Sau 40 năm, hiện vật vẫn còn nguyên vẹn
Sự việc được báo về Đoàn Không quân Thăng Long (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) đóng quân cách đó 4 km. Đoàn Không quân Thăng Long đã nhanh chóng cử tổ công tác do Thượng tá Nguyễn Văn Mậu – Phó chủ nhiệm chính trị dẫn đầu có mặt tại địa phương xác minh. Ngay sau đó đơn vị đã phối hợp với Huyện đội Sóc Sơn và Ban lãnh đạo xã Phù Linh tiến hành bảo vệ hiện trường, thu thập thông tin và báo cáo lên trên. Một số mảnh xác máy bay đã bị một số người dân mang về nhà cũng được khẩn trương thu hồi lại.
Liệt sĩ phi công Lê Văn Phong. Ảnh Tư liệu
Hiện vật thu được tại hiện trường bước đầu gồm có một khẩu pháo 37 ly và một đoạn nòng pháo; một phần động cơ và phía đầu máy bay; một khẩu súng ngắn K59 số hiệu 40.55.36.66 cùng 6 viên đạn; một số mảnh máy bay Mig- 17. Tại đây cũng đã tìm thấy một số mảnh hài cốt dự đoán là của phi công lái máy bay.
Đoàn Không quân Thăng Long đã cử cán bộ tổ chức tra cứu các tài liệu lịch sử, gặp gỡ các cựu chiến binh và nhân dân địa phương để xác minh, đồng thời báo cáo lên Cục Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân đề nghị giúp đỡ và có sự chỉ đạo. Theo tài liệu lưu trữ, trong chiến tranh chống Mỹ, tại xã Phù Linh có hai máy bay chiến đấu Mig – 17 của Trung đoàn 923 (trước đây thuộc Đoàn Không quân Thăng Long, nay đã chuyển vào Thanh Hoá) rơi vào các ngày 20 và 23 tháng 8 năm 1967 cùng với hai phi công hi sinh. Trận đánh ngày 20 tháng 8 năm 1967 máy bay bị rơi là do Trung uý phi công Hà Đình Bôn lái. Trung uý Hà Đình Bôn thuộc Đại đội 1 – Trung đoàn 923. Chiếc MiG -17 này đã bị tên lửa ta bắn nhầm, máy bay rơi xuống địa phận thôn Đồng Trâm – xã Phù Linh. Trận đánh thứ hai có một máy bay bị rơi cũng là một chiếc MiG – 17 do Thiếu uý phi công Lê Văn Phong thuộc Đại đội 2 – Trung đoàn 923 điều khiển. Sau khi bắn rơi một máy bay Mĩ trên vùng trời Vĩnh Phú, máy bay của anh đã bị trúng tên lửa của địch và rơi xuống thôn Cộng Hoà, xã Phù Linh. Cả hai trận đánh đều là máy bay MiG – 17 và cả hai phi công đều hi sinh. Máy bay lại cùng rơi trên địa bàn một xã, địa danh sau 40 năm đã có nhiều đổi thay nên việc xác định chính xác là rất khó.
Một chiếc MiG-17 đã qua chiến đấu đang trưng bày tại Đoàn Không quân Thăng Long. Ảnh: N.X.T
Một số người dân cao tuổi tại xã Phù Linh đã chứng kiến sự việc máy bay rơi 40 năm trước nay vẫn còn sống. Qua tiếp xúc, tìm hiểu tổ công tác cũng đã thu được một số thông tin. Theo trí nhớ của một nhân chứng thì chiếc rơi tại thôn Cộng Hoà là chiếc rơi sau chiếc rơi tại thôn Đồng Trâm, như vậy rất có thể đây là máy bay mà phi công Lê Văn Phong lái. Qua tiếp xúc với một số nhân chứng như ông Nguyễn Xuân Tý – nguyên chính trị viên xã đội; ông Trần Văn Chuyên – nguyên phụ trách công tác tuyên huấn xã; ông Nguyễn Đình Lạc – 79 tuổi - nguyên Bí thư xã Phù Linh, được biết, sau khi sự việc xảy ra, một số mảnh máy bay và rất ít mảnh thi thể phi công đã được tìm thấy và được nhân dân địa phương an táng lập mộ tượng trưng, nhưng tất cả các nhân chứng này đều không nhớ tên phi công. Bà Hoàng Thị Viễn – 80 tuổi nguyên là cán bộ phụ nữ xã là người đã trực tiếp thu nhặt mảnh thi thể phi công cũng không nhớ gì vì thời gian đã quá lâu. Cả hai phi công đều được nhân dân an táng, lập phần mộ tại nghĩa trang thôn Phù Mã. Có người lại bảo nghe nói đó là phi công Hà Bôn?! Một chi tiết nữa là ông Lạc và ông Chuyên cho biết ngày ấy, sau khi mai táng phi công được khoảng 3 tuần thì có một anh bộ đội và một người phụ nữ nói là người nhà liệt sĩ từ Hải Phòng lên xin đưa thi hài về quê. Địa phương đã giải thích là mộ chỉ là tượng trưng nên họ lại thôi. Năm 1973 phần mộ của liệt sĩ Lê Văn Phong được chuyển về nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Dược – Sóc Sơn (HN) và ở đó cho đến nay. Còn mộ liệt sĩ Hà Đình Bôn đã được chuyển đi nơi khác.
