Kỷ niệm 62 năm ngày truyền thống Bộ đội Không quân (3-3-1965 / 3/-3-2017):
Trung đoàn 921 chuẩn bị tích cực cho ngày ra quân đánh thắng trận đầu
Từ ngày về nước (6-8-1964), mặc dù điều kiện đảm bảo hạn chế hơn so với sân bay nước bạn, nhưng Trung đoàn 921 đã nhanh chóng ổn định mọi mặt và tập trung bước vào huấn luyện. Các bài bay ứng dụng chiến đấu, các phương án đánh địch được triển khai luyện tập.
Qua hơn nửa năm về nước làm nhiệm vụ, các phi công của Trung đoàn đã vững vàng, thuần thục các khoa mục chiến đấu trên không trong đội hình biên đội 2 chiếc, 4 chiếc. Đảng ủy, Ban chỉ huy đơn vị sau khi nghiên cứu và cân nhắc trình độ đội ngũ phi công đã khẳng định: Với trình độ mỗi người hiện tại, các phi công của Trung đoàn có đủ khả năng chiến đấu và bảo đảm chiến đấu thắng lợi với Không quân Mỹ. Cấp trên cũng nắm được điều đó. Thời cơ xuất kích của không quân tiêm kích theo dự đoán của từng phi công trong Trung đoàn chắc chắn không còn xa…
Biên đội đánh thắng trận đầu của Không quân nhân dân
Việt Nam (ngày 3-4-1965): Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc,
Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương. Ảnh tư liệu Ngày 2-4-1965, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng kiểm tra một lần nữa các mặt công tác chuẩn bị chiến đấu của Bộ đội Không quân. Sau khi nắm tỉ mỉ tình hình chung, đặc biệt là tình hình thực tế ở Trung đoàn 921, một số vấn đề cụ thể được cấp trên quyết định chính thức. Lực lượng sử dụng chính trong trận đầu được thông qua. Các cán bộ cơ quan Quân chủng nghiên cứu kỹ thời cơ cất cánh, báo cáo với Thủ trưởng Quân chủng và làm tốt công tác hiệp đồng với các lực lượng phòng không. Căn cứ vào điều kiện và các mặt bảo đảm, Quân chủng đã quyết định cho Trung đoàn 921 xuất kích trận đầu. Trước 5 giờ 30 phút ngày 3-4-1965, nhiệm vụ chiến đấu đã được phổ biến đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ của đơn vị.
Phương án tác chiến cũng được cấp trên phê duyệt, được Trung đoàn tổ chức cho phi công thực hiện, luyện tập kỹ càng và triển khai. Hai biên đội tham gia trận đầu tiên, trong đó biên đội trực tiếp chiến đấu gồm phi công Phạm Ngọc Lan (số 1)- Chỉ huy biên đội, Phan Văn Túc (số 2), Hồ Văn Quỳ (số 3), Trần Minh Phương (số 4). Biên đội làm nhiệm vụ nghi binh kiềm chế máy bay tiêm kích địch do phi công Trần Hanh làm Biên đội trưởng (bay số 1) và Phạm Giấy (bay số 2). Các máy bay của biên đội trực chiến đã ở vị trí sẵn sàng.
Vào lúc 7 giờ ngày 3-4-1965, các đài ra đa đã phát hiện máy bay địch vào trinh sát khí tượng và mục tiêu. Quân chủng nhận định có thể địch sẽ đánh lớn vào cầu Hàm Rồng. Tại Sở chỉ huy Quân chủng các đồng chí Tư lệnh và Chính ủy đều có mặt theo dõi trận đầu ra quân của lực lượng Không quân. Đồng chí Hoàng Ngọc Diêu được giao trực tiếp chỉ huy trận đánh.
9 giờ 40 phút, 60 lần chiếc máy bay cường kích của Hải quân địch cùng lúc bay vào đánh cầu Tào, Đò Lèn và cầu Hàm Rồng. Ngay lập tức, hai biên đội được lệnh vào cấp 1.
9 giờ 47 phút, biên đội nghi binh, yểm hộ cất cánh, bay về hướng Tây Nam vùng trời Hàm Rồng. Được sĩ quan dẫn đường Trần Quang Kính dẫn, lúc 10 giờ 8 phút biên đội tiến công chỉ còn cách địch 45km, trên hướng có lợi cho phát hiện mục tiêu. Sau đó 1 phút, Biên đội trưởng Phạm Ngọc Lan chỉ huy biên đội chuyển từ đội hình cảnh giới sang đội hình công kích và phân làm hai tốp. Tốp thứ nhất gồm số 1 và số 2, tốp thứ 2 gồm số 3 và số 4. Từng tốp tạo thành thế có lợi tiếp cận và bám sát địch. Địch chưa phát hiện được máy bay ta, chúng vẫn bay theo đội hình hàng dọc và đánh vào mục tiêu. Sau khi phát hiện mục tiêu, theo lệnh , từng tốp chọn mục tiêu lao vào tiến công. Tốp 1 đã bám được hai máy bay địch. Số 2 Phan Văn Túc phóng một loạt đạn khi còn khá xa địch. Biên đội trưởng Phạm Ngọc Lan lệnh cho số 2 bình tĩnh, giữ đúng vị trí yểm hộ rồi cho máy bay vào tới cực ly bắn có hiệu quả và siết cò súng. Chiếc F- 8U trúng đạn lao thẳng xuống đất. Đây là chiếc phản lực Mỹ đầu tiên bị Không quân ta bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Và phi công Phạm Ngọc Lan là người làm nên chiến công này.
Địch bất ngờ, hoảng hốt khi thấy sự xuất hiện của máy bay Mig, chúng nháo nhào tìm cách cơ động và đối phó. Cùng lúc đó, tốp thứ 2 cũng bám được tốp khác của địch. Được số 4 yểm hộ, số 3 Hồ Văn Quỳ lao vào công kích chiếc máy bay sau của tốp địch, song ở cự ly xa không hiệu quả. Bọn địch bắt đầu quay lại chống trả. 4 chiếc Mig quần nhau với tốp F- 8 đông gấp nhiều lần. Khi phát hiện có một máy bay địch rất gần, tới cự ly phi công có lợi Phan Văn Túc liền bắn 3 loạt đạn, chiếc F-8U lạng đi rồi bùng cháy lao xuống. 10 giờ 17 phút, biên đội được lệnh thoát ly về hạ cánh an toàn.
Chiến công đầu có ý nghĩa vô cùng to lớn, không chỉ với Trung đoàn Không quân 921, với Bộ đội Không quân mà còn góp phần cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân, dân cả nước. Đây là chiến thắng mở đầu cho một trang sử mới của Không quân nhân dân góp phần làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của quân đội và dân tộc ta.
BÍCH PHƯỢNG
(Theo Lịch sử Sư đoàn Không quân 371)