nhỏ nhẹ chia sẻ:

- Những chiến công của mình và đồng đội thì kể mãi rồi, sử sách cũng ghi rất đầy đủ. Điều mình nhớ nhất, nặng lòng nhất chính là sự cưu mang, đùm bọc của bà con nhân dân Vinh Tiền. Trong trận đánh ngày 15-10-1972, máy bay của mình không may bị địch bắn trúng và phải nhày dù xuống vùng rừng núi của tỉnh Phú Thọ. Mình bị đa chấn thương, gãy chân trái và dường như lúc tỉnh, lúc mê. May mắn mình được dân quân tự vệ và bà con Vinh Tiền, Tân Sơn phát hiện kịp thời. Họ đã chặt cây làm cáng, thay nhau xuyên rừng, lội suối rất vất vả mới có thể đưa mình về trạm xá Thanh Sơn cấp cứu kịp thời. Lúc mình tỉnh dậy thấy người xây xát, tím tái, hai chân phình to như cây chuối hột. Cũng vì cái chân gẫy này, mình phải nằm viện điều trị mất 6 tháng, phải nhiều lần can thiệp ngoại khoa để nối gân xương, dây chằng… rất đau đớn. Sau sự kiện ấy, cũng phải mươi năm sau mình mới có dịp trở lại thăm bà con nơi đây. Và cũng từ thời điểm này, mình có thêm một gia đình để yêu thương, có thêm một quê hương để buồn vui có thể trở về.

Về lại Vinh Tiền
Gia đình mẹ nuôi của cựu phi công Lê Thanh Đạo.

Thì ra, sau khi tìm về Tân Sơn, phi công Lê Thanh Đạo đã may mắn được gặp lại hầu hết những người đã từng cứu sống mình dạo đó: Bác Dương Hồng Thọ - Xã đội trưởng, sau này là Chủ tịch xã Vinh Tiền; bác Hà Xuân Lại - Thường trực chi ủy Vinh Tiền, ông Nhân - dân quân xã và chị Đinh Thị Bích - Y tá, người trực tiếp cắt dù, làm cáng và chăm sóc sức khỏe cho ông suốt chặng đường từ rừng sâu về trạm xá… Cũng từ lần trở về này, anh được bà mẹ của bác Dương Hồng Thọ nhận làm con nuôi và trở thành con trai thứ 2 trong gia đình họ. Chị Bích cũng trở thành cô em kết nghĩa của anh.

Cứ thế, những câu chuyện về tình đất, tình người nơi đây như được nối dài thêm. Xe chúng tôi lao nhanh trên những trục đường liên tỉnh thênh thang. Mãi rồi cũng đến lối rẽ vào địa phận Thanh Sơn. Đường bắt đầu hẹp dần, nhiều khúc quanh, lại qua nhiều ngầm, suối.

Chị Dung vui vẻ góp lời:

- Bây giờ đường đã dễ đi hơn nhiều rồi em ạ. Ngày trước từ Thanh Sơn vào Tân Sơn phải vượt qua 11 con suối, cũng là 11 cái ngầm chứ làm gì có cầu. Đường thì chủ yếu là đá cấp phối và đường đất. Từ lúc tìm được địa điểm anh Đạo nhảy dù, gần như năm nào vợ chồng chị cũng trở lại Tân Sơn. Vị trí anh Đạo nhảy dù, đoàn thanh niên đã xây một tấm bia, trồng cây bao quanh. Lần này anh chị về vừa thăm bà con, vừa có ý định tài trợ xi măng để làm đường lên đó đấy em ạ.

Trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà xây kiên cố, những con đường liên thôn uốn lượn… Mỗi người dân tôi gặp đều rất thân thiện, mến khách. Là một xã vùng cao của huyện Tân Sơn, Phú Thọ, người dân chủ yếu là dân tộc Dao, Mường… Tuy cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng họ đang từng ngày, từng giờ cố gắng để bắt kịp nhịp sống của đồng bào miền xuôi.

Xe dừng lại căn nhà to, rộng mới xây nơi đầu dốc. Từ trong căn bếp vọng ra tiếng băm chặt chí chát, tiếng bát đũa va nhau và rất nhiều tiếng cười nói vui vẻ. Một người đàn bà nhỏ bé bước ra. Anh Đạo, chị Dung liền ào đến, vui mừng:

- Đây là chị dâu tôi, vợ anh Thọ đấy. Chị khỏe không ạ?

Chị nắm tay chúng tôi hồ hởi, thân thiện:

- Chị khỏe, rất khỏe. Chú Đạo đưa các cô, chú ấy ra ủy ban nhân dân xã đi. Cháu Luyện và mọi người đang chờ đoàn ta ở đó. Xong việc mời các em về cả nhà chị ăn với gia đình bữa cơm nhé.

Xe chúng tôi trở ra, chạy khoảng mươi phút thì đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã Vinh Tiền. Tại đây, giống như đứa con đi xa trở về, anh Đạo, chị Dung và chúng tôi được lãnh đạo địa phương đón tiếp rất ân cần.

Vị chủ tịch xã còn rất trẻ, anh vui vẻ giới thiệu:

- Em là Dương Kim Luyện, con trai của nhân chứng Dương Hồng Thọ. Tiếc là bố em mất rồi. Nhưng em rất tự hào được là con cháu của chú Lê Thanh Đạo ạ.