Một tổ công tác khác đã đi gặp gỡ các cựu chiến binh không quân để xác minh thêm nhưng cũng chưa tìm được những người biết tường tận sự việc. Ông Bùi Đăng Sưu, hiện đang sinh sống tại Hà Nội, nguyên là biên đội trưởng trận đánh ngày 20 tháng 8 năm 1967 cũng chỉ nhớ được diễn biến trận đánh: “Chúng tôi đang bay ở độ cao 4000 mét thì thấy có ánh chớp . Theo kinh nghiệm chiến đấu tôi xác định đó là tên lửa đất đối không bắn liền hô biên đội cơ động. Sau khi tản ra quan sát thấy máy bay của đồng chí Bôn đang cháy. Khi đồng chí Bôn hi sinh tôi không được đến vị trí máy bay rơi nên không thể biết chi tiết gì hơn”.
Mọi sự đang rối rắm thì trong quá trình tìm kiếm, ngày 2 tháng 11, tại hiện trường, tổ công tác Sư đoàn 371 đã thu được một quyển lý lịch dù và một ví da trong đó có một số vật dụng cá nhân. Lý lịch dù ghi rõ ngày kiểm tra cuối cùng là ngày 3 tháng 7 với một số nhận xét kỹ thuật và tên người. Một điều kỳ lạ là các hiện vật này sau 40 năm chôn vùi trong lòng đất nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn. Chiếc ví bọc nhựa bóng kính trong suốt có in hình ảnh và chữ Trung Quốc. Trong ví có 8 chiếc tem, hai loại khác nhau dùng cho binh sĩ thời ấy, 3 chiếc dao cạo râu, 2 biên lai gửi tiền của Tổng cục Bưu điện và truyền thanh đóng dấu Bưu cục Hải Phòng ngày 14 tháng 9 năm 1965 và một băng vải đen rộng khoảng 3 cm, dài khoảng 8 cm giống như băng tang. Đặc biệt, trên một hoá đơn chuyển tiền về Phú Thọ, phần người gửi có ghi tên Phong, nét chữ mờ nhưng vẫn đọc được. Lấy kính lúp soi thì phần người nhận là ốc hay Kết gì đó không rõ. Số tiền gửi là 70 đồng. Căn cứ vào những tài liệu thu được, gần như có thể khẳng định phần hài cốt trên là của phi công Lê Văn Phong trong trận đánh ngày 23 tháng 8 năm 1967. Chiếc băng đen được cho rằng đó là băng để tang người đồng đội Hà Đình Bôn hi sinh trước đó 3 ngày. Do rơi từ trên cao với tốc độ lớn nên phần đầu chiếc MiG- 17 đã cắm sâu trong lòng đất, cho đến nay, sau 40 năm mới được tình cờ phát hiện.
Liệt sĩ Lê Văn Phong và trận không chiến ngày 23 tháng 8 năm 1967
Chúng tôi đã được tiếp xúc với hồ sơ tác chiến lưu trữ tại Quân chủng Phòng không – Không quân do Thiếu tướng Phạm Phú Thái – Phó Tư lệnh thứ nhất Quân chủng cung cấp. Báo cáo về trận đánh ngày 23 tháng 8 rất chi tiết, có tóm tắt cả tình hình trên không trước trận đánh.
