10 giờ:16 phút Thứ ba, ngày 5 tháng 4 , 2016

Chuyện những người làm công tác khen thưởng

Kỳ 2: Theo những dấu son lịch sử

Nơi làm việc của hai cơ quan chỉ ở tầng trên, tầng dưới của một tòa nhà nhưng hẹn mãi, Thượng tá Hoàng Xuân Tiến mới giành cho chúng tôi được một khoảng thời gian nhỏ giữa bộn bề công việc.

 Tiếp tục nói về công việc của người làm công tác thi đua, khen thưởng, Thượng tá Hoàng Xuân Tiến - Trợ lý Phòng Tuyên huấn dường như vẫn chưa hết trăn trở. Anh giải thích với tôi: Danh hiệu Anh hùng LLVTND là loại hình khen thưởng cao. Quy trình để xem xét, thẩm định, đề nghị khen thưởng phải chặt chẽ theo đúng Luật Thi đua, Khen thưởng thì với loại hình khen thưởng cao này, quy trình càng phải được thực hiện nghiêm ngặt; từ việc gửi hướng dẫn, công điện tới thủ trưởng Bộ Tư lệnh các thời kỳ, về các cơ quan, đơn vị, các Ban liên lạc CCB của các lực lượng Tên lửa, Không quân, Pháo, Ra đa, đề nghị tiến hành rà soát, phát hiện, tổng hợp, báo cáo, giới thiệu các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đến việc trực tiếp thực hiện việc đối chiếu, thẩm định và làm các thủ tục đề nghị khen thưởng.
Kỳ 2: Theo những dấu son lịch sử

Quân chủng tổ chức Lễ trao quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 2 đồng chí Nguyễn Quang Bích và Nguyễn Quang Tuyến. 

Lật giở những tập hồ sơ lưu mà Thượng tá Hoàng Xuân Tiến giới thiệu, tôi dừng lại ở bản “Tóm tắt thành tích của ông Hán Vĩnh Tưởng, nguyên phi công Trung đoàn 921, Sư đoàn 371”. Văn bản được trình bày vừa tròn một trang giấy A4 với những thông tin về “Sơ lược trích yếu”, “Tóm tắt thành tích đã đạt được” và “Các hình thức đã được khen thưởng”. Thấy tôi ngạc nhiên về độ súc tích, cô đọng của văn bản, anh Tiến giải thích: Để có được một bản báo cáo tóm tắt thành tích như thế của mỗi cá nhân, cũng đòi hỏi sự đầu tư dày dặn công sức, tâm huyết và kinh nghiệm của những người làm công tác khen thưởng.

Anh cho biết, cùng với việc gặp trực tiếp các cá nhân được đề nghị khen thưởng, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng còn phải gặp thủ trưởng Bộ Tư lệnh, thủ trưởng đã từng trực tiếp phụ trách đơn vị, bạn chiến đấu cùng thời với người được đề nghị khen để xác nhận thành tích. Bên cạnh đó là thẩm định thành tích của người được đề nghị khen thưởng qua các tư liệu lịch sử, các bài báo, bài viết. Cũng có khi phải đối chiếu với trích yếu T63 được lưu trữ ở Phòng Cán bộ. Rồi lấy ý kiến hiệp y của chính quyền địa phương, của các Ban Liên lạc CCB…

Mỗi lần đi thẩm định thành tích như thế, là một lần được trở lại với những dấu son lịch sử, gặp lại những nhân chứng sống của một thời oanh liệt, hiểu thêm về những chiến công hào hùng của cha, anh ta thời đánh giặc. Thậm chí, qua lời kể của nhân chứng, qua những thông tin từ lịch sử, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng còn phát hiện ra những cựu chiến binh có thành tích xuất sắc, giới thiệu về đơn vị chủ quản để đề nghị khen thưởng. Như trường hợp của Liệt sĩ Trần Ca - nguyên Đại đội trưởng Đại đội 106, Trung đoàn 210, Quân khu 1. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung đoàn 210 đã từng phối thuộc chiến đấu với Quân chủng PK-KQ. Biết được thành tích của Liệt sĩ, Quân chủng đã giới thiệu với Quân khu I để làm hồ sơ đề nghị khen thưởng. Năm 2014, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Liệt sĩ Trần Ca.

Nhớ lại những kỷ niệm với nghề, anh Tiến bảo, những cuộc chuyện trò với Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Trung tướng Phạm Phú Thái hay những cựu chiến binh một thời “vào sinh, ra tử”… đã để lại trong anh những ấn tượng và cảm xúc thật thú vị, để rồi tất cả cùng kết tinh lại trên những trang hồ sơ có tính xác thực và thuyết phục cao. Nguyên là một cán bộ kỹ thuật gần 20 năm “Phan Rang, Phù Cát đã từng”, chuyển về Phòng Tuyên huấn, được đọc nhiều, đi nhiều, nghe nhiều nhưng dường như lúc nào anh cũng thấy vẫn còn chưa đủ... 

Thượng tá Hoàng Xuân Tiến cho biết, mỗi lần một tập thể, cá nhân được truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND là một lần khơi dậy trong thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay, trong đó có những người làm công tác thi đua, khen thưởng niềm tự hào. Song trong chính công việc ấy không phải không có những khoảng lặng khi đâu đó vẫn còn những tập thể, cá nhân đã lập công xuất sắc nhưng chưa nhận được sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Quân chủng PK-KQ đã có hơn 7.000 liệt sĩ hi sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Trong số ấy còn có bao nhiêu liệt sĩ mà thành tích chiến đấu của họ chưa được phát hiện, tôn vinh. Câu trả lời là nhiệm vụ của các thế hệ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng.

Theo những dấu son lịch sử, những người làm công tác thi đua, khen thưởng của Quân chủng đã góp phần tôn vinh những chiến công của các tập thể, cá nhân  về đúng vị trí mà lịch sử đã ghi nhận.

HỒNG LINH

>>> Kỳ 3: Vận dụng để đưa Luật vào thực tiễn

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website