Không để địch lợi dụng Dự án sân golf Tân Sơn Nhất để chống phá Quân đội
Việc xây dựng Dự án sân golf tại Sân bay Tân Sơn Nhất, xuất phát từ việc ta tiếp thu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, nhằm tận dụng khu đất dự trữ quốc phòng trong thời bình còn nhàn rỗi để phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách cho Nhà nước, Quân đội, tạo việc làm cho người lao động, góp phần phát triển đất nước. Khi cần thiết theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng sẽ thu hồi để phục vụ cho mục đích quân sự, quốc phòng theo quy định của pháp luật. Dự án được triển khai theo đúng trình tự của các cấp có thẩm quyền và được phê duyệt tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Dự án đưa vào khai thác, sử dụng một số hạng mục từ năm 2015, trước khi Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải như hiện nay.
Trong thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu, đề xuất giải quyết, khắc phục vấn đề quá tải, mất an toàn bay của Sân bay Tân Sơn Nhất. Chủ động điều chỉnh thế trận quân sự, quốc phòng, quy hoạch doanh trại, vị trí đóng quân một số đơn vị để bàn giao đất quốc phòng cho một số bộ, ngành, địa phương, góp phần khắc phục quá tải cho Sân bay Tân Sơn Nhất. Để phòng ngừa nguy cơ mất an toàn bay cho sân bay, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo dừng quy hoạch, không cho xây dựng 5 hạng mục (Tổ hợp khách sạn, nhà hàng; trường cấp 1, 2; nhà trẻ mẫu giáo; khu căn hộ 8 tầng; khu biệt thự) trong tổng số 13 hạng mục của Dự án và hiện nay tiếp tục thực hiện triệt để ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 12-6-2017 về việc dừng hoạt động xây dựng các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf Tân Sơn Nhất…
Tuy nhiên thời gian gần đây, lợi dụng ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất tại kỳ họp thứ 3 (Quốc hội khóa XIV) và dư luận xã hội đang rất quan tâm đến Dự án sân golf Tân Sơn Nhất, các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị ra sức thổi phồng, chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Đặc biệt, hiện nay trên các trang mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều video clip, bài viết xuyên tạc, chống phá, nói xấu, hạ thấp uy tín, vai trò, bản chất, chức năng của Quân đội, làm phân tâm dư luận, gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong các tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó phải kể đến một số bài viết như: “Đất quốc phòng và các nhóm địa tặc quân sự”, “Bộ Quốc phòng với “điểm đến mới” và “giá trị mới” (của Trang VOA tiếng Việt); “Liệu Quân đội có chấm dứt hoạt động kinh tế sau vụ sân golf Tân Sơn Nhất” (Trang RFA); “Thuật ngữ quân sự mới: Nhà hàng, sân golt là “lá chắn phòng thủ” (Trang Boxitvn); “Dáng đứng Tân Sơn Nhất: Chính phủ và quân đội cùng phe lợi ích” (Trang Tiến bộ)… Một số đối tượng đã tán phát tài liệu “Muốn Quân đội trung với Đảng thì phải có đặc quyền, đặc lợi” có nội dung xuyên tạc cho rằng “Sân golf cạnh sân bay Tân Sơn Nhất đang trở thành biểu tượng cho sự mâu thuẫn lợi ích của Quân đội với lợi ích của người dân ngày càng gay gắt và Quân đội muốn trung thành với Đảng thì phải có đặc quyền, đặc lợi riêng”. Ngoài ra, một số “hội đoàn dân sự” gồm: “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng”, “Câu lạc bộ Phan Tây Hồ” và 44 cá nhân cùng ký tên vào “Thư ngỏ” gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nội dung gồm: Phản đối thái độ tham lam bất hợp tác của một số “nhóm lợi ích” và một số “thế lực” trong Quân đội; đề nghị Chính phủ tổ chức hội thảo về việc thu hồi sân golf; thu hồi toàn bộ đất sử dụng không đúng mục đích để phục vụ công ích...
Để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn và các hoạt động chống phá Quân đội của các thế lực thù địch, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, định hướng tư tưởng đối với cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đóng quân, thống nhất nhận thức về Dự án sân golf Tân Sơn Nhất; tin tưởng vào quyết định của Chính phủ trong việc giải quyết tình trạng quá tải Sân bay Tân Sơn Nhất. Với chủ trương mới của Chính phủ, đất quốc phòng thuộc Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được nghiên cứu sử dụng một cách khoa học, hợp lý, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khắc phục áp lực về quá tải và giảm ùn tắc giao thông, đóng góp tốt hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cho đất nước nói chung.
Khẳng định Bộ Quốc phòng luôn quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm của Đảng, Nhà nước: Gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh. Bộ Quốc phòng chấp hành nghiêm chủ trương, quyết định của Chính phủ và phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương có liên quan chấp hành tốt sự chỉ đạo mới của Chính phủ về việc dừng hoạt động xây dựng các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf Tân Sơn Nhất.
Chủ động định hướng thông tin, nhất là nhận diện, đấu tranh trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bọn cơ hội chính trị lợi dụng việc triển khai một số hạng mục Dự án sân golf để chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Không để địch lợi dụng vấn đề trên để kích động làm “nóng” dư luận hòng bôi nhọ hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, hạ thấp uy tín của Bộ Quốc phòng, xuyên tạc bản chất, chức năng của Quân đội. Phát huy vai trò các cơ quan chức năng, các lực lượng trong Quân đội đẩy mạnh đấu tranh chuyên sâu; mở rộng chia sẻ, bình luận, lan tỏa thông tin tích cực trên không gian mạng; tuyên truyền sâu rộng bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, những tấm gương bình dị, cao quý, hành động dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ, gương người tốt, việc tốt… góp phần đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá Quân đội của các thế lực thù địch.
VŨ LƯƠNG