Cải tiến “rồng lửa” - trí tuệ Việt Nam:
Kỳ 1: Hành trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ
Với việc kết hợp cùng các chuyên gia Belarus cải tiến thành công Tổ hợp tên lửa Phòng không C-125M1A thành Tổ hợp TLPK C-125-2TM, Bộ đội Tên lửa Việt Nam đã khẳng định được bản lĩnh và trí tuệ khi góp phần nâng cao được một số tính năng chiến thuật, kỹ thuật cơ bản của khí tài như mở rộng vùng tiêu diệt, tăng khả năng cơ động, khả năng chống nhiễu... Cùng thành công của Dự án, bài học kinh nghiệm về chấp hành kỷ luật công nghệ đã trở thành cẩm nang song hành cùng mỗi cán bộ, nhân viên kỹ thuật trong hành trình làm chủ khí tài cải tiến và khí tài mới.
Kỳ 2: Nội địa hóa “rồng lửa”
Kỳ cuối: Bài học về kỷ luật công nghệ
Vừa qua, chúng tôi thực hiện hành trình về Nhà máy A31, nơi mà cán bộ, công nhân trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp nhận chuyển giao công nghệ cải tiến “rồng lửa” từ các chuyên gia Belarus. Thay đổi dễ nhận thấy nhất ở Nhà máy sau thực hiện Dự án, là cơ ngơi khang trang hơn và mặt bằng công nghệ thì được cải thiện rõ rệt. Đón chúng tôi cùng các cán bộ, trợ lý Phòng Kỹ thuật, quản đốc, phó quản đốc các phân xưởng và những công nhân gạo cội, Trung tá Phạm Đức Giang - Phó Giám đốc Nhà máy bắt đầu câu chuyện, với những xúc cảm vẫn còn nguyên như khi mới bắt tay thực hiện công việc đầy mới mẻ này vào tháng 12 năm 2009. Anh cho biết, trước khi bắt tay thực hiện Dự án, cán bộ, công nhân Nhà máy đã phải nỗ lực hết mình với việc sửa chữa, đồng bộ khí tài. Đòi hỏi chất lượng sửa chữa trước cải tiến rất cao, đặc biệt là hệ thống cơ khí và hệ thống làm kín các tủ, khối, trong khi các bộ khí tài vào Nhà máy cải tiến đã qua nhiều năm khai thác sử dụng, xuống cấp, hư hỏng, các hệ thống cơ khí rơ rão, hệ thống cáp, gioăng đệm cao su, phớt chắn dầu bị lão hóa; nhiều đầu ỉ, đầu ử bị vỡ phần phíp cách điện, độ tiếp xúc của các chân kém… Thái độ ngạc nhiên và đánh giá rất cao của các chuyên gia về chất lượng cũng như duy trì kỷ luật công nghệ trong các công đoạn sửa chữa khi kiểm tra chất lượng sửa chữa trước cải tiến là thành công lớn đầu tiên của Nhà máy, của ngành Kỹ thuật trước khi bước vào cải tiến.
Thực hiện lắp đặt khối máy trên Đài điều khiển tại Nhà máy A31 (Cục Kỹ thuật).
Như một sự tuần hoàn của lịch sử chiến thắng trận đầu của Bộ đội Tên lửa 50 năm trước, quá trình cải tiến “rồng lửa” của cán bộ, công nhân Nhà máy đã được lặp lại theo quy trình: bạn làm, ta quan sát; ta và bạn cùng làm, rồi ta làm, bạn giám sát kỹ thuật.
Nhớ lại những ngày đầu tiếp nhận công nghệ, Trung tá Đinh Văn Nhượng - Phó Quản đốc Phân xưởng 2, phân xưởng bệ phóng kể, nói là bạn làm, ta quan sát, nhưng ngay cả với việc quan sát thì cũng đầy khó khăn. Quá trình cải tiến là quá trình thực hiện dựa trên nền tảng công nghệ hoàn toàn mới: xử lý số tín hiệu, vi mạch hóa, chương trình hóa. Thêm vào đó, là sự bất đồng về ngôn ngữ… Chính vì vậy, dù con người được lựa chọn thực hiện dự án đều là những cán bộ, công nhân có năng lực và kinh nghiệm; ngay ở tổ hợp đầu, ta cũng đã chủ động tham gia một số công việc song vẫn không tránh khỏi bỡ ngỡ với tổ hợp đầu khiến các chuyên gia bạn không khỏi băn khoăn.
