15 giờ:40 phút Thứ sáu, ngày 12 tháng 5 , 2017

Chế độ tử tuất

Hỏi: Anh trai tôi trước đây có tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, hơn 10 năm trước anh tôi bỏ đi biệt tích. Đến nay, anh trai tôi được Tòa án tuyên bố là đã chết. Xin hỏi gia đình tôi có được nhận tiền trợ cấp mai táng hay không?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 66 của Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng.

Trường hợp anh trai của đồng chí trước đây có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nay bị tòa án tuyên bố là đã chết thì gia đình được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương tối thiểu tại tháng tòa án tuyên là đã chết.  

Hỏi: Trợ cấp tuất hàng tháng được chi trả cho những trường hợp nào?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 67 của Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động chết thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng:

(1) Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần;

(2) Đang hưởng lương hưu;

(3) Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

(4) Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Hỏi: Những thân nhân nào sẽ được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng?

Trả lời: Theo quy định Khoản 2 và Khoản 3 Điều 67 của Luật Bảo hiểm xã hội thì thân nhân của người lao động chết được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, bao gồm:

(1) Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;

(2) Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

(3) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;

(4) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Thân nhân là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở. Mức thu nhập này không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.

Hỏi: Công ty tôi có trường hợp một người lao động mới bị bệnh chết, người lao động này đã đóng bảo hiểm xã hội được gần 10 năm. Người này chưa lập gia đình, có cha mẹ già trên 60 tuổi và không có nguồn thu nhập. Xin hỏi chế độ tử tuất đối với thân nhân người lao động nêu trên được giải quyết như thế nào?

Trả lời: Trường hợp người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội chết (không phải chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), có thời gian đóng bảo hiểm xã hội được gần 10 năm (chưa đủ 15 năm) nên không thuộc diện giải quyết trợ cấp tuất hàng tháng mà thuộc diện giải quyết trợ cấp tuất một lần.

Do vậy, thân nhân người lao động nêu trên được giải quyết hưởng chế độ cụ thể như sau:

- Trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại tháng người lao động chết.

- Trợ cấp tuất một lần được tính theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

 Hỏi: Công ty chúng tôi có một người lao động mắc bệnh hiểm nghèo chết, người lao động này đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội được 25 năm. Người lao động này có vợ hiện đã nghỉ hưu, có 02 người con đã lập gia đình đang công tác trong các cơ quan nhà nước, bố mẹ đẻ và bố mẹ vợ của người lao động đều đã chết. Hỏi chế độ tử tuất đối với thân nhân người lao động này được giải quyết như thế nào?

Trả lời: Trường hợp người lao động của công ty đồng chí có thời gian đóng bảo hiểm xã hội được 25 năm nên thuộc trường hợp giải quyết trợ cấp tuất hàng tháng. Tuy nhiên, các thân nhân của người lao động này không thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng vì vợ đã hết tuổi lao động nhưng có thu nhập cao hơn mức lương cơ sở, các con đã trên 18 tuổi.

Do vậy, đối với trường hợp nêu trên, người lao động chết thuộc trường hợp giải quyết trợ cấp tuất hàng tháng nhưng không có thân nhân đủ điều kiện hưởng tiền tuất hằng tháng. Do vậy, thân nhân của người lao động sẽ được giải quyết hưởng trợ cấp tuất một lần.

Hỏi: Ông A đang làm việc cho cơ quan  nhà nước, đã đóng bảo hiểm xã hội được 35 năm, bị chết do tai biến. Ông A có các thân nhân gồm: vợ 57 tuổi đang hưởng lương hưu, 2 người con (người con thứ nhất đã lập gia đình, người con thứ hai 16 tuổi đang học lớp 10 ). Gia đình có nguyện vọng đề nghị được hưởng trợ cấp tuất một lần, có được hay không?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 67, Luật Bảo hiểm xã hội thì ông A có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được 35 năm, khi chết thân nhân của ông A được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 67, Luật Bảo hiểm xã hội thì người con thứ hai của ông A (dưới 18 tuổi) thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. 

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 3, Điều 69, Luật Bảo hiểm xã hội trường hợp thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì được giải quyết hưởng trợ cấp tuất một lần.

Do vậy, nếu gia đình của ông A (người con dưới 18 tuổi) có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần thì sẽ được giải quyết hưởng trợ cấp tuất một lần.

BAN BIÊN TẬP

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website