22 giờ:2 phút Thứ hai, ngày 5 tháng 6 , 2017

Xây dựng nếp sống lành mạnh, giản dị cho cán bộ, đảng viên

Bài 3: Lành mạnh hóa lối sống để phòng, chống nguy cơ tha hóa nhân cách (Tiếp theo và hết)

“Nghiêm cấm”, “chấm dứt ngay”, “khắc phục ngay”... là những động từ mạnh được Đảng ta sử dụng nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo nghiêm khắc vấn nạn ăn uống, “chè chén” đang có nguy cơ làm tha hóa nhân cách cán bộ, đảng viên.

 Đồng thời đây cũng là một trong những đòi hỏi cấp bách cần phải giải quyết triệt để nhằm chấn chỉnh tác phong, lối sống, đạo đức của cán bộ, đảng viên, từ đó giúp cán bộ, đảng viên không sa đà vào lối sống xa hoa, cách biệt với nhân dân, góp phần củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Chấn chỉnh tình trạng ăn uống lãng phí, đổi mới quan niệm hiếu khách

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để những cảnh báo của Đảng ta thực sự có sức răn đe, ngăn ngừa, phòng, chống và đẩy lùi được tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên ăn uống xa hoa, tiếp khách lãng phí từng gây nhiều bức xúc cho xã hội?

Để giải quyết vấn đề này, theo PGS, TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng, Trưởng Bộ phận chuyên trách giúp việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (Ban Tuyên giáo Trung ương), ngoài việc đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức để từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, nếp sống theo hướng văn minh, lành mạnh cho cán bộ, đảng viên, nhất là đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ chốt các cấp; cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, nhân dân và các cơ quan báo chí, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những trường hợp lợi dụng việc lên chức, lên quyền để tổ chức gặp mặt ăn khao, chúc mừng với động cơ vụ lợi, hay lợi dụng hội họp, tiếp khách để tổ chức ăn uống rình rang, lãng phí.

 

Bài 3: Lành mạnh hóa lối sống để phòng, chống nguy cơ tha hóa nhân cách (Tiếp theo và hết)
Ngày càng nhiều bạn trẻ lạm dụng rượu bia. Ảnh: tuoitre.com.vn 

 

Bên cạnh đó, đã đến lúc phải có chế tài cần thiết để hạn chế cán bộ, công chức uống rượu bia nhằm góp phần siết chặt kỷ cương phép nước và đạo đức công vụ. Về vấn đề này, tại buổi thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức vào cuối tháng 4-2017, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề xuất trong dự thảo luật này cần có điều khoản nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng rượu, bia trong thời gian làm việc, nghỉ giữa giờ, giữa các ca. “Điều này sẽ góp phần hạn chế tỷ lệ người dân sử dụng rượu, bia, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động uống rượu, bia trong thời gian làm việc, từ đó hạn chế tình trạng say rượu, bia, giữ hình ảnh cán bộ, công chức trong con mắt nhân dân”. Sau khi nhấn mạnh như vậy, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra cảnh báo: Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3% đến 12% GDP quốc gia. Trong khi đó chi phí gián tiếp để giải quyết hậu quả thường cao hơn chi phí trực tiếp. Ví dụ như ở Việt Nam năm 2012, nếu phí tổn do rượu, bia ở mức 1,3% GDP thì sẽ gây thiệt hại đến 60.000 tỷ đồng. Nhưng trong thời gian đó, đóng góp cho ngân sách Nhà nước của ngành sản xuất rượu, bia, nước giải khát ở nước ta lại chỉ có 19.000 tỷ đồng.

Từ góc nhìn của cơ quan chức năng, ông Vũ Đức Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi Kho bạc Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định của Điều 25 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước phải có trách nhiệm triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc tiếp khách. Muốn vậy, phải ngăn ngừa cho được tình trạng một số cơ quan lợi dụng việc tiếp khách để bòn rút ngân sách, tức là tranh thủ các đợt tiếp tân, tiếp khách để dễ bề “hợp lý hóa, hợp pháp hóa” các khoản chi tiêu sai nguyên tắc. Cùng với đó, các cơ quan chức năng như Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra, Kho bạc Nhà nước cần tăng cường rà soát, kiểm toán, kiểm tra, thanh tra các khoản chi tiêu ngân sách trong hoạt động lễ tân, tiếp khách, kiên quyết từ chối thanh toán các khoản chi bất hợp lý, sai mục đích.    

