19 giờ:6 phút Thứ năm, ngày 23 tháng 11 , 2017

Giới thiệu cuốn sách "Chiến tranh trên không ở Việt Nam (1965- 1973) - Phía Sau những trận không chiến"

Ngày 23-11, tại Bảo tàng Phòng không- Không quân, Hội Cựu chiến binh Không quân và hai tác giả Trung tướng, TS Nguyễn Đức Soát và Trung tá, TS Nguyễn Sĩ Hưng cùng các cộng tác viên đã tổ chức ra mắt cuốn sách “Chiến tranh trên không ở Việt Nam (1965- 1973) - Phía sau những trận không chiến ”. Tới dự buổi ra mắt có Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó Tư lệnh Quân chủng; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân - Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu- nguyên Chính ủy Quân chủng; Trung tướng Trần Hanh - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng các cựu cán bộ tướng lĩnh từng là phi công chiến đấu trong Quân chủng Phòng không- Không quân qua các thời kì và đại diện các phòng ban khối cơ quan Quân chủng.

Chiến tranh trên không ở Việt Nam (1965- 1973) - Phía Sau những trận không chiến
Đại diện nhóm tác giả giao lưu cùng khách mời tại buổi ra mắt cuốn sách.
Trong 8 năm diễn ra cuộc chiến tranh trên không ở Việt Nam (từ 1965- 1973), Không quân nhân Việt Nam cùng các lực lượng phòng không của Quân chủng PK- KQ đã chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong thế trận phòng không nhân dân, bảo vệ bầu trời miền Bắc, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Nhiều chính khách, các chỉ huy không quân, nhà nghiên cứu lịch sử và các cựu chiến binh Không quân trong và ngoài nước đã có những tác phẩm viết về các khía cạnh đa dạng của cuộc chiến tranh trên không ở Việt Nam. Sự quan tâm rộng rãi đối với đề tài này là do những bài học trong chiến tranh trên không ở Việt Nam không chỉ có giá trị lịch sử mà còn được nhiều tác giả đánh giá cao về ý nghĩa lý luận...

Trung tướng Nguyễn Đức Soát- tác giả cuốn sách cho biết: Qua quá trình nghiên cứu tài liệu trong và ngoài nước, gặp gỡ, phỏng vấn các cựu cán bộ, phi công đã trực tiếp chỉ huy và tham chiến, nhóm tác giả và các cộng tác viên, gồm các phi công MiG từng tham gia chiến đấu, một số từng là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Không quân từ cấp phân đội lên đến cấp Quân chủng và Bộ Tổng Tham mưu… đã biên soạn cuốn sách. Đây là cuốn sách chuyên khảo viết theo phương pháp kết hợp, trên cơ sở các tài liệu tham khảo, lồng ghép các sự kiện, chính kiến của các nhân chứng lịch sử với góc nhìn của nhóm tác giả để phân tích về những nét sáng tạo trong nghệ thuật tác chiến và lý thuyết chiến thuật của không quân tiêm kích Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuốn sách đi sâu phân tích các hoạt động của Không quân nhân dân Việt Nam. Qua cuốn sách, các tác giả muốn đưa ra các lập luận để trả lời một câu hỏi mà nhiều cựu phi công Mỹ cũng như nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo trong nước và quốc tế thường đưa ra: Tại sao Không quân nhân dân Việt Nam nhỏ bé, với vũ khí lạc hậu và phi công trẻ tuổi, ít giờ bay lại có thể chiến thắng lực lượng không quân hùng mạnh của Mỹ? Những luận điểm và phân tích trong cuốn sách sẽ cung cấp thêm một cách tiếp cận về các diễn biến của cuộc chiến, góp phần chứng minh chiến thắng của chúng ta không chỉ là trí lực và lòng dũng cảm mà còn là tầm nhìn chiến lược, là trí tuệ tập thể, tài thao lược trong xây dựng, tổ chức, sử dụng lực lượng, tổ chức, điều hành các chiến dịch và các trận đánh, hình thành hệ lý luận của Không quân nhân dân Việt Nam- cơ sở khoa học của chiến thắng.

Chiến tranh trên không ở Việt Nam (1965- 1973) - Phía Sau những trận không chiến
Đại diện nhóm tác giả tặng sách các khách mời.

Cuốn sách có 5 chương: Chương 1; 2 giới thiệu đến độc giả những vấn đề chung về chiến tranh trên không và những đặc điểm về tương quan lực lượng trước cuộc chiến tranh trên không ở Việt Nam. Chương 4; 5 là hai chương chủ đạo của cuốn sách sẽ mang đến cho độc giả cái nhìn rõ nét về nghệ thuật tác chiến của không quân nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ và vấn đề chiến thuật trong chiến tranh trên không ở Việt Nam. Người đọc có thể hiểu hơn về đặc điểm hình thành và vận dụng chiến thuật trong chiến tranh trên không ở Việt Nam; Lý thuyết chung về chiến thuật không quân tiêm kích Việt Nam; những nét đặc trưng trong chiến thuật của MiG- 17; MiG- 19; Hình thức chiến thuật “Đánh chặn mới” của MiG- 21…

Chương 5, “Từ chiến tranh trên không ở Việt Nam đến lý thuyết mới về chiến tranh trên không hiện đại”  là chương kết thúc cuốn sách, là chương có nhiều ý nghĩa với các thế hệ trẻ trong Quân chủng hôm nay, đã kết nối những bài học từ chiến tranh trên không ở Việt Nam hơn 40 năm trước với những diễn biến rất nhanh và phức tạp hiện tại. Cuốn sách cung cấp các thông tin tham khảo về lý luận chiến tranh trên không và sức mạnh không quân hiện đại tại các cường quốc không quân phương Tây, qua đó khái quát các đặc điểm cùng với những thách thức và các tình huống của cuộc chiến tranh trên không hiện đại với các phương thức tác chiến mới- tác chiến ngoài tầm nhìn.

Phát biểu tại buổi ra mắt cuốn sách, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân đã khẳng định: Các tác giả của cuốn sách không chỉ là những phi công chiến đấu rất giỏi mà còn là những nhà nghiên cứu nghệ thuật tác chiến trên không dày dạn kinh nghiệm, bằng trí tuệ và lòng tâm huyết, nhóm tác giả đã biên soạn và lưu lại cho các thế hệ sau những tài liệu vô cùng quý giá và cuốn sách “Chiến tranh trên không ở Việt Nam (1965- 1973) - Phía sau những trận không chiến” là một cuốn sách như thế.

Bài, ảnh: BÍCH PHƯỢNG

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website