Bảo vệ giao thông trên chiến trường Quân khu 4
Ngày 15-9-1968, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ quyết định sử dụng Sư đoàn 365 làm sư đoàn cơ động đánh địch trên chiến trường Quân khu 4. Quân chủng điều thêm Trung đoàn PPK 224 và 3 trung đoàn tên lửa là: 275, 278 và 285 cho Sư đoàn. Như vậy, lực lượng của Sư đoàn có 6 trung đoàn (3 trung đoàn PPK, 3 trung đoàn tên lửa). Đúng ngày này, Trung đoàn 224 bắn rơi tại chỗ 1 chiếc máy bay trinh sát A-3J của Hải quân Mỹ trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ giao thông vận chuyển trên đường 15 ở khu vực Thanh Chương, Nghệ An.
Tiểu đoàn Tên lửa 67, Trung đoàn 275 chiến đấu ở Quảng trị.
Ảnh tư liệu
Tháng 9, trên địa bàn Quân khu 4, những trận mưa dai dẳng khiến cho đường lầy lội. Bộ đội vận tải gặp nhiều khó khăn, bộ đội phòng không lại càng khó khăn hơn. Việc xây dựng trận địa, cơ động đội hình sau mỗi trận đánh là những vấn đề lớn đặt ra đối với Sư đoàn trên địa bàn đóng quân. Nhiệm vụ của Sư đoàn là “Cơ động đánh địch từ đường 15 xuống đường số 1 trên khu vực tỉnh Nghệ An, bảo vệ giao thông vận chuyển thông suốt”. Đây là thử thách lớn đối với Sư đoàn. Bộ Tư lệnh Sư đoàn nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương án chiến đấu, bảo vệ giao thông vận chuyển.
Đêm 29-9, phát hiện 1 tốp 2 chiếc A-6 vào khu vực Nghệ An, Sở chỉ huy Sư đoàn lệnh cho Trung đoàn Tên lửa 275 vào cấp 1. Ở trận địa Cây Đa (Giang Sơn 2), cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 67 đã sẵn sàng. Đúng 0 giờ 45 phút, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Duy Biên và Chính trị viên Nguyễn Minh Tân, Sĩ quan điều khiển Nguyễn Lành cùng 3 trắc thủ Dương, Trăng, Bằng đã phóng 2 quả đạn vào tốp A-6. Khi đạn có điều khiển, Nguyễn Lành phát hiện có tên lửa sơ rai của địch. Vận dụng thành thục phương án chống sơ-rai đã được luyện tập, Nguyễn Lành bình tĩnh bám sát tín hiệu mục tiêu rồi nhanh chóng quay ăng ten sang hướng khác, khiến tên lửa của địch bay chệch hướng, rơi ra ngoài trận địa. Cùng lúc đó, chiếc máy bay A-6 bị trúng đạn của Tiểu đoàn 67 rơi xuống huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Đây là trận thắng đầu tiên của Bộ đội tên lửa Sư đoàn đánh theo phương án mới trong điều kiện địch sử dụng sơ-rai trên chiến trường Quân khu 4. Trận thắng này đã góp phần củng cố ổn định tâm lý, xây dựng lòng tin cho các kíp chiến đấu tên lửa trong toàn Sư đoàn.
Sang tháng 10-1968, không quân địch tiếp tục tổ chức đánh phá nhỏ lẻ trên khu vực Sư đoàn bảo vệ. Nhưng mùa mưa lũ đã làm giảm mức độ hoạt động của địch. Những ngày thời tiết tốt, chúng huy động lực lượng đánh vào các trọng điểm trên đường số 1 và 15. Trước tình hình đó, sở chỉ huy tiền phương của Quân chủng đã chỉ thị cho Sư đoàn 365 vận dụng phương châm “Cơ động, linh hoạt, tích cực đánh địch”; yêu cầu cao nhất là phải bảo đảm an toàn cho các phương tiện vận chuyển xe, thuyền, xà lan… trên tuyến đường số 1, đường 15 và đường 34. Sư đoàn nhanh chóng điều chỉnh lại đội hình chiến đấu. Các tiểu đoàn tên lửa của Trung đoàn 275, 285 giữ nguyên vị trí đã bố trí; Sư đoàn sử dụng Trung đoàn tên lửa 278 làm lực lượng cơ động đánh địch trên đường số 1, từ ngã ba Đô Lương đến Nam Đàn. Trung đoàn PPK 226 cơ động sang bảo vệ cầu Cấm và cầu Phương Tích trên đường 34. Trung đoàn PPK 232 bảo vệ trọng điểm Đô Lương, đồng thời sẵn sàng cơ động đánh địch trên đường 15. Trung đoàn PPK 224 bảo vệ Kỳ Chương. Các trung đoàn PPK đều phải chốt giữ các trọng điểm giao thông quan trọng nhưng cũng được phép cơ động trên toàn tuyến với mục đích lớn nhất là phải đánh địch, giữ vững giao thông thông suốt trên toàn bộ tuyến đường.
Càng chiến đấu, Sư đoàn càng trưởng thành nhanh chóng. Sau 3 tháng chiến đấu trên chiến trường Quân khu 4, Sư đoàn đã bắn rơi 7 chiếc máy bay địch, giữ vững giao thông vận chuyển thông suốt trên các tuyến đường số 1, số 7 và đường 34. Đặc biệt, Sư đoàn đã sử dụng lực lượng cơ động linh hoạt để giải tỏa kịp thời các trọng điểm địch đánh phá ác liệt như Truông Bồn, cầu Cấm, Phương Tích, Nam Đàn… góp phần cho hoạt động vận chuyển bộ đội, hàng hóa, vật tư vào chiến trường miền Nam được duy trì thường xuyên, thông suốt.
THÀNH SƠN
(Theo Lịch sử Sư đoàn PK 365)