5 giờ:55 phút Thứ năm, ngày 10 tháng 11 , 2016

Quyết tâm bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc:

Bài 3: Nâng chất lượng công tác kỹ thuật, thực hiện giữ tốt, dùng bền

Để làm nên những chiến công của Bộ đội Không quân trong thời chiến cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) thời bình không thể không nói tới đội ngũ những người làm công tác bảo đảm kỹ thuật (BĐKT). Trong điều kiện còn khó khăn nhiều mặt, song vượt lên tất cả, những cán bộ, nhân viên ngành kỹ thuật Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã có nhiều biện pháp khoa học, sáng tạo để bảo đảm tốt công tác kỹ thuật (CTKT) cho từng chuyến bay.

Sáng 7-11, chúng tôi có mặt tại Cục Kỹ thuật, Quân chủng PK-KQ với mục đích tìm hiểu thêm về công tác BĐKT cho lực lượng PK-KQ nói chung và Bộ đội Không quân nói riêng. Vì là một lực lượng với nhiều khí tài, trang bị hiện đại nên việc BĐKT rất phức tạp. Tiếp chúng tôi, Đại tá Lê Ngọc Bảo, Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ, vào đề ngay: Công tác BĐKT cho Bộ đội Không quân có lẽ là phần việc phức tạp nhất của CTKT. Để phục vụ cho mỗi lần máy bay cất cánh, chúng tôi phải chuẩn bị các khâu, các bước hết sức chặt chẽ, tỉ mỉ và tuân thủ nghiêm quy trình công nghệ về công tác BĐKT đối với từng chiếc máy bay, từng chuyến bay. Ngoài việc BĐKT theo đúng điều lệ CTKT quân đội, với mỗi chuyến bay cụ thể, CTKT luôn được các cơ quan, đơn vị thực hiện đầy đủ 4 giai đoạn kiểm tra, đó là: BĐKT trước ngày bay, BĐKT trước khi bay, BĐKT trong khi bay và BĐKT sau khi bay. Ngoài việc BĐKT cho những máy bay theo nhiệm vụ, CTKT còn bảo đảm cả cho những máy bay dự phòng để sẵn sàng thay thế máy bay chính khi có yếu tố phát sinh ngoài dự kiến. Việc kiểm tra bảo đảm yếu tố kỹ thuật được tiến hành đồng bộ ở tất cả các khâu, các bước một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt theo đúng quy trình đã đề ra.

Chúng tôi được biết, để thực hiện chặt chẽ quy trình như trên, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị và đội ngũ cán bộ kỹ thuật phải nắm chắc, hiểu sâu các tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất. Đây là khâu rất quan trọng để vận hành phương tiện theo đúng tiêu chuẩn về phương tiện bay của nhà sản xuất, hãng chế tạo, phát huy đúng tính năng, kỹ thuật của phương tiện. Trong thực tiễn, quân chủng đã tích cực nghiên cứu, tìm hiểu những yếu tố tác động đến kỹ thuật như môi trường, thời tiết, độ ẩm... để đưa ra những yêu cầu cao hơn trong BĐKT đối với từng loại phương tiện, khí tài, bảo đảm quá trình sử dụng an toàn và độ bền qua mỗi lần sử dụng. 

Bài 3: Nâng chất lượng công tác kỹ thuật, thực hiện giữ tốt, dùng bền
Sữa chữa máy bay SU-22 tại nhà máy A32. Ảnh minh họa: qdnd.vn.

Khảo sát quy trình công tác BĐKT tại một số cơ quan, đơn vị trong Quân chủng PK-KQ, chúng tôi nhận thấy: Không chỉ hiểu sâu, làm kỹ, chấp hành nghiêm quy trình công tác BĐKT theo yêu cầu của nhà sản xuất, quy trình công tác BĐKT theo những quy chuẩn trong Điều lệ CTKT quân đội, ngành kỹ thuật PK-KQ còn luôn đặt ra những yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn, chặt chẽ hơn trong công tác BĐKT cho từng loại phương tiện, từng máy bay, từng chuyến bay. Chẳng hạn, đối với CTKT trong kiểm soát động cơ máy bay, nếu như theo yêu cầu của nhà sản xuất, hãng cung cấp, khi động cơ máy bay hoạt động đạt 50 giờ thì phải tiến hành kiểm tra tình trạng của động cơ bằng phương pháp siêu âm. Thế nhưng ở Quân chủng PK-KQ đã đề ra quy định cứ đến 25 giờ bay thì ngành kỹ thuật của đơn vị sẽ tiến hành siêu âm động cơ để kịp thời phát hiện những trục trặc có thể xảy ra trong quá trình máy bay hoạt động. Việc tăng tần suất kiểm tra động cơ nói chung, các loại trang bị, khí tài kèm theo phương tiện nói riêng nhằm bảo đảm cho máy bay có thể hoạt động ở trạng thái kỹ thuật tốt nhất. Đó cũng là thực hiện chủ trương giữ tốt, dùng bền theo tinh thần Cuộc vận động "Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông" của Quân đội ta. Hơn nữa, biện pháp đó cũng sẽ trực tiếp làm tăng độ tin cậy vào phương tiện cho các phi công, nhất là khi họ được giao những nhiệm vụ phức tạp. Chúng tôi được biết, từ đầu năm 2016 đến nay, các đơn vị trong Quân chủng PK-KQ đã có hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có tính ứng dụng cao phục vụ cho công tác huấn luyện, SSCĐ của quân chủng. Nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị của quân chủng đã được trưng bày và được đánh giá cao trong Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện toàn quân vừa tổ chức tại Trung tâm Huấn luyện Miếu Môn trong tháng 10-2016. Do bảo đảm tốt kỹ thuật nên khi nhận các nhiệm vụ cấp bách như trường hợp máy bay Mi-171 của Trung đoàn 917 bay cấp cứu bệnh nhân Phan Hoàng Dương (Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 8-11 đã đưa tin) ở đảo Song Tử Tây ngày 7-11 vừa qua, anh em phi công hoàn toàn yên tâm lên đường. Chỉ sau ít giờ bay, tổ bay đã hạ cánh xuống Song Tử Tây. Tại đây, máy bay tiếp tục được kiểm tra kỹ thuật và trở về đất liền an toàn vào lúc 16 giờ cùng ngày.

