Sư đoàn 372 nâng cao kỹ năng nhảy dù cho các lực lượng
Cùng với việc nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay, thời gian qua Sư đoàn 372 luôn chú trọng nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật nhảy dù cho phi công, tổ bay, nhân viên dù tìm kiếm cứu nạn và lực lượng đặc biệt của các đơn vị trên địa bàn.
Các phi công, thành viên tổ bay, nhân viên dù tìm kiếm cứu nạn luyện tập các động tác trước khi thực hành nhảy dù.Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi được tham quan buổi huấn luyện nhảy dù của Sư đoàn 372 tại Sân bay Chu Lai. Mặc dù trời chưa sáng, song các lực lượng đã tập trung đầy đủ để kiểm tra sức khỏe, trang thiết bị; khởi động, ôn luyện động tác; mang dù, giúp nhau thắt, chỉnh các dây đai…
Đúng 6 giờ sáng, sau khi có lệnh từ đài chỉ huy, từng tốp phi công, thành viên tổ bay và nhân viên dù tìm kiếm cứu nạn lần lượt lên Trực thăng Mi-171 thực hiện nhiệm vụ. Sau 5 phút máy bay cất cánh, trên nền trời xanh, từ trực thăng bung ra các chấm trắng, chấm hồng bằng cúc áo, sau to dần như những bông hoa khổng lồ bồng bềnh trên không trung. Dưới sự hướng dẫn của chỉ huy mặt đất, chỉ trong vài phút các nhân viên dù đã khéo léo lái dù về khu vực tâm, tiếp đất an toàn trong niềm hân hoan của chỉ huy các cấp và các thành phần bảo đảm.
Gặp Đại tá Hoàng Văn Chiến - Phó Chính ủy Sư đoàn 372 trên đài chỉ huy bay, anh cho biết: “Tham gia huấn luyện nhảy dù có phi công, thành viên tổ bay, chủ nhiệm, trợ lý, nhân viên dù tìm kiếm cứu nạn của Sư đoàn 372 và các đơn vị bạn. Đây là lực lượng đã được đào tạo cơ bản của các đơn vị, hằng năm tổ chức các đợt luyện tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Học viên phải đủ điều kiện sức khỏe, được huấn luyện lý thuyết và thực hành thuần thục ở mặt đất như: Động tác rời khỏi máy bay; kỹ thuật, thời cơ giật khóa dù; cách điều khiển dù; tiếp đất và phương pháp xử lý các tình huống trên không, mặt đất… kết quả kiểm tra đạt khá, giỏi mới được tham gia”.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, nhảy dù là một khoa mục huấn luyện đòi hỏi có sự chuẩn bị công phu và tỉ mỉ từ con người đến phương tiện. Trước khi nhảy, học viên phải trực tiếp tham gia chuẩn bị dù của mình ngay từ ngày hôm trước dưới sự hướng dẫn, kiểm tra chặt chẽ của đội ngũ giáo viên. Trước giờ nhảy, các học viên tiếp tục làm công tác chuẩn bị mọi mặt. Nhảy dù huấn luyện thường ở độ cao so với mặt đất từ 800 đến 1.400m, tốc độ rơi là 50m/s. Học viên chỉ được huấn luyện, truyền đạt kinh nghiệm từ mặt đất, còn khi ở trên không phải hoàn toàn độc lập về tư duy và thực hành động tác. Khi ở trên không, học viên phải hết sức linh hoạt, động tác chính xác từ rơi tự do, lựa chọn thời cơ giật dù, quan sát, điều khiển dù, tiếp đất để xử trí các tình huống như: va chạm trên không, dù cuốn vào chân, dây dù vắt vòng số 8; tránh các chướng ngại vật mặt đất; chống dù lôi kéo khi tiếp đất có gió to…
Trung tá Hà Văn Nhân - Chủ nhiệm Dù, Sư đoàn 372 chia sẻ: “Đối với học viên mới thường huấn luyện loại dù đơn giản như Đ-6, Đ-10, PTL-72, còn với đội ngũ giáo viên, những người nhảy dù có kinh nghiệm thì huấn luyện loại hiện đại như UT-15, PO-16... Đối với phi công, thành viên tổ bay hoặc những nhân viên dù, câu lạc bộ dù nhảy ở độ cao 800m, khi rơi tự do 3 giây hay 5 giây thì ta cầm vào vòng tay kéo của dù giật với động tác mạnh, dứt khoát. Đối với lực lượng giáo viên và lực lượng chuyên trách nhảy ở độ cao 1200 đến 1400m thì thời cơ giật dù sau khi rời cửa máy bay là khoảng 10 giây, động tác mở dù tốt nhất người chúc xuống 45 độ. Trong quá trình rơi trên không, người nhảy phải bình tĩnh quan sát, sử dụng các dây dù hợp lý để điều khiển, lái dù đến đúng vị trí quy định…”.
Trung úy QNCN Nguyễn Phan Chí Đạt - Trợ lý Dù, Trung đoàn 929 trao đổi kinh nghiệm: “Khi tiếp đất phải thực hiện đúng động tác hoãn xung và kéo dây thu dù để tránh chấn thương. Nếu gió mặt đất mạnh thì chúng tôi phải đứng dậy ngay, nhanh chóng chạy ngay theo chiều gió, hướng gió để tránh bị lôi hay kéo theo. Trường hợp không kịp đứng dậy thì nằm úp xuống, 2 tay nắm các dây dù phía dưới kéo về phía mình để làm mất tác dụng của dù…”
Những năm qua, Sư đoàn 372 thường xuyên tổ chức huấn luyện, nâng cao trình độ nhảy dù cho phi công, nhân viên tổ bay, nhân viên dù và các lực lượng trinh sát, đặc nhiệm, đặc công... Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Sư đoàn tổ chức tốt các đợt tập huấn, huấn luyện mặt đất trước các đợt nhảy dù. Các lực lượng làm công tác chuẩn bị như: Trực thăng, chỉ huy điều hành bay, lực lượng, phương tiện phục vụ đến rèn luyện thể lực, sức khỏe, bồi dưỡng nghiệp vụ cho từng cá nhân. Sau mỗi đợt huấn luyện, tổ chức việc giảng bình, rút kinh nghiệm. Năm 2022, Sư đoàn đã tổ chức cho hơn 1.200 lượt nhảy dù, nhảy cóc, tụt dây chuyên dụng với nhiều bài tập khác nhau cho các lực lượng, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Huấn luyện nhảy dù của Sư đoàn 372 đã góp phần nâng cao trình độ khả năng phối hợp hiệp đồng SSCĐ, cơ động lực lượng , xử lý kịp thời các tình huống tác chiến và bất trắc trên không, mặt đất, đáp ứng yêu cầu tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; giữ gìn anh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bài, ảnh: LÊ HỮU