Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (7-11-1917 / 7-11-2017):
Bài 3: Phong trào đấu tranh công-nông Nga trước thềm Cách mạng Tháng Mười
Với việc lãnh tụ V.I.Lenin về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa tại Nga và định hướng đấu tranh đúng đắn của Luận cương Tháng Tư, phong trào cách mạng tại Nga đã có những bước chuyển biến mới. Đảng Bonsevich quy tụ được đông đảo quần chúng nhân dân lao động để thành lập “đội quân chính trị” mạnh mẽ lật đổ giai cấp tư sản và tư tưởng thỏa hiệp của Đảng Mensevich và Xã hội cách mạng. Điều này thể hiện rõ trong các cuộc đấu tranh của giai cấp công nông Nga trước thềm Cách mạng Tháng Mười.
>>> Bài 2: Sự phản bội lý tưởng của những người Mensevich“Toàn bộ chính quyền về tay các Xô viết”Ngày 18-4-1917 theo lịch Julius của Nga (tức ngày 1-5 theo lịch thế giới), Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ lâm thời tư sản là Miluycov cam kết nước Nga sẽ thi hành các hiệp ước quốc tế mà Sa hoàng đã ký kết trước đây là tiếp tục tham gia Thế chiến thứ nhất chống lại phe trục do Đức đứng đầu. Công hàm trên Chính phủ lâm thời tư sản đã gây nên sự căm phẫn lớn trong quần chúng nhân dân và làm bùng nổ một làn sóng biểu tình của hơn 100.000 công nhân và binh lính ở Petrograd và nhiều thành phố trên toàn nước Nga. Làn sóng biểu tình quy mô lớn đã làm Chính phủ lâm thời tư sản lâm vào khủng hoảng. Để xoa dịu nhân dân, Chính phủ lâm thời tư sản đã buộc phải yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Miluycov và Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Gusovcov từ chức. Cùng với đó, nội các chính phủ lâm thời tư sản cũng được cải tổ với sự tham gia của 4 đại biểu Mensevich và Xã hội cách mạng cùng 10 đại biểu Đảng Cadev và Tháng Mười vào trong bộ máy.
Cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra trong tháng 4-1917 đã chứng tỏ lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Chính phủ lâm thời tư sản đã bắt đầu lung lay. Sự kiện trên còn chứng tỏ các Đảng Mensevich và Xã hội cách mạng đã công khai đứng về phía giai cấp tư sản và đã cứu Chính phủ lâm thời tư sản trong cuộc khủng hoảng này.
Các phong trào đấu tranh của giai cấp công nông Nga bị chính quyền tư sản lâm thời đàn áp khốc liệt. Đây cũng là thời điểm bộ mặt phản cách mạng của Đảng Mensevich và Xã hội cách mạng lộ rõ. Ảnh: photochronograph.ru
Ngày 3-6, Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ Nhất khai mạc tại Petrograd. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương toàn Nga với đa số thành viên là Mensevich và Xã hội cách mạng. Đại hội thông qua nghị quyết tán thành sự liên minh với giai cấp tư sản và ủng hộ các chính sách của Chính phủ lâm thời tư sản. Tại đại hội chỉ có những thành viên Đảng Bonsevich đòi chuyển toàn bộ chính quyền về tay Xô viết.
Phát biểu tại đại hội, lãnh tụ V.I.Lenin tuyên bố: Đảng Bonsevich sẵn sàng nắm lấy toàn bộ chính quyền.
Lời tuyên bố của Lenin được khẳng định bằng một cuộc tuần hành khổng lồ của gần 500.000 công nhân và binh lính tại Petrograd ngày 18-6 do những người Bonsevich tổ chức. Hoạt động biểu tình quần chúng còn diễn ra tại nhiều thành phố khác. Quần chúng tham gia biểu tình đã giương cao những khẩu hiệu ủng hộ người Bonsevich để bày tỏ ý chí phản đối những nghị quyết sai trái của Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ Nhất: “Toàn bộ chính quyền về tay các Xô viết”, “Đả đảo các bộ trưởng tư sản”, “Đả đảo chiến tranh”.
Đó chính là thắng lợi to lớn về mặt chính trị của Đảng Bonsevich. Giai cấp công nhân và binh lính ở khắp mọi miền nước Nga đã quy tụ dưới sự lãnh đạo của người Bonsevich và thấy rõ bộ mặt thật của Chính phủ lâm thời tư sản, cũng như sự sai lầm của Đảng Mesevich và Xã hội cách mạng.
