13 giờ:32 phút Thứ sáu, ngày 21 tháng 7 , 2017

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục chính trị trong Quân chủng PK-KQ thời kỳ mới

Giáo dục chính trị (GDCT) là một bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận của Đảng; là một nội dung không thể thiếu của công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong Quân đội nhằm nâng cao nhận thức chính trị và xây dựng bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống cho mọi quân nhân, bảo đảm cho Quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong các tình huống. Làm gì để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục chính trị trong Quân chủng trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao mà Đảng, Quân đội giao cho Bộ đội Phòng không-Không quân (PK-KQ)? Câu hỏi này đã được Đại tá Phạm Đức Dũng - Trưởng Phòng Tuyên huấn Quân chủng giải đáp phần nào trong bài phỏng vấn dưới đây. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục chính trị trong Quân chủng PK-KQ thời kỳ mới
Đại tá Phạm Đức Dũng.

Phóng viên (PV): Được biết, trong những năm qua, công tác giáo dục chính trị trong Quân chủng PK-KQ đã đạt được những kết quả quan trọng; xin đồng chí khái quát những kết quả cơ bản của công tác này trong thời gian qua?

Đại tá Phạm Đức Dũng: Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng, trực tiếp là Cục Chính trị Quân chủng, các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong Quân chủng đã thực hiện nghiêm túc chương trình, nội dung GDCT cho các đối tượng. Các đơn vị thực hiện có nền nếp chế độ tập huấn, bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên kiêm chức và cán bộ tuyên huấn, nhằm nâng cao năng lực thực hành GDCT theo yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Nhờ đó, công tác GDCT đã đạt được những kết qủa quan trọng, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội và đơn vị; đồng thời, tích cực đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, thù địch mưu toan phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng...

 Kết quả đó đã góp phần tạo nên sự thống nhất tư tưởng và hành động, sự đoàn kết, nhất trí trong toàn Quân chủng; góp phần tích cực vào việc xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị, củng cố và tăng cường “trận địa tư tưởng” của Đảng, đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, mưu đồ “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch, bồi dưỡng và phát huy phẩm chất cao qúy “Bộ đội Cụ Hồ”, “Người chiến sĩ PK-KQ ưu tú” trong tình hình mới.

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục chính trị trong Quân chủng PK-KQ thời kỳ mới
Giờ thực hành của các học viên Học viện PK-KQ.
Ảnh: CTV

PV: Hiệu quả đã rõ, tuy nhiên ở một số nơi, công tác GDCT vẫn còn hạn chế, xin đồng chí nói rõ hơn về vấn đề này?

Đại tá Phạm Đức Dũng: Do chưa nhận thức thấu đáo vị trí, tầm quan trọng của công tác GDCT, nên cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy ở một số cơ quan, đơn vị, nhà trường, chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác này. Việc cập nhật, bổ sung kiến thức mới vào tuyên truyền, giảng dạy của đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị, báo cáo viên, giáo viên còn hạn chế, tính thuyết phục và tính chiến đấu chưa cao... Cùng với đó, cơ sở vật chất, phương tiện bảo đảm cho GDCT chưa được các cơ quan, đơn vị đầu tư đúng mức, việc phát huy hiệu quả của các vật tư, phương tiện, tài liệu cho công tác GDCT chưa đầy đủ... đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác này. Có thể nói rằng, việc chậm khắc phục những khâu yếu hiện nay của một bộ phận cán bộ, đảng viên về trình độ lý luận, sự nhạy bén chính trị, nhất là về phẩm chất, đạo đức, phong cách, lối sống trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường và các thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận của các thế lực thù địch... có một phần trách nhiệm của công tác GDCT trong các nhà trường, cơ quan và đơn vị. Nguyên nhân của tình hình trên là do việc quán triệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác GDCT của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy một số cơ quan, đơn vị chưa sâu sắc; chưa có các chủ trương, biện pháp tích cực nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, một số cơ quan, đơn vị, nhà trường chưa phát huy được vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ giảng dạy, quản lý và cơ quan tham mưu. Nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chậm được đổi mới; việc kiểm tra, đánh giá kết quả còn hình thức, chưa bảo đảm đúng thực chất... nên chưa động viên được tính tích cực, chủ động, sáng tạo cũng như ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và học viên…

PV: Theo đồng chí, để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, chúng ta cần làm gì?

Đại tá Phạm Đức Dũng: Để nâng cao chất lượng GDCT trong thời kỳ mới, trước hết, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy, nhất là ở đơn vị cơ sở phải nắm vững mục đích, ý nghĩa, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác GDCT. Tiếp đến, cần nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, cán bộ giảng dạy, quản lý và cơ quan tham mưu GDCT. Để nâng cao chất lượng công tác GDCT, hàng năm, chúng ta phải có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho họ; đồng thời, yêu cầu mỗi người phải luôn tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, lối sống, không ngừng hoàn thiện về nhân cách để làm gương cho bộ đội noi theo. Thứ ba, phải không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp GDCT. Nội dung GDCT cần phải chú ý đẩy mạnh việc tuyên truyền Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ QUTW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Cùng với đó, phải chủ động nghiên cứu, giải đáp những vướng mắc nảy sinh trong nhận thức tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ từ thực tiễn nhiệm vụ.

Một trong những yếu tố quan trọng nữa là phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành trong Quân chủng. Theo đó, mọi cán bộ, mọi tổ chức cần chủ động lồng ghép các yêu cầu GDCT vào các hoạt động nghiệp vụ theo chức trách, nhiệm vụ của mỗi người, theo chức năng của mỗi tổ chức; xem đó là biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, cần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu văn hóa, tinh thần của bộ đội; hoạt động của các thiết chế văn hóa ở các đơn vị Quân đội cần chủ động hướng vào xây dựng cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

             NGÔ TIẾN MẠNH (thực hiện)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website