Chuyện vui về "Vua lợn"
Nhìn đàn lợn ngót nghét năm chục con thuộc mấy thế hệ, con nào cũng no tròn, béo tốt, trơn da, mượt lông được nuôi trong những ô chuồng sạch sẽ ở Tiểu đoàn 88, Trung đoàn 274 (Sư đoàn 377), lại nghe cán bộ, chiến sĩ kể về chủ nhân của nó - Đại úy CN Trần Văn Nhung, tôi bất chợt nghĩ đến cái biệt danh thật phù hợp với anh: “Vua Lợn”.
Thấy tôi ngạc nhiên vì chưa bao giờ trông thấy những con lợn to như thế, những tạ hai, tạ rưỡi, “Vua Lợn” Trần Văn Nhung cười: Chúng thuộc giống Lang xơ và Đu Giook của Thái Lan đấy. Muốn có những con nái tốt, phải biết cách chọn giống. Ngực to, mông nở, bụng thon; phải có 12 núm vú trở lên, hiện đều và rõ; lông dày, mượt, trắng; dáng hiền và “đảm”. Nhung giải thích thêm, lợn nái càng có nhiều vú thì sẽ cho được nhiều con bú. Lông dày để có sức đề kháng tốt… Nghe chuyện chọn giống lợn, chúng tôi, ai cũng cười, liên tưởng đến chuyện các bà mẹ chồng thời xưa đi kén nàng dâu (dù đó là sự so sánh thật không nên và khập khiễng).
Đại úy CN Trần Văn Nhung chăm sóc đàn lợn của đơn vị.
Tuyển được con nái ưng ý rồi, Nhung bảo, phải chăm sóc bằng chế độ ăn đặc biệt, con nái đạt khoảng tạ hai, tiêm phòng vắc-xin xong thì đưa vào phối giống. Phối giống cũng là cả một vấn đề đấy. Muốn con giống đẻ sai, phải theo dõi để biết chu kỳ động dục. Nhung cười tự nhiên: Tôi học được bí quyết, cứ lấy tay ấn lên lưng heo, thấy hai tai dựng đứng, mắt lim dim là biết, con này đã cho phối được rồi.
Lợn mang bầu thường trong 3 tháng 24 ngày. Đến ngày lợn sinh, phải theo dõi để chờ đỡ đẻ cho lợn. Nào cắt rốn, bấm nanh, móc nhớt trong miệng, vệ sinh cho lợn con, rồi phải làm sao cho lợn mẹ thải hết nhau thai để tránh khỏi bị viêm, bị sốt. Cứ 10 phút, lại một chú heo con ra đời và khoảng thời gian đó đủ để “bà đỡ” Trần Văn Nhung hoàn thành những công việc với con heo ra trước. Nhung kể, có lần đợi mãi đến 2 giờ sáng lợn không đẻ, mệt quá đi ngả lưng một lúc, dậy đã thấy cả một lứa lợn 14, 15 con lăn như những quả dưa hấu. Thế là lại phải cấp tốc đi làm những việc của một bà đỡ. Được cái, ngày một quen tay nên chả mấy chốc đàn lợn con nào con ấy đều sạch sẽ, trở về bên mẹ. Lại có năm có con nái đẻ đúng 30 Tết, thế là mấy ngày liền bà đỡ Trần Văn Nhung chỉ quẩn quanh bên đàn lợn, việc sắm Tết cho gia đình, đều nhờ cả vào vợ anh, cô Nguyễn Thị Bích - Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Hoa Thám.
Cứ thế, khi kể về đàn lợn, “Vua Lợn” càng lúc càng hứng thú. Chả bù cho lúc đầu, khi chúng tôi đến không báo trước, đang tắm cho lợn, anh thả vội cái vòi đang cầm trên tay, chạy ra ngoài tránh ống kính phóng viên, vừa chạy vừa giải thích: Chỉ là việc nuôi lợn, có gì đâu mà chụp ảnh.
Là một kỹ thuật viên chống nhiễu Tên lửa C-75M, năm 2012, Trần Văn Nhung được Tiểu đoàn 88 giao thêm cho nhiệm vụ chăn nuôi đàn lợn. Tiểu đoàn trưởng, Đại úy Đặng Văn Nhã cho biết, với nhiệm vụ chính của một kỹ thuật viên, trong huấn luyện và qua nhiều năm tham gia các hội thi, hội thao, Trần Văn Nhung đều thực hiện tốt. Biết anh là người yêu quý các con vật nên Tiểu đoàn đã “chọn mặt gửi vàng”. Nhung chia sẻ, nhận nuôi lợn rồi, lúc đầu cũng lo lắm. Hàng ngày chỉ quen với việc sửa chữa máy móc, làm tham số bảo đảm khí tài cho nhiệm vụ SSCĐ, đã có kiến thức gì về chăn nuôi đâu. Nhưng mấy người mới khởi nghiệp mà đã thành công ngay, Nhung tặc lưỡi, vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm vậy. Cũng mất mấy lứa do phòng dịch chưa tốt nên lợn bị nhiễm dịch. Sau, ngoài thời gian huấn luyện, SSCĐ, anh lại lân la ra nhà những bác sĩ thú y để học. Từ việc chọn giống, chăm sóc, cho ăn đến việc tiêm phòng...
Được cái, nhờ sự mát tay của “bà đỡ” Trần Văn Nhung, đàn lợn ngày một sinh sôi. Bên cạnh “giàn, ao” thì mô hình “chuồng” của Tiểu đoàn 88 đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bài, ảnh: HỒNG LINH