Một phần động cơ chiếc MiG-17 được tìm thấy. Ảnh: N.X.T
Buổi sáng ngày diễn ra trận đánh, không quân địch đã đánh phá khu vực Bắc Giang, Nông trường đá gần Quán Toan – Hải Phòng; lực lượng không quân của Hải quân địch đánh phá khu vực Văn Điển và nội ngoại thành Hà Nội với mỗi đợt vài chục chiếc F105 và F4. 12 giờ 18 phút 24 chiếc tiếp tục đánh khu vực Hoà Lạc. Căn cứ vào tin tình báo chiến lược, Bộ tư lệnh thông báo không quân địch sẽ đánh vào Hà Nội. 14 giờ 15 phút ra đa dẫn đường phát hiện địch gây nhiễu nặng ở phương vị 240, sau đó di chuyển đến phương vị 290 - 300. 14 giờ 48 phút, phát hiện địch xuất hiện ở phía tây Yên Bái và kéo ồ ạt vào Tuyên Quang, Tam Đảo, Đại Từ, Đa Phúc, Cầu Đuống... 14 giờ 55 phút, biên đội trực chiến của Lê Văn Phong được lệnh vào cấp I. 14 giờ 58 phút biên đội được lệnh cất cánh theo hướng 90, độ cao 3.000 m. Biên đội gồm có các phi công Cao Thanh Tịnh – số 1 – Biên đội trưởng; Lê Văn Phong – số 2; Lê Văn Thọ – số 3; Lê Hồng Điệp – số 4. Trong đó có Lê Văn Phong và Lê Hồng Điệp là hai phi công mới. Lê Văn Phong bay chiếc MiG -17 số hiệu 49.
15 giờ 08 phút, biên đội phát hiện địch ở Tam Đảo. Số 1 Cao Thanh Tịnh quay lại hướng phát hiện ra địch. Số 3 Lê Văn Thọ tiếp tục phát hiện 4 chiếc F105 bay ngay trên đầu. Biên đội trưởng Cao Thanh Tịnh ra lệnh cho số 3 Lê Văn Thọ vào công kích, số 2 Lê Văn Phong yểm hộ. 15 giờ 12 phút, số 3 phát hiện địch lần thứ 2 ngay trên khu vực chiến đấu. Đội hình địch gồm có 16 chiếc F105 chia làm hai tốp đi theo đội hình bàn tay xoè, hàng dọc kéo dài với vận tốc 900km/h; 12 chiếc F4 yểm hộ cho F105 vào đánh mục tiêu. Thủ đoạn của địch là kéo dài đội hình, tốp cách tốp 8 đến 12 km, bay cao, với độ cao 2500 đến 5000m, dùng F4 để đối phó với tiêm kích của ta. Vì vậy, lúc ta vào công kích F105, địch rất bất ngờ, có chiếc tăng lực tháo chạy, có chiếc quấn vòng tròn câu giờ để gọi F4 đến cứu. Khi Biên đội trưởng Cao Thanh Tịnh vào công kích thì Lê Văn Phong phát hiện thấy F4 bay lại phía đội hình của ta, anh liền bám và bắn 1 chiếc F4 bốc cháy. Đồng thời máy bay của Lê Văn Phong cũng bị trúng đạn pháo 20 ly của địch bắn trong khi đang cơ động. Lúc đó số 3 và số 4 được sở chỉ huy lệnh về hạ cánh, cùng lúc thấy số 1 từ trên cao lao xuống nhập vào đội hình thành biên đội 3 chiếc và về hạ cánh tại sân bay Kép (Bắc Giang). Toàn bộ trận đánh diễn ra trong vòng 3 phút. Máy bay của phi công Lê Văn Phong cháy và bị rơi xuống xã Phù Linh. Sự việc sau đó như những gì đã diễn ra ở trên.
Sau khi trận đánh diễn ra một tuần, ngày 30 tháng 8 năm 1967, Trung đoàn 923 đã có báo cáo về trận đánh ngày 23 tháng 8 do Trung tá Nguyễn Phúc Trạch, chỉ huy đơn vị ký. Trong báo cáo nêu rõ “trận không chiến ngày 23 tháng 8 là trận đánh thắng địch với quyết tâm rất lớn”. Về phi công Lê Văn Phong, báo cáo nhận xét: “số 2 yểm trợ tích cực cho số 1, khi thấy F4 lao vào biên đội đã quả đoán xông tới bắn cháy 1 chiếc sau đó trúng đạn hi sinh là một hành động dũng cảm...”.