Lâu nay, một vấn đề khá tế nhị không phải ai cũng muốn nói ra, nhưng khiến dư luận rất băn khoăn, đó là việc tiếp tân, tiếp khách ở nhiều cấp, nhiều nơi còn biểu hiện phô trương, lãng phí. Căn nguyên sâu xa là do tâm lý người Việt vẫn trọng hình thức, coi việc tiếp khách “mâm cao cỗ đầy” hậu hĩnh là thể hiện sự “hiếu khách”, làm “vui lòng quan khách cấp trên”. Để hạn chế tình trạng này, theo ông Nguyễn Quang Dung, Vụ trưởng Vụ Đảng viên (Ban Tổ chức Trung ương), một mặt, phải đổi mới quan niệm hiếu khách theo hướng đón tiếp nhẹ nhàng, giản dị, bớt rườm rà mà vẫn thể hiện phép lịch sự, đúng nghi lễ và tránh được sự phiền hà cho những người tổ chức đón tiếp khách và cấp dưới; mặt khác, cần giảm tối đa tần suất, mật độ, số lượng các đoàn cấp trên đi kiểm tra cấp dưới, cơ sở và các đoàn đi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các địa phương. Nếu có tổ chức ăn uống, tiếp khách thì cũng phải tổ chức thật sự lành mạnh, tiết kiệm, thực hiện đúng Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Thức tỉnh lương tâm, nâng tầm trách nhiệm cán bộ, đảng viên

Sinh thời, Bác Hồ coi đức tính giản dị là chân lý của cuộc sống. Vì lối sống giản dị luôn đi liền với đức tính cần, kiệm. Còn lối sống xa hoa bao giờ cũng sinh ra lãng phí, thậm chí dẫn tới tham ô, hối lộ. Thế nên, để đi theo cách mạng, muốn làm cách mạng, thì cán bộ, đảng viên nhất thiết phải có tư cách đạo đức cách mạng, “ít lòng ham muốn về vật chất” như Bác Hồ từng chỉ rõ trong tác phẩm “Đường cách mệnh” mà Người đã viết từ năm 1927, cách nay tròn 90 năm.

Có thể nói rằng, việc Đảng ta nghiêm cấm cán bộ, đảng viên tổ chức ăn uống, tiếp khách xa hoa, lãng phí, cũng chính là trở lại với những lời giáo huấn sâu sắc của Bác Hồ cách đây 70 năm. Tháng 3-1947, sau khi viết cuốn sách “Đời sống mới” và phát động toàn dân thực hành đời sống mới, Bác đã căn dặn cán bộ: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước... Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã... Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”. Nửa năm sau, trong cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” viết tháng 10-1947, khi nhắc tới 15 bệnh liên quan đến chủ nghĩa cá nhân mà cán bộ dễ mắc phải, bệnh tham lam được Bác đặt ở vị trí đầu tiên. Một trong những biểu hiện nổi cộm của bệnh tham lam đã được Bác cảnh báo: “Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”.

Xuất phát từ quan niệm: “Ở đời ai cũng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì không nên”, cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh thủy chung với nếp sống giản dị, mực thước, tránh xa mọi sự xa hoa, lãng phí, phù phiếm, bởi như Bác từng khẳng định: Từ chủ tịch nước đến người nấu cơm, quét rác đều là công bộc của dân. Mà đã là công bộc của dân thì phải biết lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Dù ở vị trí “ngôi cao, chức trọng” nhất đất nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không tự cho mình sống trong sự trọng vọng, chiều chuộng, ưu ái của mọi người, bởi điều đó khác xa phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” vốn có ở Người; và có lẽ hơn ai hơn hết, Bác Hồ hiểu rằng, làm cách mạng mà sống xa cách dân, sống hưởng thụ cao hơn dân trong khi nhân dân còn lam lũ, đất nước còn khó khăn, là rất trái với bản chất, tư cách đạo đức và lương tâm của người cộng sản.

