Chiến đấu bảo vệ an toàn Sân bay Anh Sơn
Ngày 17-8-1971, Trung đoàn Tên lửa 263 được lệnh cơ động từ Thanh Hóa vào Nghệ An làm nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu ở khu vực Vinh và Sân bay Anh Sơn. Do đặc điểm tình hình và yêu cầu nhiệm vụ, 2 tiểu đoàn 43 và 44 cùng một nửa cơ quan trung đoàn bộ đi trước. Đến tháng 11-1971, toàn bộ lực lượng còn lại của Trung đoàn mới tiếp tục cơ động vào Nghệ An.
Rạng sáng ngày 18-12-1971 quân tình nguyện Việt Nam và Bộ đội Pa-thét Lào bắt đầu mở chiến dịch tiến công địch ở Cánh Đồng Chum. Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ nhận định: Địch sẽ tăng cường máy bay đánh phá sân bay và chặn kích máy bay ta. Trên cơ sở đó, Bộ Tư lệnh chủ trương cho máy bay ta ở Sân bay Anh Sơn sẵn sàng cất cánh đánh địch, bộ đội tên lửa và pháo phòng không sẵn sàng diệt địch, chi viện cho không quân ta chiến đấu.
Tiểu đoàn 43 kiểm tra khí tài tên lửa trước trận đánh. Ảnh tư liệu15 giờ 40 phút, phát hiện có máy bay ta ở Sân bay Anh Sơn, một số tốp máy bay địch lao vào đánh phá ác liệt. Tiểu đoàn 6 pháo phòng không 37mm bảo vệ Tiểu đoàn 44 ở Bãi Phủ nổ súng mãnh liệt, bắn rơi 1 chiếc F-4 ở khu vực Khe Bố.
Bị thất bại nặng nề ở mặt trận Cánh Đồng Chum, những ngày cuối tháng 12-1971, địch sử dụng trên 1 ngàn lần chiếc máy bay đánh phá quyết liệt một số mục tiêu trên miền Bắc. đơn vị của Trung đoàn 263 đã sẵn sàng chiến đấu cao, liên tục đánh địch và bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bảo vệ an toàn Sân bay Anh Sơn.
6 giờ 48 phút ngày 29-12, địch sử dụng 28 lần chiếc F-4, trong đó có 12 chiếc máy bay cường kích bay vào ném bom sân bay Anh Sơn. Được lệnh của Trung đoàn trưởng Trung đoàn 263, các Tiểu đoàn 43, 44 sục sạo tìm đánh địch. Khoảng hơn 7 giờ, 2 chiếc F-4 bay ở độ cao 4km bay vào ném bom nhưng chệch đường băng. Tiểu đoàn 43 phóng 2 quả đạn vào tốp này nhưng không trúng mục tiêu. Đến 7 giờ 15 phút, 6 chiếc F-4 vẫn theo đường bay cũ vào ném bom sân bay. Rút kinh nghiệm lần đánh trước, kíp 1 của Tiểu đoàn 43 phóng 2 quả đạn bắn đón đường bay địch và kịp thời chuyển sang bắn đuổi, hạ gục tại chỗ 1 chiếc F-4 ở Con Cuông. Những chiếc máy bay còn lại vội vã ném bom bừa bãi ra ngoài sân bay rồi vòng ra xa. Một quả tên lửa sơ-rai bay qua trận địa của Tiểu đoàn, đâm đầu xuống đất nổ tung, cách trận địa khoảng 4km. Trong khi đó các khẩu đội pháo của Đại đội 26 cùng sử dụng cách bắn dựng màn đạn để đánh địch nhưng không kết quả. Bom địch rơi vào trận địa Đại đội 11 làm hỏng khí tài, 1 chiến sĩ hi sinh và 4 chiến sĩ khác bị thương.
9 giờ 15 phút, 1 chiếc máy bay 147S vào trinh sát kết quả trận đánh ở Anh Sơn. Do không phát hiện được mục tiêu nên Trung đoàn đã để lỡ thời cơ tiêu diệt địch. 17 giờ 29 phút, sở chỉ huy tiền phương của Sư đoàn thông báo cho Trung đoàn: Ngày mai địch sẽ tiếp tục đánh các mục tiêu ở Nghệ An. Các đơn vị khẩn trương khôi phục sức chiến đấu, rút kinh nghiệm trận đánh và chuẩn bị đánh địch.
Ngày 30-12, địch huy động lực lượng lớn gồm 150 lần chiếc máy bay của hải quân tổ chức đánh 3 đợt vào khu vực Vinh. Trung đoàn chủ động cho 2 tiểu đoàn 43 và 44 vào cấp 1. 13 giờ 20 phút, được lệnh của Trung đoàn, Tiểu đoàn 44 cho mở đài 2 phát hiện 1 chiếc máy bay 147S ở độ cao 1,5km. Lập tức kíp chiến đấu được lệnh phóng đạn. Do đã có kinh nghiệm về đánh địch nhanh, có chuẩn bị nên kíp chiến đấu đã kịp thời phóng 1 quả đạn, bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay trinh sát không người lái ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Như vậy trong năm 1971, Trung đoàn 263 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an toàn sân bay Anh Sơn, bắn rơi 4 máy bay địch trong đó có 3 chiếc F-4 và 1 chiếc 147S. Do lập được nhiều thành tích xuất sắc, Trung đoàn Tên lửa 263 đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công hạng ba.
THANH BÌNH
(Theo Lịch sử Trung đoàn Tên lửa 263)