11 giờ:9 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

Báo Phòng không - Không quân:

Ra đời và trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

 Đầu năm 1958, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ XII của BCH Trung ương Đảng về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng trong giai đoạn mới, ngày 21/3/1958, Bộ Quốc phòng ra Nghị định thành lập Bộ Tư lệnh Binh chủng Phòng không trực thuộc Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh. Tháng 11/1958, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Binh chủng Phòng không quyết định ra bản “Tin Phòng không”, đánh máy in rô-mê-ô ra hàng tuần, lưu hành nội bộ. Tôi lúc đó là Trung đội trưởng một đại đội pháo cao xạ bảo vệ Hà Nội, là thông tin viên của Báo Quân đội nhân dân, được điều về làm bản “Tin Phòng không”. Bản “Tin Phòng không” do Ban Tuyên huấn Binh chủng Phòng không phụ trách, số đầu ra mắt bạn đọc từ tháng 4/1959.
Ra đời và trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Chú thích ảnh:  (Ảnh Tư liệu)

Sang năm 1961, thực hiện Nghị quyết số 131 ngày 12/01/1961 của Thường trực Quân ủy Trung ương về “đổi mới công tác báo chí toàn quân”, Bộ Tư lệnh Phòng không được phép nâng cấp tờ “Tin Phòng không” đánh máy in rô-mê-ô lên sắp chữ chì, in máy tại Nhà máy in Quân đội nhân dân, khổ rộng 27 x 34cm với nhiều thể loại phong phú hơn, phát hành tới cơ sở. Số đầu nâng cấp này được ra mắt bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 8 năm thành lập Bộ đội Pháo Cao xạ Việt Nam (1/4/1961).

Ngày 22/10/1963, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh đã ra quyết định hợp nhất hai lực lượng Phòng không và Không quân thành Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ), lúc đó gồm 3 binh chủng: Pháo Cao xạ, Không quân và Ra-đa cảnh giới. Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ quyết định chuyển tờ “Tin Phòng không” thành “Tập san Phòng không” dày 32 trang, khổ rộng 19 x 27cm, ra mỗi tháng một kỳ.

Biên chế Tòa soạn Tập san Phòng không có 4 người, gồm: Đồng chí Nguyễn Minh Đức - Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn huấn luyện bay sơ cấp phụ trách chung. Tôi làm Thư ký Tòa soạn, vừa biên tập chung, vừa phụ trách mảng bài về công tác Đảng, công tác chính trị. Đồng chí Trần Duy Hợi làm biên tập nội dung không quân. Đồng chí Nguyễn Duy Khán làm biên tập văn hóa - văn nghệ. Đồng chí Nguyễn Ngọc Thục phụ trách hành chính - trị sự kiêm biên tập về pháo cao xạ và ra-đa. Tòa soạn Tập san Phòng không nằm trong Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Quân chủng. Số đầu tiên ra mắt bạn đọc tháng 4/1964, từ đó ra đều mỗi tháng một kỳ. Tập san phát hành tới cán bộ từ cấp tiểu đoàn và tương đương trở lên trong Quân chủng. 

Tháng 2/1965, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh “leo thang” bằng không quân phá hoại miền Bắc. Quân chủng PK-KQ trở thành lực lượng nòng cốt chiến đấu với không quân Mỹ, nhiệm vụ chiến đấu ngày càng khẩn trương. Cục Chính trị đã đề nghị Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng cho chuyển Tập san Phòng không thành tờ báo ra hàng tuần, phát hành tới cơ sở trong Quân chủng.

Để có mô hình báo cáo Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, một tổ phóng viên 4 người do tôi phụ trách được cử vào thị xã Hà Tĩnh. Tổ phân công nhau thâm nhập 3 đại đội pháo cao xạ đang bảo vệ trận địa đài ra-đa trên đồi Rú Nài, đã dự trận chiến đấu quyết liệt với không quân Mỹ chiều 31/3/1965. Trận này, đồng chí Nguyễn Ngọc Thục, phóng viên của báo đã bị thương trong khi đang tác nghiệp tại trận địa Đại đội 27 pháo cao xạ của Tỉnh đội Hà Tĩnh. Tiếp đó là trận chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa ngày 3 và 4/4/1965. Tờ báo mẫu ngày 13/4/1965, có 4 trang khổ 27 x 39cm. Trang nhất của báo nổi bật thư Bác Hồ khen Không quân Nhân dân Việt Nam lần đầu ra trận, lập công xuất sắc và xã luận động viên bộ đội nêu cao “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Cùng với tin chiến sự ngày 31/3/1965 Hà Tĩnh bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 100; trận ngày 3 và 4/4/1965, không quân ta lần đầu xuất kích, cùng quân và dân Hàm Rồng bắn rơi 47 máy bay Mỹ, là các bài và ảnh tường thuật trận đánh của bộ đội pháo cao xạ, không quân, ra-đa; các gương điển hình chiến đấu, tình đoàn kết quân dân trong chiến đấu… Tờ báo được Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng nhất trí thông qua.

