22 giờ:12 phút Thứ hai, ngày 5 tháng 6 , 2017

Xây dựng nếp sống lành mạnh, giản dị cho cán bộ, đảng viên:

Bài 2: Thiếu gương mẫu rèn luyện, vi phạm kỷ luật Đảng và đạo đức công vụ

Tại sao những năm gần đây, tình trạng ăn uống nhậu nhẹt, chè chén xa hoa, lãng phí "lây lan" ra nhiều cơ quan, tổ chức và làm nảy sinh thêm nhiều thói hư, tật xấu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên?

Tàn dư của lề thói “ăn khao”, “trả nợ miệng”

Thời xa xưa, ông cha ta gặp nhau thường mời nhau chén nước, miếng trầu để cho cuộc trò chuyện được khởi đầu suôn sẻ, vui vẻ. Từ mỹ tục này, hiện nay không ít người đã dần biến thành "hủ tục" gặp gỡ là đàn đúm, kéo nhau ra quán xá, nhà hàng để nhậu nhẹt, “zô... zô…” ồn ĩ!

Theo thống kê của Hiệp hội Máy móc chế biến thực phẩm và đóng gói (VDMA), trong năm 2016, nước ta đã tiêu thụ 3,918 tỷ lít đồ uống có cồn (3,822 tỷ lít bia và 41 triệu lít rượu), xếp thứ 16 trên thế giới về mức độ tiêu thụ đồ uống có cồn.

Còn theo số liệu công bố đầu năm 2016 của Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), thông qua khảo sát điều tra về đối tượng sử dụng rượu, bia tại 4 địa phương là Hà Nội, Đà Nẵng, Lào Cai và Long An, có 3 nhóm uống rượu, bia nhiều nhất là: Cán bộ, công chức (hơn 38%), đối với cán bộ, công chức ở Hà Nội là hơn 48%; tiếp đến là người lao động tự do (38%); thanh niên (25%).

 

Bài 2: Thiếu gương mẫu rèn luyện, vi phạm kỷ luật Đảng và đạo đức công vụ
 Ảnh minh họa/nguồn internet.
Vì sao cán bộ, công chức lại là đối tượng sử dụng nhiều rượu, bia nhất? Theo lý giải của ông Hà Hữu Đức, Phó vụ trưởng Vụ Nghiên cứu (Ủy ban Kiểm tra Trung ương), nguyên nhân sâu xa là do kinh tế phát triển, đời sống vật chất dư dả, từ đó sinh ra tâm lý “phú quý sinh lễ nghĩa”. Có muôn vàn lý do người ta mời nhau ra quán xá, nhà hàng để tiệc tùng, nhậu nhẹt. Đối với nhiều cán bộ, công chức, khi được đề bạt, bổ nhiệm, tăng bậc lương, thăng hạng chuyên viên, luân chuyển, thuyên chuyển công tác… là “thời cơ vàng” để mời mọc, cảm ơn, tri ân chiến hữu, bạn bè, đồng nghiệp, cấp dưới. Đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị, sau mỗi kỳ cuộc liên hoan, gặp mặt, hội nghị, đại hội, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng, hội họp… cũng là dịp thuận lợi để tổ chức liên hoan, có nơi tuy được khoác dưới cái “vỏ bọc” là giao lưu vui vẻ, nhưng thực chất là ăn uống đình đám, nhậu nhẹt rình rang, lãng phí. Chuyện tân Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu đầu năm 2016 tổ chức giao lưu tiệc tùng ồn ào nhân dịp được thăng chức đã lan truyền trên mạng từng bị lãnh đạo tỉnh Nghệ An phê bình, là một ví dụ.

 

Ở một khía cạnh khác, theo GS, TS Trần Văn Bính, nguyên Trưởng khoa Văn hóa XHCN (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cũng do các mối quan hệ xã hội nở rộ, có nhiều chuyện không muốn nói ra ở công sở thì cán bộ, công chức kéo nhau ra quán xá để vừa tự thưởng bản thân bằng những “chén chú, chén anh”, vừa dễ bề bàn chuyện nọ, chuyện kia trong lúc “trà dư tửu hậu”. Mặt khác, tâm lý “ăn khao”, “trả nợ miệng” lẫn nhau sau khi được thăng chức, thăng quyền… chính là tàn dư từ thời phong kiến và tư tưởng tiểu nông còn tồn tại dai dẳng trong người Việt nói chung, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên nói riêng.

Ông Nguyễn Quang Dung, Vụ trưởng Vụ Đảng viên (Ban Tổ chức Trung ương) cho rằng, việc một số cơ quan, tổ chức không duy trì nghiêm túc các chế độ quản lý con người, quản lý giờ giấc làm việc hành chính và không chú trọng xây dựng nền nếp kỷ cương, đạo đức công vụ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là những người ít việc, rỗi việc thường sa đà vào ăn uống, nhậu nhẹt, vi phạm kỷ luật công vụ.

Nhưng nguyên nhân căn bản là do cán bộ thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, có “tâm hồn ăn uống” quá mức cần thiết, tự buông lỏng bản thân vào những cuộc tiệc tùng lãng phí, chè chén xa hoa.

Không biết “liệu cơm gắp mắm”, tự “bêu gương” trong nhân dân

Trong khi phần đông nhân dân, người lao động hằng ngày phải vất vả mưu sinh, lo toan gánh nặng cơm áo gạo tiền thì việc nhiều cơ quan, cán bộ tổ chức các cuộc ăn uống, tiệc tùng, liên hoan là biểu hiện vô tâm, phản cảm.