Chúng tôi ồ lên ngạc nhiên. Một sự chuyển giao vị trí rất thú vị: Bố thì trực tiếp cứu giúp phi công, con trai lại nối dài thêm tình quân dân gắn bó. Chuyện xa, chuyện gần, chuyện ngày xưa, ngày nay khiến không khí buổi gặp mặt càng thêm ấm áp. Qua lời kể của ông Đinh Công Quý - Bí thư Đảng ủy xã Vinh Tiền, để tri ân địa phương nơi đây, Quân chủng PK-KQ đã xây tặng bà con 1 căn nhà tình nghĩa, 1 khu vui chơi cho trẻ em. Riêng gia đình phi công Lê Thanh Đạo, mỗi lần trở về cũng đều có quà cho bà con.

Về lại Vinh Tiền
Cựu phi công Lê Thanh Đạo chụp ảnh với các nhân chứng. (Chị Đinh Thị Bích mặc áo nâu, đứng cạnh phi công Lê Thanh Đạo).

Mãi đến tận lúc ăn cơm trưa, tôi mới gặp được chị Đinh Thị Bích. Cô y tá ngoài 20 tuổi năm xưa bây giờ đã trở thành bà nội săm sắn và khỏe mạnh. Kể lại chuyện đi cứu phi công, đôi mắt chị bừng lên tia sáng hồn hậu:

- Ngày ấy tôi là y tá của xã. Hôm ấy khoảng 2 giờ chiều, tôi đang trực thì nghe có tiếng máy bay gầm rú rồi một cái dù lao xuống cánh rừng, cách bản người Dao khoảng 1,5km. Tôi cùng với bác Dương Hồng Thọ cùng với tổ dân quân trực chiến cầm đòn gánh, cuốc, thuổng... vạch rừng, xuyên núi quyết tâm bắt sống “giặc lái”. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy tên phi công nằm nguyên trong ghế dù giữa một tảng đá to ở lưng chừng núi. Anh Thọ hô to:“Giơ tay lên”, chẳng thấy “tên giặc” động tĩnh gì. Dân quân bắn một phát súng, “tên giặc” vẫn nằm im. Chúng tôi hò nhau xông vào trói, nhưng khi lật người lên thì bỗng thấy biểu tượng Không quân nhân dân đeo ở cánh tay trái. Biết là phi công đằng mình, ai cũng vừa mừng, vừa thương. Nhưng anh bị thương nặng lắm, lại bất tỉnh nữa. Chúng tôi nhanh chóng cắt dây dù, chặt cây rừng làm cáng rồi thay nhau khiêng anh về. Kể thì nhanh chứ chúng tôi phải huy động khá nhiều người, khênh anh đi vài cây số đường rừng mới về đến nhà anh Thọ. Rồi phải đợi xe của huyện đội Thanh Sơn để chở anh về bệnh viện huyện để sáng hôm sau, máy bay đến đón anh về Hà Nội điều trị.

Về lại Vinh Tiền
Cựu phi công Lê Thanh Đạo trò chuyện với mọi người tại Ủy ban nhân dân xã Vinh Tiền. (Người rót nước là Chủ tịch xã Dương Kim Luyện, con trai của ông Dương Hồng Thọ).

Chúng tôi còn đang say chuyện, Trung tướng Phạm Phú Thái đã hô triệu tập. Thì ra bà con họ mạc nghe tin vợ chồng phi công Lê Thanh Đạo về thăm đã kéo đến khá đông. Sau màn chụp ảnh kỷ niệm, gia chủ phải bày tới 6 mâm cỗ mới đủ chỗ cho mọi người. Một bữa cơm đoàn viên thật thân tình, ấm áp. Ngồi giữa bà con nhân dân Vinh Tiền, cựu phi công Lê Thanh Đạo như trẻ ra mấy tuổi. Anh ân cần hỏi thăm người già, khích lệ động viên lớp trẻ. Anh bảo, mỗi lần trở lại Vinh Tiền với anh giống như một sự thanh lọc để tâm hồn mình trong trẻo hơn. Anh đã kinh qua khá nhiều vị trí công tác nhưng những năm tháng gắn bó với con “én bạc”, sát cánh cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ bầu trời Tổ quốc vẫn mãi là một ký ức đẹp. Các anh bay lên, lập chiến công và được trở về trong lòng nhân dân như thế này, đã là một món quà vô giá rồi. 

Chẳng thế mà khi chia tay bà con, chính anh lại là người bịn rịn nhất. Xe chúng tôi đã ra khỏi khúc quanh của con suối cuối cùng trên đất Vinh Tiền, đôi mắt của người anh hùng vẫn như loáng ướt. Chưa cạn chuyến đi, anh Đạo, chị Dung đã lại hò hẹn:

- Năm sau nhà báo lại đồng hành cùng anh chị nhé! Anh chị sẽ mang thật nhiều sách lên, tặng cho các em học sinh một cái thư viện nhỏ.

Hình như với anh chị Đạo - Dung, được làm gì đó dù là nhỏ bé cho quê hương thứ 2 của mình, đó cũng là hạnh phúc.

QUỲNH VÂN
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website