Báo Phòng không - Không quân số đầu tiên ra đời ngày 15/7/1965, mở đầu cho phong trào thi đua “Bắn trúng ngay từ loạt đạn đầu, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay Mỹ và bắn tiết kiệm đạn” do Quân chủng phát động.

Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Thủ trưởng Cục Chính trị và Phòng Tuyên huấn, Báo PK-KQ dần dần đi vào nền nếp. Trước hết là các chế độ làm kế hoạch, rút kinh nghiệm, đi sát cơ sở trên các trận địa và sân bay chiến đấu; chế độ học tập nghiệp vụ mỗi tuần lễ một ngày do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Tòa soạn cử người lên Báo QĐND học cách trình bày báo; đến Phân xã nhiếp ảnh của TTX Việt Nam học kinh nghiệm về thực hiện quy chế lưu trữ và bảo quản phim ảnh đã chụp. Tòa soạn được tăng thêm nhiều trang bị nghiệp vụ như máy ảnh, ống kính chụp xa, xe moto 2 bánh, 3 bánh, máy ghi âm, máy phóng ảnh,…

Từ năm 1966, không quân Mỹ đánh phá rộng ra khắp miền Bắc, kể cả Hà Nội, Hải Phòng. Trên quy định cơ quan triệt để sơ tán. Nhưng phóng viên báo phải thường xuyên bám sát các trận địa và sân bay chiến đấu. Tòa soạn phân công lực lượng thường trú ở các khu vực: Hải Phòng – đường số 5; Hà Nội đến Phủ Lý; Nam Định đến Thanh Hóa. Được trên cho phép, trụ sở Tòa soạn có lúc ở khu Ký túc xá Trường Đại học Kinh tế - Kế hoạch (trước bệnh viện Bạch Mai), có lúc ở Trung đoàn bộ Trung đoàn 234 (gần bến xe Kim Mã), có lúc ngay trên trận địa Đại đội 1, Trung đoàn 234 tại trận địa Nghĩa Dũng, bên cầu Long Biên. Tòa soạn được bổ sung thêm lực lượng gồm: Chị Hoàng Tuyết Hạnh, chiến sĩ gái đầu tiên của Tòa soạn, làm nhân viên trình bày và phát hành báo; các đồng chí Phan Duy Thảo, từ Trung đoàn 274; Lê Minh Huệ, từ Tiểu đoàn AM241; Nguyễn Xuân át, từ Sư đoàn bộ binh 308 chuyển sang; Đỗ Hiển, từ trận địa Hải Phòng lên…   

Giữa năm 1967, Tòa soạn được bổ sung thêm đồng chí Phạm Thành Thiểu, Trợ lý Tuyên truyền Trung đoàn 275 từ Nghệ An và đến cuối năm là đồng chí Phùng Đắc Tư, Trợ lý Văn hóa Trung đoàn 276 từ Tây Bắc về. Các đồng chí Đỗ Thu, Nguyễn Khắc Trường, Dương Duy Ngữ, Nguyễn Trí Huân, từ Tổ viết văn của Phòng Tuyên huấn được tăng cường thêm cho Báo. Nhưng đồng chí Nguyễn Duy Khán  lại được điều hẳn lên Phòng Phát thanh QĐND.

Từ đó, Báo PK-KQ hình thành các tổ chuyên trách.

Tổ Báo (tổ chủ lực) do tôi phụ trách điều hành phóng viên đi cơ sở theo kế hoạch viết bài, chụp ảnh, biên tập nội dung, tổ chức in và xuất bản tờ báo ra hàng tuần.

Tổ viết gương do đồng chí Phạm Thành Thiểu phụ trách viết các gương anh hùng, chiến sĩ và đơn vị xuất sắc trong chiến đấu, tổ chức in thành sách.

Tổ sách kinh nghiệm, do đồng chí Hà Bình Nhưỡng phụ trách được tăng cường thêm các đồng chí Bùi Xuân Sách, Lê Mạo từ Binh chủng Ra đa điều lên, tổ chức đạt bài thu thập, viết và biên tập những kinh nghiệm chiến đấu và xây dựng quân chủng, in thành sách.

Tổ ảnh, do đồng chí Lê Minh Huệ phụ trách chụp ảnh và tập hợp ảnh các phóng viên chụp các sự kiện trong quân chủng, làm ảnh mẫu, lưu trữ và bảo quản phim ảnh của quân chủng.

Tổ Hành chính - Trị sự, do đồng chí Nguyễn Đình Huấn phụ trách, đảm bảo cơ sở vật chất kỹ thuật, thanh quyết toán tài chính, trình bày báo, quan hệ với nhà in, lưu trữ và phát hành báo.

Báo PK-KQ tổ chức được đội ngũ cộng tác viên mạnh, là cán bộ, chiến sĩ từ các cơ quan sư đoàn, nhà trường và đơn vị trực thuộc trong quân chủng hoạt động rất đều, hằng năm đều tổ chức họp mặt rút kinh nghiệm. Đặc biệt, năm 1968, đã mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho trên 100 thông tin viên, phóng viên trong 2 tháng liền.