Phá vỡ âm mưu thủ tiêu cách mạng và cao trào trước thềm Cách mạng Tháng Mười
Ngày 18-6, Bộ trưởng chiến tranh mới của Chính quyền lâm thời tư sản Kerensky ra lệnh cho quân đội Nga mở một cuộc tấn công lớn nhằm vào phe trục ở mặt trận Tây-Nam. Cuộc tấn công nhanh chóng trở thành thảm họa với con số thiệt hại khủng khiếp về nhân mạng. Tin bại trận như “giọt nước làm tràn ly” đã khuấy động phong trào đấu tranh của quân chúng nhân dân lao động tại nhiều nơi.
Ngày 3-7, nhiều cuộc biểu tình của công nhân và binh lính đã tự phát nổ ra ở Thủ đô Petrograd. Người biểu tình yêu cầu giải tán Chính quyền lâm thời tư sản.
Các cuộc biểu tình tự phát sau đó biến thành một cuộc biểu tình khổng lồ diễn ra ở Petrograd vào ngày 4-7. Hơn 500.000 công nhân, binh lính và lính thủy đã xuống đường. Dù cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, nhưng chính quyền tư sản với sự hậu thuẫn của Đảng Mensevich và Xã hội cách mạng, đã ra lệnh cho quân đội và cảnh sát bắn vào đoàn biểu tình. Hơn 400 người bị chết và bị thương trong sự kiện bi thảm này.
Những người ủng hộ đảng Bonsevich xuống đường biểu tình phản đối chính phủ tư sản lâm thời và yêu cầu xóa bỏ tình trạng hai chính quyền song song. Ảnh: RIA Novosti.
Đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát, hiến binh trên đường phố Petrograd. Ảnh: RIA Novosti.
Trên đà thắng thế và được sự hậu thuẫn của các nước đế quốc, Chính quyền lâm thời tư sản Nga đã thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng trong nước với hy vọng thiết lập lại trật tự. Thủ đô Petrograd được đặt trong tình trạng giới nghiêm. Các đơn vị quân đội tham gia biểu tình bị tước vũ khí và đưa ra ngoài thủ đô. Quân đội tại mặt trận được điều động về bảo vệ chính quyền. Các tòa báo của Đảng Bonsevich bị đóng cửa và bị đập phá. Nhiều đảng viên Bonsevich bị bắt và đưa ra tòa. Chính quyền lâm thời tư sản vu cáo V.I.Lenin và nhiều lãnh đạo Đảng Bonsevich làm gián điệp cho Đức. Trước sự truy lùng gắt gao của cảnh sát và hiến binh, V.I.Lenin đã rời thủ đô Petrograd và chuyển sang hoạt động bí mật.
Sau các thắng lợi ban đầu, ngày 8-7, Chính phủ lâm thời tư sản tuyên bố cải tổ lần thứ 2 và thành lập nội các mới do Kerensky đứng đầu. Các thủ lĩnh Mensevich và Xã hội cách mạng lãnh đạo các Xô viết tuyên bố chính phủ mới là ''chính phủ cứu cách mạng'' và được toàn quyền hành động. Với việc đưa quân đội về kiểm soát các trung tâm lớn trên toàn nước Nga, quyền lực đã hoàn toàn về tay Chính phủ lâm thời tư sản và tình trạng hai chính quyền đã chấm dứt.
Trước tình hình cấp bách mới, Đảng Bonsevich triệu tập Đại hội VI (từ 26-7 đến 3-8-1917) tổ chức bí mật tại Petrograd. Do bị truy lùng gắt gao, V.I.Lenin không thể tham gia đại hội, nhưng những bài viết, những ý kiến được gửi tới đại hội đã trở thành cơ sở cho các nghị quyết được đại hội thông qua.
Tại đại hội, sau khi phân tích và xem xét lại tình hình cục diện chính trị tại Nga thời điểm đó, các đại biểu quyết định tạm thời rút khẩu hiệu ''Toàn bộ chính quyền về tay các Xô viết'' do phần lớn các Xô viết đã bị Đảng Mensevich và Xã hội cách mạng lũng đoạn và không chế. Những người Bonsevich vẫn ở lại trong các Xô viết để vạch trần sự phản bội của bọn thỏa hiệp và lôi kéo quần chúng về phía cách mạng. Đại hội xác định khẩu hiệu chính trị mới của là ''Lật đổ nền chuyên chính của giai cấp tư sản bằng con đường khởi nghĩa vũ trang!''. Như vậy nhiệm vụ chính của người Bonsevich đã được xác định là lật đổ chính quyền lâm thời tư sản, thiết lập chuyên chính vô sản và rút quân đội Nga khỏi Thế chiến lần thứ Nhất.
Với đường hướng phát triển mới, Đảng Bonsevich đã phát triển nhanh chóng về số lượng. Đến tháng 7-1917, các tổ chức đảng đã tăng từ 78 lên 162 cơ sở với 240.000 đảng viên.
