Ngành Ra đa Quân chủng PK-KQ: Bảo đảm tốt công tác kỹ thuật Ra đa
Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, những năm qua Quân chủng PK-KQ đã được mua sắm nhiều loại ra đa mới, hiện đại; được thực hiện nhiều Chương trình sản xuất, cải tiến VKTBKT. Điều đó đòi hỏi ngành kỹ thuật Ra đa phải nỗ lực vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật Ra đa, đáp ứng tốt yêu cầu mở máy phát sóng canh trời của các đài ra đa trong toàn Quân chủng.
Bảo quản khí tài Ra đa 36D6 ở Trạm Ra đa 35,
Trung đoàn 293 (Sư đoàn 361). Ảnh: QUỲNH VÂNNhững năm qua, ngành ra đa Quân chủng thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện VKTBKT rất đa dạng về chủng loại, thời gian mở máy ngày càng nhiều, công tác bảo đảm vật tư, ngân sách, xăng dầu chưa đáp ứng được yêu cầu. Thêm vào đó, trình độ chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật ở các đơn vị không đồng đều, việc tiếp cận làm chủ ra đa thế hệ mới còn nhiều hạn chế. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giúp đỡ các đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn do lực lượng trang bị kỹ thuật ra đa lớn, đóng quân phân tán trên địa bàn rộng, địa hình hiểm trở như trên núi cao, ngoài biển đảo… Tuy nhiên, bằng sự năng động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm cao, đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên ngành Ra đa Quân chủng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, bảo đảm khí tài ra đa đủ số lượng, chủng loại, chất lượng và đồng bộ, với hệ số kỹ thuật vượt chỉ tiêu được giao; đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trực ban chiến đấu, quản lý vùng trời, huấn luyện của Quân chủng.
Đối với nhiệm vụ trung tâm, ngành đã thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của hàng trăm đài ra đa, duy trì nghiêm các nền nếp công tác kỹ thuật, nắm vững chuyên môn kỹ thuật ra đa, kịp thời chỉ đạo đơn vị khắc phục, sửa chữa các hỏng hóc xảy ra, bảo đảm cho các đài ra đa thường xuyên ở trong tình trạng kỹ thuật tốt nhất, thực hiện nhiệm vụ mở máy quản lý vùng trời. Công tác bảo đảm kỹ thuật cho các thiết bị hỏi - đáp cũng có nhiều tiến bộ. Thời gian qua, ngành đã phối hợp được năng lực của các đơn vị nghiên cứu để thiết kế chế tạo các thiết bị nhận biết như máy hỏi, máy trả lời, bước đầu xây dựng hệ thống nhận biết chủ quyền quốc gia của riêng Việt Nam, làm việc với độ bảo mật cao, đã được tích hợp vào các đài ra đa thế hệ mới và trên các máy bay quân sự như Mi-171, Su-22, Su-30… của Quân chủng. Ngoài ra, ngành đã chỉ đạo chuyên môn các cơ sở sửa chữa ra đa như Nhà máy Z119 và Nhà máy A29, định hướng đúng việc đầu tư chiều sâu công nghệ phục vụ công tác bảo đảm kỹ thuật cho các đài ra đa thế hệ mới. Tổ chức nhiều lớp huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn cho các thành phần chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt chú trọng vào các loại ra đa mới.
Ngành đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để đưa các đài ra đa mới, cải tiến vào khai thác sử dụng an toàn, phát huy tối đa tính năng kỹ chiến thuật của VKTBKT. Lựa chọn và chuẩn bị đầy đủ kiến thức nền cần thiết để các thành phần đi học chuyển loại khí tài mới có thể nhanh chóng nắm bắt, tiến tới làm chủ VKTBKT mới. Kịp thời biên dịch, biên soạn các tài liệu kỹ thuật, các quy định, chế độ kỹ thuật, các hướng dẫn chuyên ngành.
Cùng với việc bảo đảm kỹ thuật cho các đài ra đa phát sóng canh trời, ngành Ra đa còn tích cực tìm tòi, tiếp cận, nắm bắt tình hình phát triển của khoa học và công nghệ nói chung và của ngành ra đa nói riêng trong nước và trên quốc tế, làm tham mưu trúng và đúng cho Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân chủng, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc mua sắm, sản xuất Ra đa. Các Chương trình sản xuất, cải tiến Ra đa trong nước đã đóng góp đáng kể vào công tác bảo đảm trang bị Ra đa phục vụ nhiệm vụ quản lý vùng trời, chỉ thị hỏa lực và dẫn đường cho Không quân ta.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay, Đảng, Nhà nước đã và đang quan tâm, đầu tư mua sắm cho quân đội nhiều loại khí tài ra đa mới như COLCHUGA, 36D6M, ELM-2288ER, ELM-2084… Muốn khai thác, sử dụng và làm chủ được những loại khí tài hiện đại kể trên đòi hỏi Quân chủng phải có nguồn nhân lực tinh nhuệ, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải tinh thông về ngoại ngữ, tin học. Việc thực hiện thành công Dự án “Đầu tư cải tiến Đài Ra đa P-18” - Dự án đầu tiên trong toàn quân với mức chuyển giao 100% công nghệ thiết kế và chế tạo đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật trình độ cao, hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu đảm bảo kỹ thuật ra đa trong điều kiện mới. Ngoài ra, ngành đã tăng cường mở các lớp bổ sung kiến thức, các lớp học chuyển loại khí tài mới tại các cơ sở sửa chữa; giúp các nhà máy tiếp cận khí tài ra đa mới để có thể tổ chức sửa chữa theo phân cấp. Qua đó theo dõi giúp đỡ đơn vị nhanh chóng đưa các loại ra đa mới vào mở máy quản lý vùng trời đạt hiệu quả cao; góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đại tá TRẦN QUỐC VIỆT
Trưởng Phòng Ra đa Quân chủng PK-KQ