Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) còn là giải pháp để tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa; làm trong sạch bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự là “công bộc của nhân dân”. Vì vậy, sau khi Trung ương ban hành nghị quyết đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của nhân dân; được nhân dân đồng tình ủng hộ và mong đợi công tác xây dựng Đảng nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng đạt được những kết quả tích cực.
Quang cảnh Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: TTXVN
Nhìn lại lịch sử hơn 87 năm qua kể từ ngày được thành lập, Đảng ta đặc biệt quan tâm và luôn chú trọng đến công tác xây dựng Đảng. Công tác xây dựng Đảng luôn đi đôi với nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng. Theo đó, chỉnh đốn Đảng là một bộ phận không tách rời công tác xây dựng Đảng. Xây dựng gắn liền với chỉnh đốn Đảng là yêu cầu khách quan, là việc làm thường xuyên của một chính đảng cách mạng và được thực hiện trong mọi giai đoạn lịch sử. Bởi vậy, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức một cách đầy đủ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để từ đó chủ động học tập, nghiên cứu, nắm chắc nội dung cốt lõi của nghị quyết, triển khai linh hoạt, sáng tạo trong thực tiễn ở cấp ủy, tổ chức đảng, ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhận thức đúng yêu cầu về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng giúp cho từng cán bộ, đảng viên đấu tranh hiệu quả với các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch lợi dụng việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) để chống phá Đảng, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa.
Điểm mới và cũng là những vấn đề trọng tâm của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là đã chỉ ra một cách có hệ thống 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết cũng nhấn mạnh tính chất nguy hiểm và hậu quả khôn lường của các biểu hiện nêu trên không chỉ đối với công tác xây dựng Đảng, mà nếu không sớm được khắc phục, sửa chữa, ngăn chặn còn là rào cản trong tiến trình phát triển của đất nước và dân tộc.
Không chỉ nêu rõ 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) còn chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng; trong đó tập trung vào 16 nguyên nhân chủ quan. Nghị quyết cũng xác định rất đầy đủ 4 nhóm giải pháp trong triển khai thực hiện. 4 nhóm giải pháp được Trung ương xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) vừa có tính kế thừa kết quả, kinh nghiệm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, vừa có bước phát triển phù hợp với yêu cầu sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta trong giai đoạn mới; trong đó tập trung ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong suy nghĩ và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên; trong nội bộ của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng. Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân; thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân.
Với quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, tuy thời gian triển khai thực hiện nghị quyết chưa nhiều, nhưng thực sự đã có những tác động tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhiều vấn đề bức xúc của xã hội, của nhân dân đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo; nhiều vụ án, vụ việc tiêu cực được điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), trước hết, từng cấp ủy, tổ chức đảng phải chủ động nghiên cứu, đánh giá, phân tích sát thực, cụ thể tình hình; trên cơ sở những nội dung của nghị quyết để có những giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả. Theo đó, cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức học tập, nghiên cứu, từng cấp ủy, tổ chức đảng phải đặc biệt coi trọng việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Làm tốt việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình là giải pháp quan trọng hàng đầu để từng cấp ủy, tổ chức đảng nhận diện đúng, đánh giá sát thực tình hình, từ đó có cách sửa chữa, khắc phục hiệu quả. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Một đảng mà không tự nhận thấy khuyết điểm, yếu kém của mình và không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm là “một đảng hỏng”. Vì vậy, nhận thức, thấy rõ khuyết điểm, thấy rõ những hạn chế yếu kém trong nội bộ từng cấp ủy, tổ chức đảng và có quyết tâm, giải pháp sửa chữa khuyết điểm sẽ không làm cho Đảng yếu đi, mà làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, trong sinh hoạt kiểm điểm tự phê bình và phê bình phải được thực hiện đúng theo phương châm: Nói thẳng, nói hết, trên tinh thần đồng chí, đồng đội, tất cả vì nhiệm vụ chung, vì sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Kiên quyết khắc phục tình trạng lợi dụng kiểm điểm tự phê bình và phê bình để hạ thấp uy tín cá nhân, gây mất đoàn kết nội bộ, bè cánh. Nếu mục đích, động cơ việc tổ chức kiểm điểm không trong sáng, không vì sự nghiệp phát triển chung của dân tộc, của đất nước sẽ là rất nguy hại, ảnh hưởng đến chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Một vấn đề nữa cũng cần nhấn mạnh trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là từng cấp ủy, tổ chức đảng phải dựa chắc vào quần chúng nhân dân. Vì vậy, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), cùng với việc xây dựng kế hoạch, xác định cụ thể nội dung, biện pháp thực hiện, từng cấp ủy, tổ chức đảng phải phát huy tốt vai trò của quần chúng nhân dân trong tham gia ý kiến để mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, từng cấp ủy, tổ chức đảng công khai các chủ trương, biện pháp trong tổ chức thực hiện để quần chúng nhân dân giám sát kết quả thực hiện. Thực tiễn lịch sử hơn 87 năm qua, nhờ phát huy tốt sức mạnh của nhân dân, biết dựa vào dân nên công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) phải được xác định là công việc thường xuyên, hằng ngày của từng cấp ủy, tổ chức đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên. Theo đó, từng cấp ủy, tổ chức đảng cần coi trọng việc sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện; nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong thực tiễn; tuyệt đối tránh tình trạng: Nói thì hay, làm thì kém hiệu quả; hoặc chỉ nói mà không làm, hoặc làm cho xong chuyện. Bởi trên thực tế, việc nói nhiều, làm ít là một thực trạng rất đáng bàn trong triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng thời gian qua. Nghị quyết của Đảng rất đúng, rất trúng, rất sát thực với tình hình của đất nước, nhưng chậm đi vào cuộc sống, hoặc chưa phát huy hết hiệu quả, một phần quan trọng xuất phát từ nguyên nhân: Nói nhiều, làm ít của cấp ủy, tổ chức đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên.
Theo qdnd.vn