9 giờ:10 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

Số phận li kỳ của phi công Nguyễn Đức Việt

Số phận li kỳ của phi công Nguyễn Đức Việt

Trong cuốn lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam có một dòng chữ giản dị: “Ngày 15 tháng 8 năm 1949, Phi công Nguyễn Đức Việt đã lái chiếc máy bay Tiger Moth mang theo lá cờ đỏ sao vàng bay trên bầu trời Chiêm Hóa, Tuyên Quang”. Chỉ vẻn vẹn vài dòng chữ như vậy nhưng cuộc đời phi công hàng binh người Đức này chứa đựng bao chìm nổi, li kì và gắn với sự ra đời của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam thời kì trứng nước.

 Tên thật của phi công Nguyễn Đức Việt là Schulze. Ông là hàng binh người Đức từng có thời gian chiến đấu trong đội quân lê dương của Pháp tại Việt Nam. Năm 1946, ông bỏ hàng ngũ địch về với Quân đội Việt Nam từ mặt trận Nam Trung Bộ. Do có chuyên môn kỹ thuật nên Schulze được điều ra Bắc để tham gia phục vụ kháng chiến. Ông trực tiếp làm việc tại Xưởng Quân giới Quân khu 2. Không lâu sau, ông lại được điều về Nha Nghiên cứu kỹ thuật. Ông có vinh dự được gặp Bác Hồ và cái tên Nguyễn Đức Việt cũng là do Bác đặt để biểu thị cho lòng hữu hảo giữa hai dân tộc Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức.

Do tính tình hiền lành và hết mình với công việc nên ông rất được anh em quý mến. Đồng chí Hoàng Sâm đã mai mối cô Hoàng Thị Thành, thiếu nữ Tày xinh đẹp quê Hà Giang cho ông. Không lâu sau, đám cưới được tổ chức. Nguyễn Đức Việt rất cảm kích trước sự quan tâm của tổ chức. Hai vợ chồng sống với nhau khá hòa hợp. Sau ngày cưới một năm, cô con gái đầu lòng là Nguyễn Việt Hoa ra đời và liền sau đó thêm một bé trai ra đời.

Ban Nghiên cứu sân bay được thành lập và phi công Nguyễn Đức Việt được chuyển về đây công tác. Việc của ông là cùng các cán bộ người Việt và một số hàng binh người Pháp, người Nhật tham gia giảng dạy cho các học viên về các nội dung chuyên ngành hàng không. Vào ngày 15 tháng 8 năm 1949, ông chính là người đã cùng với đồng chí Nguyễn Văn Đống bay thử chiếc máy bay Tiger Moth - một trong hai chiếc máy bay đầu tiên của bộ đội Không quân do Bảo Đại tặng Chính phủ ta.

Do hai chiếc máy bay này được vận chuyển trên một quãng đường khá dài từ Huế ra Gia Lâm, lên Sơn Tây rồi được cất dấu tại Chiêm Hóa, lại đã từng bị máy bay của Pháp bắn phá nên rất nhiều chi tiết đã hỏng hóc. Các đồng hồ cũng không chính xác tuyệt đối nhưng phi công Nguyễn Đức Việt vẫn dũng cảm bay. Khi đã lấy được độ cao, ông cho máy bay bổ nhào và nó đã không lên được nữa... Ông đã nhanh trí cố điều khiển cho máy bay hạ cánh xuống nước để nó khỏi bị hỏng và bảo toàn tính mạng cho phi công. Tuy không thành công, nhưng chuyến bay đầu tiên mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu đã rất khen ngợi hành động này của phi công Nguyễn Đức Việt, ông khẳng định: “Với một máy bay lạ cất trong kho bốn năm, điều kiện bảo quản không tốt, vậy mà dám bay thử và bổ nhào. Đó là hành động thể hiện đầy đủ tinh thần trách nhiệm và sự dũng cảm của một phi công bay thử”.

Năm 1951, do yêu cầu của kháng chiến, Ban Nghiên cứu Không quân tạm thời dừng hoạt động. Phi công Nguyễn Đức Việt lại trở về công tác tại Nha Nghiên cứu kỹ thuật. Tại đây, ông đã có nhiều sáng kiến trong việc chế tạo các loại vũ khí, đặc biệt là nghiên cứu chế tạo thành công lựu đạn chống tăng AT bằng công nghệ dập. Sáng kiến của ông đã được Chính phủ Việt Nam đánh giá rất cao. Năm 1949, ông đã được gặp Bác Hồ và được Bác tặng một bộ quần áo lụa màu mỡ gà. Sau đó, Nguyễn Đức Việt được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.

Năm 1954, hòa bình lập lại trên miền Bắc. Nguyễn Đức Việt cùng với những cán bộ ngành hàng không về tiếp quản và tổ chức hoạt động của sân bay Gia Lâm những ngày đầu. Đến cuối năm 1955, cùng với những hàng binh nước ngoài khác, Schulze - Nguyễn Đức Việt trở về nước. Bà Hoàng Thị Thành không thể theo chồng sang Đức, ở lại Việt Nam cùng hai con.

Đầu năm 1968, Bà Nguyễn Thị Thành nhận được một bức điện của Bộ Ngoại giao thông báo phi công Nguyễn Đức Việt chuẩn bị sang Việt Nam vào cuối năm. Nhưng ngày hội ngộ như đã định đã không bao giờ diễn ra. Cuối năm ấy, gia đình bà lại nhận được hung tin: Schuzle - Nguyễn Đức Việt đã mất khi đang công tác tại Bỉ vào ngày 1 tháng 7 năm 1968. Và theo lời kể từ người vợ Đức của Phi công Nguyễn Đức Việt thì trong những giây phút cuối cùng của đời mình, lẫn trong những tiếng nấc khan ông liên tục gọi: “Hoa hồng”- đó cũng chính là tên hai người con Nguyễn Việt Hoa và Nguyễn Đức Hồng của ông với bà Nguyễn Thị Thành. Nay, phần mộ của phi công Nguyễn Đức Việt vẫn nằm trên đất Bỉ.

BÍCH PHƯỢNG

(Theo lời kể của bà Nguyễn Việt Hoa - con gái phi công Nguyễn Đức Việt)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website