9 giờ:6 phút Thứ năm, ngày 16 tháng 11 , 2017

Học viện Phòng không-Không quân tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo

Những năm qua, Học viện Phòng không - Không quân (PK-KQ) đã tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa, đồng thời không ngừng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phát huy tính chủ động của người học. Mặt khác, Học viện kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng với phương pháp truyền thống trong hoạt động dạy và học. Nhờ vậy, chất lượng dạy và học của Học viện không ngừng được nâng lên. Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Hà Văn Hảo - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện về vấn đề này, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Học viện Phòng không-Không quân tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo
Thiếu tướng Hà Văn Hảo - Chính ủy Học viện PK-KQ.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Chính ủy, những năm qua Học viện PK-KQ đã chủ trương xây dựng đội ngũ giảng viên theo hướng chuẩn hóa; xin đồng chí cho biết vài nét về các giải pháp và kết quả đã đạt được?

Thiếu tướng Hà Văn Hảo: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện PK-KQ lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định một trong ba khâu đột phá đó là “Tiếp tục thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”. Qua gần 3 năm thực hiện, Học viện đã nâng tỉ lệ đội ngũ giảng viên đạt trình độ sau đại học từ 45% (năm 2014) lên 65,8% (năm 2017). Đồng thời, Học viện tích cực gửi giảng viên đi đào tạo tại các trường trong nước và nước ngoài, đào tạo ngoại ngữ… Hằng năm, Học viện đưa giảng viên về thực tế chức vụ ở các đơn vị, tiếp cận thực tiễn tích lũy kinh nghiệm, học tập nắm thêm về VKTBKT mới, cải tiến để phục vụ giảng dạy. Bên cạnh đó, Học viện đã thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, trong đó đã xét công nhận giảng viên giỏi cấp Học viện, giảng viên giỏi cấp Bộ; xét phong tặng Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân; cùng với Quân chủng có chính sách hỗ trợ các đồng chí nghiên cứu sinh, ưu tiên chính sách nhà ở, đất ở và động viên hậu phương Quân đội…

Học viện Phòng không-Không quân tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo
Giờ học thực hành của các học viên chuyên ngành Tên lửa phòng không.

 PV: Xin đồng chí cho biết những đổi mới của Học viện về quy trình, chương trình và phương pháp đào tạo, công tác rèn luyện thể lực cho học viên trong năm học 2017-2018?

Thiếu tướng Hà Văn Hảo: Bước vào giai đoạn tăng tốc về đổi mới giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), Học viện đã tiến hành điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo cho các đối tượng theo hướng tăng thời lượng kiến thức giáo dục chuyên nghiệp, giảm kiến thức giáo dục đại cương, bảo đảm cân đối giữa lý thuyết và thực hành, kết hợp chặt chẽ giữa GD-ĐT với huấn luyện thực hành, huấn luyện quân sự sát với thực tiễn SSCĐ, lấy thực hành làm chính. Mặt khác, Học viện thực hiện đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng cơ cấu lại khung chương trình, theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng, kết hợp đào tạo theo chức vụ với học vấn; bảo đảm sự liên thông giữa các bậc học, ngành học, giải quyết tốt mối quan hệ về khối lượng kiến thức và thời lượng học tập giữa các môn giáo dục đại cương và giáo dục chuyên ngành, xây dựng mới chuẩn đầu ra môn học theo đối tượng đào tạo, nâng cao hiệu quả đào tạo của từng môn học. Đồng thời, Học viện triển khai đổi mới phương pháp đào tạo theo 3 tiêu chí: Trang bị cách học, phát huy tính chủ động của người học, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng với phương pháp truyền thống trong hoạt động dạy và học.

Song song với đào tạo theo niên chế, Học viện đang nghiên cứu và thực hiện có hiệu quả lộ trình chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ, trước mắt là đối với đối tượng đào tạo cao học; tổ chức giảng dạy theo chuyên đề đối với các đối tượng đào tạo cán bộ trung (lữ), sư đoàn phòng không, không quân. Điều chỉnh quy trình diễn tập cho diễn tập chiến thuật cấp phân đội phòng không, trong đó, tổ chức hiệp đồng chiến đấu giữa trạm ra đa và tiểu đoàn tên lửa phòng không; tổ chức ngụy trang, nghi trang, đóng quân dã ngoại sát thực tế chiến đấu. Đặc biệt, năm 2016 Học viện đã tổ chức thi tốt nghiệp quốc gia cho học viên chuyên ngành tên lửa C-125-2TM tại đơn vị, bước đầu đã đạt được kết quả tốt. Năm 2017 và những năm tiếp theo, Học viện tiếp tục đưa cán bộ, giảng viên, học viên đi tham quan, học tập, thực tập, diễn tập và tổ chức thi tốt nghiệp quốc gia cho học viên chuyên ngành tên lửa, tác chiến điện tử ở các đơn vị trong và ngoài Quân chủng bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả cao, an toàn tuyệt đối. Những năm gần đây, Học viện chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động giờ thứ 9, tập trung vào huấn luyện, rèn luyện thể lực, tăng cường huấn luyện khả năng, sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai cho bộ đội trong những điều kiện khó khăn, phức tạp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

PV: Học viên sau khi tốt nghiệp ra trường phải quản lý, khai thác, sử dụng VKTBKT mới đa chủng loại với ngôn ngữ phổ biến là tiếng Nga và tiếng Anh, Học viện đã có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ?

Thiếu tướng Hà Văn Hảo: Chấp hành Chỉ thị số 90-CT/ĐU của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng về việc đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ, QNCN, CNVQP trong Quân chủng, Học viện đã cụ thể hóa vào Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ năm học 2017-2018 là tạo môi trường học tập, sử dụng ngoại ngữ, như: Khẩu hiệu cổ động song ngữ, bản tin ngắn trên hệ thống truyền thanh nội bộ của Học viện, báo cáo của trực ban lớp với giảng viên bằng ngoại ngữ, tổ chức hoạt động ngoại khóa, hoạt động của các câu lạc bộ ngoại ngữ, các phòng sinh hoạt học tập ngoại ngữ tại doanh trại các đơn vị học viên. Học viện giao chỉ tiêu cho các khoa chuyên ngành, các bộ môn điểm có ít nhất giảng một bài bằng ngoại ngữ; đưa kết quả học tập, sử dụng ngoại ngữ là tiêu chí đánh giá xếp loại của giảng viên, học viên… Học viện đặt ra mục tiêu giai đoạn 2016-2020 đào tạo sĩ quan cấp phân đội, trình độ đại học và chỉ huy tham mưu cấp trung (lữ), sư đoàn đạt bậc 2/6; thạc sĩ đạt bậc 3/6. Từ năm 2017, Học viện sẽ hoàn chỉnh việc biên soạn giáo trình dạy, học ngoại ngữ chuyên ngành và đưa vào sử dụng. Từ năm 2019, sẽ đưa ngoại ngữ là môn thi tốt nghiệp với đối tượng đào tạo sĩ quan cấp phân đội, trình độ đại học; từ năm 2021 đào tạo sĩ quan cấp phân đội, chỉ huy tham mưu cấp trung (lữ), sư đoàn đạt bậc 3/6; thạc sĩ đạt bậc 3/6 (theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam).

PV: Xin cảm ơn đồng chí Chính ủy!

TRƯƠNG ĐỨC SÁNG (thực hiện)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website