Nhắc lại tấm gương sống liêm khiết, giản dị của Bác Hồ, chúng ta không khỏi không suy ngẫm khi GS, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, một trong những nhân cách lớn trong thời đại Hồ Chí Minh từng đặt ra hai câu hỏi: “Nếu như Bác còn sống tới hôm nay, Bác sẽ nghĩ như thế nào về những ông quan cách mạng mới, về những người vẫn tự nhận là đầy tớ của nhân dân, nhưng đã có cuộc sống xa hoa gấp trăm ngàn lần cuộc sống của người dân bình thường?; Khi con người chỉ còn biết có cá nhân mình, chỉ ngày đêm chăm lo cho sự giàu có của bản thân và gia đình, tìm mọi cách để ăn ngon, mặc đẹp, thỏa mãn những thú vui vật chất thì làm sao còn rung động được trước những cảnh nghèo đói, đau khổ của người khác?”.

Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 825.000 thương binh, bệnh binh. Đó là chưa kể hơn 312.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Chiến tranh đã lùi xa hơn 42 năm, dù Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã có nhiều cố gắng trong công tác “đền ơn đáp nghĩa”, nhưng đến nay, cuộc sống của nhiều gia đình liệt sĩ, thương binh, đặc biệt là các gia đình có 3 thế hệ bị ảnh hưởng do nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 12-2016, cả nước có hơn 2,31 triệu hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 9,79% so với tổng số hộ dân cư trong cả nước) và hơn 1,24 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỉ lệ 5,27%). Như vậy, tính trung bình, cứ 100 hộ gia đình thì có tới 15 hộ nghèo và cận nghèo.

Nhắc lại con số này để thấy, tuy đã thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển, nhưng nước ta hiện vẫn có tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao. Hầu hết số gia đình này đang phải chắt chiu, tiết kiệm trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, đồng thời phải bươn chải mưu sinh rất vất vả, nhọc nhằn để lo từng đồng tiền, bát gạo cho con em mình có miếng cơm, manh áo đến trường. Trong hoàn cảnh nhiều người dân còn muôn vàn khó khăn như vậy, thì một bộ phận cán bộ vẫn ung dung hưởng thụ một cuộc sống xa hoa, lãng phí, là điều không chỉ xa lạ với tư cách của người cộng sản chân chính, mà cũng không phù hợp với truyền thống đạo đức cần, kiệm của ông cha ta.

Vậy nên, chấp hành nghiêm kỷ luật thời gian làm việc hành chính, tận dụng tối đa “tám giờ vàng ngọc” để làm việc cho dân, cho nước, cũng như triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức ăn uống, liên hoan, đón tiếp khách, tránh nhậu nhẹt bê tha, không chỉ góp phần xây dựng văn minh công sở, mà còn góp phần bồi đắp, rèn luyện nếp sống lành mạnh, giản dị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, qua đó xây dựng hình ảnh đẹp về người cán bộ, đảng viên trong lòng nhân dân.

 
GS, TS Trần Văn Bính, nguyên Trưởng khoa Văn hóa XHCN, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:
Nhiều nước giàu có nhưng họ luôn có ý thức tiết kiệm trong sử dụng ngân sách và trong chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. Vì đối với họ, tiết kiệm là một giá trị văn hóa góp phần làm cho xã hội văn minh. Một số nước như Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… khi tổ chức ăn uống, tiếp khách bảo đảm lịch sự mà vẫn tiết kiệm, không lãng phí. Trong khi nước ta nghèo hơn các nước đó, thì càng phải ăn uống, tiếp khách có chuẩn mực hơn. Đối với cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước, việc tiết giảm các khoản chi tiêu ăn uống, tiếp khách là một việc làm rất cần thiết hiện nay, qua đó nhằm vừa giữ gìn văn hóa công sở, vừa góp phần xây dựng nếp sống lành mạnh, văn minh để lan tỏa ra ngoài xã hội.


Từ năm 1947, nhằm cảnh tỉnh hiện tượng một số cán bộ lơ là, lười biếng khi làm việc tại các cơ quan công sở, Bác Hồ đã nói: “Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”. Bác cũng nhấn mạnh: “Một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, 69 năm sau, tháng 7-2016, khi nhậm chức và tuyên thệ trước quốc dân đồng bào, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở các cơ quan, đơn vị và những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước “phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân”.

Theo qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website