Trong khi đó, nhằm tập hợp và củng cố lực lượng thiết lập nền độc tài quân sự, ngày 12-8, Chính phủ lâm thời tư sản đã triệu tập Hội nghị quốc gia tại Moscow. Tham dự hội nghị có đại biểu của giai cấp tư sản và địa chủ, nhà thờ, sĩ quan và tướng lĩnh, cựu đại biểu Duma trước kia và ban lãnh đạo các Xô viết. Theo lời kêu gọi của Đảng Bonsevich, đúng ngày khai mạc hội nghị, 400.000 công-nông đã tổng đình công để phản đối và ngăn chặn âm mưu phản cách mạng của giai cấp tư sản. Đấu tranh và đình công cũng diễn ra ở nhiều thành phố khác trên khắp nước Nga. Để đối phó, giai cấp tư sản quyết tâm thực hiện âm mưu thiết lập chế độ độc tài quân sự và tướng Koonikcov (tù binh trốn thoát từ Áo và vừa được cử làm Tổng Tư lệnh quân đội Nga vào tháng cuối 7-1917) được đề cử là lãnh đạo của chính quyền độc tài mới. Ngay sau hội nghị, Koonikcov ra lệnh giải thể 50 sư đoàn “không còn khả năng chiến đấu” (các đơn vị quân sự chịu ảnh hưởng của cách mạng) và thành lập 33 sư đoàn xung kích được coi là lực lượng chủ yếu để đối phó với phong trào cách mạng trong nước tại Nga.
Trước đó, ngày 25-6-1917, được sự đồng ý của Kerensky, Koonikcov đã điều Quân đoàn kỵ binh của tướng Cruymov và hai sư đoàn kỵ binh khác từ mặt trận phía Tây về Petrograd với cái cớ là ''hình như những người Bonsevich sẽ nổi dậy khởi nghĩa vào ngày 27-8 nhân kỷ niệm nửa năm thắng lợi của Cách mạng Tháng Hai''.
Tuy nhiên, ngày 27-8, khi biết tin Koonikcov sẽ tuyên bố thiết quân luật toàn thủ đô và không chỉ công khai đánh tan Đảng Bonsevich, thủ tiêu các Xô viết, mà còn giải tán Chính phủ lâm thời tư sản để thiết lập chính phủ độc tài quân sự, Kerensky tuyên bố, các đơn vị của Koonikcov hành quân về Petrograd làm phản sẽ bị trừng trị và cách chức Tổng Tư lệnh quân đội của Koonikcov.
Biết về âm mưu thủ tiêu cách mạng của Koonikcov, Đảng Bonsevich đã kêu gọi và tổ chức giai cấp công nhân và nhân dân bảo vệ thủ đô Petrograd: Công nhân đường sắt phá hoại ngầm các đoàn tàu chuyên chở quân phiến loạn; các đội Cận vệ đỏ được thành lập; công nhân canh giữ bảo vệ các nhà máy và nhà ga; quần chúng nhân dân đào chiến hào, dựng chướng ngại vật và tháo gỡ đường sắt. Nhờ sự tuyên truyền giải thích của những người Bonsevich và công nhân, các đơn vị quân đội của Koonikcov đã đứng về phía nhân dân, từ chối tiến về thủ đô và bắt giữ các sĩ quan phản động. Tướng Cruymov bị xử bắn và Koonikcov bị tống giam.
Sau khi âm mưu thiết lập chính quyền độc tài quân sự của giai cấp tư sản bị đập tan, lực lượng so sánh giai cấp trong nước Nga đã có những chuyển biến rõ rệt và có lợi cho cách mạng. Nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giai cấp công nhân và binh sĩ, ngày 31-8, Xô viết Petrograd lần đầu tiên thông qua nghị quyết tán thành lập trường của Đảng Bonsevich là chuyển toàn bộ chính quyền về tay các Xô viết và quyết định thay thế các đại biểu Đảng Mensevich và Xã hội cách mạng bằng những người Bonsevich trong ban lãnh đạo Xô viết.
Từ tháng 9-1917, các Xô viết ở khắp nơi trên toàn nước Nga đều được xây dựng theo mô hình tại Xô viết Petrograd. Tới cuối tháng 9-1917, đã có tổng cộng 1.600 Xô viết mới được hình thành. Tới lúc này, Đảng Bonsevich quyết định đưa trở lại khẩu hiệu ''Tất cả chính quyền về tay các Xô viết'' với đường hướng đấu tranh mới là dùng bạo lực cách mạng để lật đổ chính quyền lâm thời tư sản và thành lập chuyên chế vô sản.
>>> Bài 4: Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới
Theo qdnd.vn