Cuối năm 1968, lập thêm Tổ Quay phim, lưu trữ và dựng phim tư liệu chiến đấu và lập thêm Tổ in, tuy chưa có máy in nhưng sắm đủ chữ chì, các dụng cụ sắp chữ. Tổ Quay phim do đồng chí Phạm Quế Dương trực tiếp phụ trách, Tổ In có 4 chiến sĩ cho đi học ở Nhà in Quân đội, do đồng chí Trần Cường phụ trách.

Đến cuối 1970, tòa soạn báo chỉ còn lại 15 người, được thành lập chi bộ riêng, nằm trong Liên chi Tuyên huấn. Đồng chí Nguyễn Xuân Mai là Tổng biên tập kiêm Bí thư chi bộ. Đồng chí Phạm Thành Thiểu là Phó Tổng biên tập. Cuối năm 1971, đồng chí Nguyễn Thành Thiểu được điều sang làm Trợ lý phòng Tuyên huấn, Tổ Viết gương không còn nữa.

Qua hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, phóng viên Báo PK-KQ luôn bám sát các trận địa, sân bay chiến đấu. Đặc biệt những đơn vị cơ động chiến đấu trên chiến trường miền Nam đều có tổ phóng viên đi cùng, như: Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh 1967 - 1968; Chiến dịch Đường 9 -Nam Lào 1971; Chiến dịch Quảng Trị đầu năm 1972. Ngoài ra, Tòa soạn cử hẳn một tổ phóng viên thường trú tại sở chỉ huy tiền phương của Quân chủng ở miền Tây Quảng Bình. Từ đó tỏa đi các đơn vị chiến đấu bảo vệ giao thông trên tuyến đường Trường Sơn. Tổ phóng viên thường trú còn có nhiệm vụ ra bản tin in lưới phát hành tại mặt trận và một tuần 3 lần điện bài và gửi ảnh về Tòa soạn để kịp đăng tờ báo chính của Quân chủng.

Trong chiến dịch Quảng Trị 1972, 2 phóng viên Nguyễn Quang ý và Xuân át sau khi hoàn thành nhiệm vụ tác nghiệp tại mặt trận, trên đường về hậu phương ngày 02/8/1972 đã trúng vệt bom B52 của Mỹ tại Nông trường Quyết Thắng huyện Vĩnh Linh. Đồng chí Nguyễn Quang ý đã hy sinh, trở thành nhà báo liệt sĩ của Quân chủng PK-KQ.

Trong Chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, phóng viên Báo PK-KQ có mặt ở hầu hết các trận địa, sân bay chiến đấu và các sự kiện lớn để chụp ảnh, lấy tư liệu chiến đấu, viết được nhiều bài tuyên truyền kịp thời, chụp được nhiều hình ảnh chiến đấu và máy bay B-52 bốc cháy trên bầu trời Hà Nội.

Trong cuộc Tổng tiến công chiến lược Mùa xuân năm 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tòa soạn cử nhiều tổ phóng viên đi cùng các đơn vị hành quân thần tốc, có mặt ở các sở chỉ huy tiền phương của Quân chủng. Đặc biệt trong trận ta dùng máy bay địch, cấp tốc huấn luyện tổ chức ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975, phóng viên Báo PK-KQ đã có mặt.

Kết quả từ ngày 15/7/1965 đến kết thúc cuộc khánh chiến chống Mỹ cứu nước, Quân chủng PK-KQ tách thành 2 Quân chủng, Báo PK-KQ đã xuất bản 505 kỳ báo ra hàng tuần với hàng nghìn bài viết, hàng nghìn hình ảnh các binh chủng trong Quân chủng tham gia chiến đấu. Tòa soạn báo đã lưu trữ hàng vạn phim ảnh kèm theo ảnh mẫu trong chiến tranh, trong đó có hàng nghìn tấm phim chụp Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, khách quốc tế đến thăm, động viên bộ đội trong Quân chủng. 505 kỳ báo ra hằng tuần và hàng vạn tấm phim chụp trong chiến tranh đang được lưu trữ trong Bảo tàng Quân chủng. Hầu hết ảnh lịch sử đang trưng bày tại Bảo tàng Quân chủng và Nhà truyền thống các sư đoàn, trung đoàn đều do phóng viên Báo PK-KQ chụp trong chiến tranh, trở thành di sản lịch sử vô giá của Quân chủng PK-KQ.

 Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, Báo PK-KQ có một phóng viên hi sinh trong Chiến dịch Quảng Trị năm 1972, một phóng viên bị thương khi đang tác nghiệp tại trận địa pháo ở Hà Tĩnh ngày 31/3/1965. Báo PK-KQ đã được Quốc hội, Chính phủ, trao tặng một Huân chương Quân công hạng Ba (cho phần Phòng không), một Huân chương Chiến công hạng Ba (cho phần Không quân) nhiều phóng viên được giải thưởng báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam; nhiều đồng chí đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, được Bộ Tư lệnh Quân chủng tặng bằng khen...

NGUYỄN XUÂN MAI

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website