Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Tiểu đoàn 105 (25-4-1959/25-4-2019):
60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành
Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, hoà bình được lập lại trên bán đảo Đông Dương, nhưng đất nước ta còn chia làm hai miền: Miền Bắc hoàn toàn giải phóng và tiến lên xây dựng CNXH, ở miền Nam bọn tay sai và đế quốc Mỹ vẫn thống trị. Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, ngày 25-4-1959, Bộ Quốc phòng ký quyết định số 410/NQ thành lập Trung đoàn Phòng không 280 - Đoàn Pháo cao xạ Hồng Lĩnh; biên chế gồm Tiểu đoàn 105 và 3 Đại đội pháo cao xạ. Ngày 10-9-1959, tại Sân bay Tông, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc TP Hà Nội) Trung đoàn 280 đã tổ chức công bố quyết định và làm lễ thành lập. Từ đó, Tiểu đoàn 105 lấy ngày 25- 4-1959 là ngày truyền thống của đơn vị.
Huấn luyện bắt mục tiêu tại Đại đội 23, Tiểu đoàn 105.Đầu tháng 1-1960, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng; Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 280, trong đó có Tiểu đoàn 105 cơ động vào bảo vệ thành phố Vinh, Nghệ An. Bước sang năm 1965, không quân Mỹ mở Chiến dịch “Mũi lao lửa” bắn phá thị xã Đồng Hới, Quảng Bình. Tiếp đó, chúng mở Chiến dịch “Sấm rền” đánh phá toàn bộ Quân khu 4. Tiểu đoàn 105 đã cơ động bảo vệ Sân bay Đồng Hới và các cơ quan của tỉnh Quảng Bình. Từ năm 1965 - 1968, Tiểu đoàn làm nhiệm vụ bảo vệ giao thông tuyến đường 20, trọng điểm là Ngầm Cà Rồng và Ngầm A-Ki. Ngoài nhiệm vụ đánh địch trên không bảo vệ các trọng điểm, Tiểu đoàn còn có nhiệm vụ cơ động lực lượng đánh địch giải phóng các điểm tắc trên suốt cung đường trên 40km.
Sau Tết Mậu Thân năm 1968, Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ bị phá sản, buộc chúng phải chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đầu năm 1972, Tiểu đoàn được lệnh cơ động vào bảo vệ thành cổ Quảng Trị, tham gia Chiến dịch Trị-Thiên. Đây là một chiến dịch hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn và dài ngày nhất. Tiểu đoàn tham gia nhiều trận đánh, bắn rơi nhiều máy bay địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Tư lệnh Chiến dịch giao cho. Tiêu biểu là trận đánh mở màn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-3- 1972 tại Cồn Tiên, Dốc Miếu điểm cao 604, địch đã cho 2 máy bay F-8 và 1 máy bay L-19 vào trinh sát, đánh phá vào trận địa của ta. Được lệnh của Tiểu đoàn, Đại đội 12 cho Khẩu đội 3 bám sát chiếc L-19, đến cự ly thích hợp, đồng chí Nguyễn Văn Dụ - Khẩu đội trưởng hạ lệnh bắn bằng 14 viên đạn với 2 điểm xạ. Chiếc L-19 đã trúng đạn rơi xuống Tà Côn. Đây là chiếc máy bay đầu tiên của địch bị lực lượng phòng không của ta trong chiến dịch bắn rơi tại chỗ. Ngoài đánh địch trên không, Tiểu đoàn còn trực tiếp đánh địch mặt đất hàng chục trận. Tiêu biểu là trận đánh ngày 28-6-1972, sau hai đợt chiến đấu bằng chiến thuật linh hoạt, sáng tạo, kết hợp sử dụng súng bộ binh và hạ nòng pháo xuống để diệt địch, Tiểu đoàn đã đánh tan 1 đại đội địch, tiêu diệt 70 tên.
Trải qua hơn 9 tháng liên tục chiến đấu, yểm hộ binh chủng hợp thành trong Chiến dịch Trị-Thiên, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, vươn lên hoàn thành mọi nhiệm vụ. Hơn 60 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn đã vĩnh viễn nằm lại Chiến trường Trị-Thiên. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tiểu đoàn bắn rơi 47 máy bay các loại, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Với những thành tích đó, ngày 3-9-1973, Tiểu đoàn 105 vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”. Ngoài ra, Tiểu đoàn còn được tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại; Đại đội 4, Đại đội 23 và 2 cá nhân đựợc phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”.
Sau khi đất nước được giải phóng, Tiểu đoàn cơ động về bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Tháng 9-1978, Tiểu đoàn được điều về Sư đoàn 369 làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời Đông Bắc của Tổ quốc trên vùng trời thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh; Tiểu đoàn mang phiên hiệu Trung đoàn 230. Tháng 11-1991, do yêu cầu chấn chỉnh biên chế, tổ chức, Trung đoàn 230 được giải thể và rút gọn, lấy phiên hiệu Tiểu đoàn 528 trực thuộc Sư đoàn 363. Tháng 5-1997, thực hiện Quyết định 601/QP của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ ra chỉ thị đổi tên Tiểu đoàn 528 thành Tiểu đoàn 105 - đây cũng chính là tên khai sinh của đơn vị.
Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, trong những năm qua, Tiểu đoàn luôn phát huy tốt sức mạnh tổng hợp, tập trung nâng cao chất lượng SSCĐ, QLVT; duy trì nghiêm nền nếp SSCĐ từ SCH Tiểu đoàn đến các phân đội, 100% các đơn vị làm nhiệm vụ trực ban đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công tác huấn luyện có nhiều chuyển biến tiến bộ, chất lượng ngày càng được nâng lên. Từ năm 2011 đến nay, đơn vị tham gia diễn tập bắn đạn thật đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiêu diệt mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu, được nhận cờ “Đơn vị bắn giỏi”. Nền nếp XDCQ, QLKL đi vào thực chất, cảnh quan môi trường ngày càng khang trang hơn. Tiểu đoàn thường xuyên làm tốt công tác thăm hỏi, tặng quà, ủng hộ, giúp đỡ nhân dân bị thiên tai, lũ lụt. Năm 2016, 2017, 2018, Tiểu đoàn được TP Cẩm Phả, Quảng Ninh tặng Giấy khen “Đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và hoạt động Cụm đơn vị an toàn - địa bàn an toàn”; năm 2017, 2018 được UBND TP Cẩm Phả tặng giấy khen “Trong công tác phòng chống cháy nổ, cháy rừng, phòng chống lụt bão”… Đảng bộ Tiểu đoàn thường xuyên được củng cố, ngày càng khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện đối với mọi nhiệm vụ, trên mọi lĩnh vực hoạt động. Nhiều năm liền đơn vị đạt quyết thắng, Đảng bộ đạt TSVM, đơn vị an toàn tuyệt đối.
Trong thời gian tới, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 105 tiếp tục xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, không để bị bất ngờ, lỡ thời cơ trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc vùng trời Đông Bắc Tổ quốc. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn, cấp ủy, chính quyền, LLVT và nhân dân trên địa bàn đóng quân làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thiếu tá PHÙNG VĂN HƯNG
Chính trị viên Tiểu đoàn 105