Ngày hôm đó, lực lượng không quân đã xuất kích chiến đấu trên cả 3 sân bay miền Bắc là Nội Bài, Kép, Gia Lâm. Biên đội MiG-21 của phi công Nguyễn Nhật Chiêu, Nguyễn Văn Cốc xuất kích từ Nội Bài và chiến đấu trên vùng trời Tây Bắc và bắn cháy 3 máy bay Mĩ. Phi công Nguyễn Nhật Chiêu nhớ lại: “Chúng tôi chiến đấu trở về đến vùng trời Tam Đảo, F4 và F105 của địch và MiG-21 của ta bay gần nhau nhìn rõ cả số hiệu trên thân máy bay mà không bên nào làm gì được bên nào. Phía chúng tôi thì đạn đã hết, dầu đã cạn. Phi đội chúng tôi về đến Nội Bài ngay trên đỉnh sân bay dầy đặc máy bay ta và máy bay địch; hoả lực phòng không bắn đỏ trời...”. Ngày 23 tháng 8 năm 1967, quân và dân ta đã đánh thắng lớn không quân địch. Riêng lực lượng không quân đã bắn hạ 6 máy bay, quân và dân ta đã bắt sống 5 giặc lái.
Theo tài liệu lưu trữ, phi công Lê Văn Phong sinh ngày 4 tháng 11 năm 1941 tại Phú Thọ, nhập ngũ vào Binh chủng Không quân tháng 8 năm 1959. Tháng 8 năm 1962 anh được cử đi học lái máy bay tại Liên Xô cũ. Sau đó đi học tiếp lái máy bay MiG-17 tại Trung Quốc. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp về nước anh được điều về nhận nhiệm vụ tại trung đoàn 923- Đoàn B71- Binh chủng Không quân. Khi hi sinh anh mang quân hàm thiếu uý thuộc đại đội 2, trung đoàn 923. Năm 1967, Báo Tiền phong đã có bài viết về trường hợp hi sinh của phi công Lê Văn Phong. Anh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhì và một huân chương chiến sĩ vẻ vang.
Các hiện vật trong ví da của liệt sĩ Lê Văn Phong. Ảnh: N.X.T
Chúng tôi đã tìm về quê liệt sĩ Lê Văn Phong tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Hiện nay bố mẹ anh đã mất, ở quê chỉ còn gia đình một người anh trai và một người chị gái của liệt sĩ sinh sống. Biên lai gửi tiền phần người nhận là anh gửi về cho bố, “ốc” tên bố anh. Gia đình anh có 5 anh chị em, Lê Văn Phong là con út.
Ngày 9 tháng 11, Đoàn Không quân Thăng Long (Quân chủng Phòng không – Không quân) đã làm lễ an táng thi hài phi công Lê Văn Phong và đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Dược – Sóc Sơn – Hà Nội, là nơi có phần mộ tượng trưng của anh, theo nguyện vọng của gia đình. Tại lễ an táng, đã có đông đủ thân nhân gia đình liệt sĩ, thủ trưởng Quân chủng, chính quyền và nhân dân địa phương nơi quê hương liệt sĩ và nơi liệt sĩ an nghỉ. Ông Lê Văn Lộc nguyên là Đại tá Quân đội đã nghỉ hưu là anh trai cả của liệt sĩ Lê Văn Phong nay sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh chính là người đã đến xã Phù Linh khi em trai mới hi sinh. Ông đã bay từ Thành phố Hồ Chí Minh ra dự lễ và đã rất xúc động khi gần 40 năm đã trôi qua, nay thi hài liệt sĩ đã được quy tụ và an táng.
Những chiếc tem được tìm thấy vẫn thơm mùi dầu máy bay và đọc được những dòng chữ in rõ “Có giặc là đánh - Đánh là thắng” và “Vừa sản xuất vừa chiến đấu” thực sự là những bằng chứng sống động cho một thời chiến đấu oanh liệt của các thế hệ đi trước. Họ đã chiến đấu hết mình, góp phần giành lại độc lập thống nhất cho đất nước, cho dân tộc, nhận về mình sự mất mát hi sinh.
Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN THỦY