Ngày bắn nghiệm thu tính năng kỹ - chiến thuật khí tài cải tiến bộ thứ nhất và lô đạn tên lửa phòng không 5B27 đầu tiên sau sửa chữa, khôi phục và tăng hạn sử dụng là một ngày đặc biệt. Tại trường bắn TB-1, kết quả 6/6 lần bắn, với các bài bắn kiểm tra tính năng khác nhau, tên lửa đều bám sát ổn định có điều khiển và tiêu diệt mục tiêu.
Đến bộ thứ 2, ta và bạn cùng làm. Đại úy Hoàng Văn Cảnh - Phó Quản đốc Phân xưởng Đài điều khiển chia sẻ, tiếng là cùng làm nhưng thực chất, già nửa công việc do ta đảm nhiệm. Song song với quá trình cải tiến của Nhà máy A31, lực lượng cán bộ Phòng Tên lửa cũng vừa trực tiếp tham gia các công đoạn lắp ráp, cải tiến vừa đọc, dịch bộ tài liệu quy trình công nghệ tháo dỡ, lắp ráp, cải tiến do CH Belarus cung cấp, kết hợp giữa lý thuyết với thực hành để xây dựng bộ quy trình công nghệ. Lúc này, trong con mắt của các chuyên gia Belarus, cán bộ và công nhân của Nhà máy và của Ngành Tên lửa đã được nhìn nhận và đánh giá như các chuyên gia.
Tổ hợp thứ hai hoàn thành, cũng là lúc các chuyên gia Belarus đủ tin tưởng để đưa ra kết luận, lực lượng kỹ thuật Quân chủng PK-KQ và công nhân Nhà máy A31 có thể tự cải tiến được tổ hợp và sửa chữa, khôi phục tăng hạn đạn tên lửa. Đại úy Bùi Thế Mạnh - Trợ lý Kỹ thuật Nhà máy cho biết, khi tiến hành cải tiến Tổ hợp đầu tiên, trong số hơn chục chuyên gia có mặt ở Việt Nam, có 3 chuyên gia hàng đầu làm ở phòng KCS. Đến các bộ sau, những chuyên gia giỏi rút dần. Đồng nghĩa với đó, niềm tin của họ với cán bộ, công nhân Việt Nam cũng tăng lên.
Niềm vui, trách nhiệm và sự tự tin của cán bộ, công nhân Việt Nam được đánh dấu khi chúng ta được chủ động tự thực hiện lắp ráp, cải tiến, thông điện và hiệu chỉnh cục bộ tổ hợp thứ 3, dưới sự giám sát, tư vấn kỹ thuật của các chuyên gia Belarus. Trung tá Giang Chí Ninh - Tổ trưởng Tổ hiệu chỉnh khí tài Petrora, Phân xưởng Đài điều khiển nói với chúng tôi, lúc này, các anh đã tự tin làm chủ công nghệ bạn chuyển giao. Sự bất đồng về ngôn ngữ đã không còn là rào cản. Các chuyên gia Belarus và những cán bộ, công nhân kỹ thuật của hai quốc gia đã hiểu nhau bằng chính ngôn ngữ của những người làm công tác kỹ thuật. Đó là cơ sở vững chắc để chúng ta chủ động, sáng tạo, tiếp tục cải tiến những tổ hợp tên lửa tiếp theo…
Là người trực tiếp chỉ đạo và theo dõi việc thực hiện Dự án cải tiến Tổ hợp TLPK C-125M1A thành C-125-2TM, Trung tá Cao Anh Hùng - Trợ lý Phòng Tên lửa cho biết, đó là quá trình cán bộ phòng Tên lửa và cán bộ, công nhân Nhà máy từng bước khẳng định mình và nâng cao thương hiệu. Đại tá Trương Xuân Bách - Giám đốc Nhà máy A31 cũng đặc biệt tâm đắc với nhiệm vụ. Anh bảo, với mỗi tổ hợp, Nhà máy đều có kế hoạch chi tiết trong mối tương quan với kế hoạch tổng thể. Từ công tác tổ chức lực lượng, công tác điều hành sản xuất đến công tác chỉ đạo kỹ thuật đều được chú trọng. Điều đáng nói là trong quá trình cải tiến, chúng ta đã nghiên cứu, đề xuất với bạn một số điều chỉnh để nâng cao chất lượng Tổ hợp TLPK C-125-2TM cho phù hợp với điều kiện khai thác, sử dụng ở Việt Nam.
HỒNG LINH
>>> Kỳ 2: Nội địa hóa “rồng lửa”