Còn nhớ đầu tháng 10-2011, mặc dù huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) đang bị ngập lụt hoành hành, nhưng Phó chủ tịch UBND huyện Phạm Xuân Cảnh vẫn đi uống rượu sau khi đi chống bão lụt về. Vụ việc khiến Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh lúc đó là ông Nguyễn Thanh Bình đã thẳng thắn phê bình: Tuy trường hợp này không rơi vào giờ làm việc tại công sở, nhưng đây là hành vi vô cảm bởi cảnh lụt lội đang gây khó khăn chồng chất cho người dân mà cán bộ vẫn ngồi uống rượu là không phải đạo!

Vào đầu tháng 11-2016, dư luận từng xôn xao về việc UBND thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã phân công, điều động một số nữ giáo viên đi đón tiếp, uống rượu, bia với các đại biểu khách của UBND thị xã tại một nhà hàng trên địa bàn. Việc làm này khiến các cô giáo không hài lòng, thậm chí có người cảm thấy bị xúc phạm. Nhận định về vụ việc, khi đăng đàn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV ngày 16-11-2016, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam coi việc điều động này là không phù hợp với vị thế xã hội của các cô giáo, gây dư luận phản cảm nên cần phải cảnh tỉnh nghiêm khắc, chấn chỉnh kịp thời.

Từ các câu chuyện trên cho thấy, chuyện ăn uống tưởng như chỉ liên quan đến những người trong cuộc, nhưng một khi nó bị biến tướng thành những cuộc liên hoan đình đám, những cuộc vui quá đà, những bữa “chè chén” xa hoa lại là điều không thể xem thường.

Những cán bộ sa đà vào các cuộc “chén anh, chén chú” như thế, theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cán bộ không những tự “bêu gương” xấu trong nhân dân, mà còn tác động tiêu cực đến việc xây dựng nếp sống văn hóa tốt đẹp, lành mạnh trong xã hội. Ông Nguyễn Túc phân tích: Trong thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc, hầu hết cán bộ, đảng viên đã thu phục được quần chúng, lôi cuốn được quần chúng đi theo cách mạng bởi cán bộ, đảng viên luôn biết chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ với quần chúng. Trong thời bình xây dựng đất nước, dù Đảng, Nhà nước không yêu cầu cán bộ kham khổ như xưa, nhưng phải đề cao ý thức, trách nhiệm nêu gương về đạo đức, lối sống lành mạnh trước nhân dân. Vì thời nào cũng vậy, người dân, cấp dưới vẫn thường nhìn vào cán bộ lãnh đạo để học tập, noi gương. Nếu cán bộ có tư cách tốt, lối sống liêm khiết, giản dị sẽ tác động tích cực đến niềm tin, tình cảm của cấp dưới, từ đó cũng góp phần lôi cuốn nhân viên, người lao động hưởng ứng tham gia phong trào xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh trong cơ quan, đơn vị. Ngược lại, nếu cán bộ có lối sống xa hoa, thiếu gương mẫu thì không những không lãnh đạo, chỉ bảo, giáo dục được nhân viên và cấp dưới mà còn vô hình trung cổ vũ cho lối sống thực dụng, ích kỷ, lãng phí, tác động rất xấu đến niềm tin của giới trẻ. Hệ lụy kéo theo mà họ gây ra là làm đảo lộn các chuẩn mực giá trị đạo đức xã hội, làm cho lòng tin của dân vào Đảng và chế độ bị xói mòn nghiêm trọng.

Tìm hiểu được biết, trong một cuộc khảo sát điều tra gần đây của Viện Nghiên cứu dư luận (Ban Tuyên giáo Trung ương), một trong 4 vấn đề chủ yếu liên quan đến cán bộ, đảng viên chưa được đa số nhân dân ghi nhận, đó là cán bộ, đảng viên chưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sự lãng phí này có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân không nhỏ là do một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa tự giác thực hiện nếp sống lành mạnh, tiết kiệm, giản dị; còn tiêu xài lãng phí vào những cuộc liên hoan, ăn uống, nhậu nhẹt xa hoa.

--------------

(còn nữa)

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lịch sử Đảng:
Một số cán bộ từng có những năm tháng rèn luyện chỉn chu, có nếp sống giản dị, tiết kiệm, nhưng sau khi được thăng quan tiến chức luôn được cấp dưới, doanh nghiệp, đối tác mời ra các nhà hàng sang trọng ăn uống, giao lưu. Ngày này qua ngày khác, nếu cán bộ cứ tự mình dễ dãi tham dự những buổi tiệc tùng như vậy vừa dễ bị người khác lợi dụng, mua chuộc, vừa dễ sa ngã vào lối sống buông thả, không làm chủ được bản thân. Từ đó không giữ được tư cách, hình ảnh của người cán bộ. Lối sống trên dân, xa dân cũng từ đó dần “lớn lên” trong con người cán bộ và đây chính là mầm mống của căn bệnh quan liêu, vô cảm với dân.

Ông Nguyễn Minh Thủy, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương:
Có những địa phương thuộc diện nghèo, hằng năm phải xin Trung ương “cứu đói” cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vào những tháng giáp hạt, nhưng một số cơ quan, ban, ngành ở tỉnh, huyện, xã vẫn chưa biết “liệu cơm gắp mắm”, chi tiêu đón tiếp khách, ăn uống vượt mức tiêu chuẩn, gây lãng phí. Nếu không ngăn chặn được tình trạng “Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra” sẽ vô hình trung tạo thêm hố sâu ngăn cách về sự bất công xã hội-một điều hoàn toàn trái với bản chất ưu việt của chế độ XHCN và đi ngược lại mục tiêu xây dựng xã hội công bằng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang thực hiện.

 

 

Theo qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website