16 giờ:6 phút Chủ nhật, ngày 12 tháng 3 , 2017

Giữ bình yên trong mỗi gia đình Việt

Không biết tự bao giờ, khi nói đến gia đình, người Việt Nam ta thường gắn liền với những cụm từ như “mái ấm”, “tổ ấm”… Từ “ấm” trong ngữ cảnh này thường được hiểu là đầm ấm, ấm cúng, ấm áp, ấm êm... Điều đó cho thấy, trong sâu thẳm tâm thức người Việt, ai ai cũng muốn có một “mái ấm”, một “tổ ấm” đúng nghĩa của từ này.

 Giữ bình yên trong mỗi gia đình Việt
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 
Gia đình là nơi neo đậu bình yên nhất của mỗi đời người. Hầu như mọi người trên thế gian này, dù làm gì, ở cương vị nào, cũng có một xuất phát điểm chung là sinh ra, lớn lên từ gia đình và trước khi trở về thế giới bên kia cũng nằm trong vòng tay thương yêu của gia đình. Có một câu danh ngôn, đại ý: Người ta có thể lựa chọn mọi thứ, nhưng không ai có thể lựa chọn được mẹ cha và Tổ quốc. Vậy nên, dù xã hội có phát triển hiện đại đến bao nhiêu, dù vật đổi sao dời, nhưng gia đình đã, đang và mãi là điểm tựa vững chắc nhất của mỗi con người, mỗi đời người.

 

Gia đình có tầm quan trọng đặc biệt như vậy, nhưng những năm gần đây, trước “guồng quay” của cơ chế thị trường và mặt trái của quá trình hội nhập, giao lưu quốc tế tác động, không ít giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt đã bị mai một, biến tướng. Theo các nhà nghiên cứu, người Việt nói chung, gia đình Việt nói riêng đang bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những thay đổi định hướng giá trị xã hội. Đó là: Coi trọng lợi ích vật chất hơn giá trị tinh thần; đề cao quyền lợi cá nhân hơn quyền lợi tập thể, cộng đồng; tâm lý muốn hưởng thụ nhiều hơn ý thức cống hiến, hy sinh; nghĩ đến mục tiêu ngắn hạn nhiều hơn mục tiêu dài hạn. Đối với gia đình ở cả khu vực thành thị và nông thôn đang thay đổi mô hình từ “tam đại, tứ đại đồng đường” sang mô hình gia đình hạt nhân. Điều đó dẫn tới một nghịch lý là giảm các giá trị truyền thống và tăng thêm trạng thái lỏng lẻo, thiếu gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

Có một con số đưa ra tại Hội thảo “Xây dựng văn hóa gia đình trong xã hội đương đại” tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Theo một nghiên cứu ở TP Hồ Chí Minh, trong khoảng 3 đôi kết hôn thì có 1 đôi ly hôn. Thống kê ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì cho thấy, mỗi năm ở nước ta có khoảng 70.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên. Hai số liệu trên phần nào nói lên lối “sống nhanh, sống gấp, sống thử” của một bộ phận thanh thiếu niên, không chỉ là hệ quả tất yếu của việc du nhập lối sống phương Tây, mà còn có nguyên nhân sâu xa từ việc nuôi dạy, giáo dục con cái của các bậc cha mẹ chưa đến nơi đến chốn. Hay nói cách khác, khi gia đình chưa làm tròn bổn phận, nghĩa vụ nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc, bảo vệ con cái trước sự xâm nhập “ồ ạt” của lối sống, văn hóa ngoại lai, thì việc con cái sống buông thả, thiếu đạo hiếu với cha mẹ, thiếu trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, cũng là điều dễ hiểu.

Sinh thời, Đại thi hào J.W.Gớt (Đức) từng nói một câu nổi tiếng: “Dù vua chúa hay dân cày, kẻ nào tìm được sự bình an trong gia đình, kẻ ấy là người sung sướng nhất”. Vậy, làm sao để mỗi người Việt tìm được sự bình yên trong gia đình trong xã hội đương đại vốn có rất nhiều tiện ích mà các xã hội trước đây chưa từng có, nhưng cũng không ít cạm bẫy, cám dỗ có thể làm tha hóa nhân cách con người? Để trả lời được câu hỏi này, hơn ai hết, từ các bậc cha mẹ đến mỗi phận làm con cái, từ nhà trường đến các đoàn thể chính trị-xã hội và tất cả các cấp, các ngành đều phải đề cao ý thức, trách nhiệm trong việc chăm lo xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Đừng ai đơn giản nghĩ rằng, chuyện gia đình là “việc riêng” của mỗi nhà. Nếu cả hệ thống chính trị và toàn xã hội không cùng chung tay góp sức vun trồng “tổ ấm” cho các gia đình, làm cho văn hóa thấm sâu vào mỗi thành viên gia đình, thì mục tiêu “xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội” sẽ khó thành hiện thực. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt.

Theo qdnd.vn

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website