Chú trọng công tác xây dựng đội ngũ

Trao đổi với chúng tôi trong buổi làm việc mới đây, Thiếu tướng Bùi Anh Chung, Phó tư lệnh Quân chủng PK-KQ, cho biết: "Nhằm không ngừng nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI và XII của Đảng, Quân chủng PK-KQ là một trong các lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại. Vì vậy những năm qua, các đơn vị của Quân chủng PK-KQ được trang bị các loại máy bay quân sự thế hệ mới cùng các loại trang thiết bị, khí tài hiện đại. Đây là điều kiện thuận lợi song cũng đặt ra nhiều thử thách, khó khăn trong công tác BĐKT cho phương tiện, khí tài này... ".

Làm việc với các cơ quan chức năng của quân chủng chúng tôi được biết: Các loại máy bay, khí tài của Bộ đội Không quân đều được nhập khẩu từ những nhà sản xuất có trình độ tiên tiến trên thế giới với dây chuyền công nghệ hiện đại. Mỗi loại máy bay, mỗi loại khí tài có hàng nghìn trang tài liệu đi kèm về tính năng kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng… "Để tìm hiểu và vận hành đúng theo yêu cầu của nhà sản xuất đã là bài toán không hề đơn giản đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật ở các cơ quan, đơn vị. Tiến lên làm chủ, sửa chữa được những hỏng hóc phát sinh trong quá trình sử dụng, nâng cao vòng đời, tuổi thọ, tăng tổng niên hạn sử dụng trang bị, khí tài này còn là nhiệm vụ khó gấp bội...", Trung tướng Phạm Phú Thái, nguyên Phó tư lệnh Quân chủng PK-KQ, nói với chúng tôi như vậy bên lề buổi tọa đàm về nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo Bộ đội Không quân ngày 4-11 vừa qua. Thế nhưng những năm qua, lực lượng kỹ thuật của quân chủng đã tích cực khắc phục khó khăn, vừa nghiên cứu làm chủ công nghệ, vừa tìm tòi những sáng kiến để bảo đảm cho các phương tiện, trang bị của Bộ đội Không quân hoạt động được thường xuyên với độ tin cậy cao. Kết quả ấy xuất phát từ việc quân chủng đã xây dựng được lực lượng cán bộ, nhân viên, thợ kỹ thuật có trách nhiệm, nhiệt huyết, có trình độ cao ở các nhà máy, xưởng sửa chữa, các trung đoàn không quân.

Trong thời gian tìm hiểu về công tác BĐKT ở Quân chủng PK-KQ, chúng tôi hiểu thêm những năm qua, ngành kỹ thuật của quân chủng luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên “vừa hồng, vừa chuyên”, lấy đó làm mục tiêu, động lực để thực hiện tốt CTKT ở các cơ quan, đơn vị. Đại tá Lê Ngọc Bảo dẫn chứng: Đảng ủy, chỉ huy Cục Kỹ thuật đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tham mưu với trên điều động các cán bộ, nhân viên, thợ kỹ thuật về những vị trí phù hợp để phát huy được khả năng, sở trường của từng người. Bên cạnh đó, ngành kỹ thuật quân chủng cũng tham mưu với trên có các chính sách phù hợp để thu hút nguồn cán bộ từ các trường kỹ thuật, tổ chức đào tạo, gửi đi đào tạo chuyển loại đối với cán bộ, thợ kỹ thuật nhằm bảo đảm tốt về mặt lực lượng. Chúng tôi cũng được biết, ngành kỹ thuật của quân chủng đang đẩy mạnh việc học tập ngoại ngữ. Đối với các vị trí cán bộ kỹ thuật được quy hoạch, đề bạt, đội ngũ cán bộ phải đạt quy chuẩn ngoại ngữ. Đây là yêu cầu bắt buộc để đội ngũ cán bộ có thể đảm đương và chỉ đạo ngành kỹ thuật trong giai đoạn mới.

Cùng với việc xây dựng về nhân lực, ngành kỹ thuật Quân chủng PK-KQ cũng không ngừng nâng cao khả năng của các cơ sở kỹ thuật. Những thành công như đưa vào sử dụng dây chuyền công nghệ sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-27 và sửa chữa cục bộ máy bay Su-30 của Nhà máy A32, Quân chủng PK-KQ là một trong những minh chứng cho những tiến bộ, trưởng thành của ngành kỹ thuật PK-KQ. Với những chủ trương, giải pháp tích cực, sáng tạo, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các cơ quan, đơn vị trong quân chủng, những năm qua, công tác BĐKT của Quân chủng PP-KQ đã có những chuyển biến tốt, góp phần quan trọng để Quân chủng PK-KQ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

 (còn nữa)

Theo qdnd.vn

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website