14 giờ:20 phút Thứ ba, ngày 12 tháng 3 , 2019

Hướng tới kỷ niệm 60 năm Phát thanh Quân đội (16-3-1959 / 16-3-2019):

Dấu ấn những chương trình phát thanh trực tiếp

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các loại hình báo chí, trong đó có Phát thanh đang được đặt trước nhiều cơ hội và thách thức. Với phát thanh, thính giả tiếp nhận thông tin không chỉ bằng cái radio theo phương thức truyền thống; số người nghe đài trên ô tô, trên mobile và các trang web đã gia tăng đáng kể. Những “đài phát thanh không ăng ten” đã giúp thính giả tiếp cận với phát thanh qua hệ thống internet.

Dấu ấn những chương trình phát thanh trực tiếp
Đại tá Hoàng Gia Khánh - Phó Giám đốc Trung tâm PT-TH Quân đội
(người đứng sau bên trái) chỉ đạo kíp cán bộ, phóng viên
thực hiện chương trình phát thanh trực tiếp.

Sự thay đổi về công nghệ đã tạo điều kiện để thay đổi phương thức sản xuất chương trình phát thanh từ gián tiếp sang trực tiếp. Phát thanh trực tiếp đang được coi là xu thế của phát thanh hiện đại bởi sự vượt trội trong cập nhật tin tức và tăng tính tương tác với người nghe.

Hòa vào dòng chảy đổi mới theo hướng phát thanh hiện đại của Đài Tiếng nói Việt Nam, Phát thanh Quân đội đã có sự nhập cuộc khá kịp thời để phù hợp với yêu cầu chung của nhịp sống số.

Dấu ấn những chương trình phát thanh trực tiếp
Đồng chí Hồng Linh - Phóng viên Phát thanh Quân đội
(người đứng thứ hai từ phải sang) phỏng vấn cựu chiến binh tại Quân khu 2.

Với tiêu đề “Bảo đảm quân y chiến trường, từ quá khứ đến hiện tại”, Chương trình phát thanh trực tiếp đầu tiên của Phát thanh Quân đội đã được phát sóng ngày 16-4-2015, nhân ngày truyền thống ngành Quân y. Ê kíp làm chương trình cùng toàn thể Ban Biên tập Phát thanh Quân đội không thể quên diễn tiến khá kịch tính của chương trình đầu tay này. Đến thời điểm đó, các chương trình Phát thanh Quân đội thường được thu từ trước nên luôn đảm bảo thời lượng và giữ được an toàn sóng. Lần đầu tiên làm chương trình trực tiếp, nỗi lo chồng lên nỗi lo: liệu có bị “cháy giáo án”, liệu có trục trặc gì về kỹ thuật? Liệu vấn đề chương trình đề cập có trúng với sự quan tâm của thính giả?...

Dấu ấn những chương trình phát thanh trực tiếp
Đồng chí Phạm Văn An - Phóng viên Phát thanh Quân đội
(người đứng ngoài cùng bên phải), tác nghiệp tại Đảo Nam Yết.

Rất may, câu trả lời đã có sau 30 phút chương trình phát sóng. Những vấn đề chương trình đặt ra vừa mang tính lịch sử, vừa liên quan trực tiếp tới công tác quân y ngày nay đã hút một số lượng lớn thỉnh giả gọi đến để giao lưu với khách mời khiến điện thoại nóng lên. Cái cảm giác hạnh phúc của người làm báo như cháy lên trong mỗi phóng viên, biên tập viên khi lần đầu tiên, Phát thanh Quân đội ngay tức thì giải đáp được những băn khoăn, thắc mắc và chia sẻ được tâm tư, xúc cảm với thính giả trong khung giờ phát sóng của chương trình. Cả phòng thu rộn ràng.

 Sau những lo lắng, hồi hộp, chương trình đầu tiên ấy đã trở thành “cú hích”, tạo động lực cho các chương trình phát thanh trực tiếp tiếp theo. Từ đó đến nay, trong khoảng thời gian 4 năm, trung bình mỗi tuần Phát thanh Quân đội tổ chức sản xuất một, thậm chí hai chương trình phát thanh trực tiếp. Số lượng chuyên đề trực tiếp đã lên tới hàng trăm, nhiều chuyên đề đã để lại dấu ấn sâu đậm với người nghe, nhiều chuyên đề đã đoạt giải thưởng trong các cuộc thi.

 Nói đến những chương trình phát thanh trực tiếp của Phát thanh Quân đội, hẳn nhiều thính giả Đài tiếng nói Việt Nam không quên chuyên đề “Những giọt mồ hôi hình cánh cung”, một chương trình được thể hiện bằng cầu phát thanh trực tiếp với 2 điểm cầu là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, được thực hiện tháng 4 - 2015. Ở đó, không khí luyện tập của lực lượng tham gia diễu binh tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được tái hiện. Những giọt mồ hôi đã lăn theo những nhịp bước quân hành. Những giọt mồ hôi của tinh thần kết nối, vượt lên gian khó để tới đài vinh quang. Bao thính giả cũng thổn thức khôn nguôi khi hòa chung với không khí của chương trình trực tiếp mang tiêu đề “Hòa hợp dân tộc thức tỉnh lòng yêu nước và tự tôn dân tộc”. Sự công phu và sáng tạo của nhóm tác giả với những câu chuyện cảm động được xây dựng trong các phóng sự đã làm lay động hàng triệu trái tim người nghe. Tác phẩm đã đoạt giải B, Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại  năm 2016. Rất nhiều chương trình trực tiếp khác cũng đã để lại ấn tượng với bạn nghe đài trong và ngoài Quân đội, như chương trình “ 25 năm thành tựu ghép tạng ở Việt Nam - Dấu ấn những người tiên phong” hay “Anh hùng Phạm Tuân: Chuyến bay vũ trụ và những ấn tượng vượt thời gian”…

Sau mỗi chương trình trực tiếp, mỗi phóng viên, biên tập viên đều nghiệm ra rằng, muốn có một chương trình trực tiếp hay, trước hết, đề tài phải nóng, tính cập nhật tin tức phải nhanh. Một phong trào tìm chủ đề hay để làm chương trình phát thanh trực tiếp được dấy lên với quan điểm: “Cho thính giả nghe cái mà họ cần, chứ không phải cái mà mình có”. Cái mà thính giả cần, không chỉ là thông tin nhanh, tin cậy, mà còn phải hấp dẫn, độc đáo. Vấn đề đặt ra không chỉ được giải quyết theo chiều sâu thông tin mà còn phải tạo được chiều sâu xúc cảm. Cái thính giả cần với phát thanh hiện đại, không chỉ đơn thuần là lời nói mà còn là âm nhạc, tiếng động hiện trường… Những yếu tố đó đều hội tụ trong một chương trình phát thanh trực tiếp.

Và, hiệu quả đã hiển hiện rõ rệt, tức thì. Các chương trình phát thanh trực tiếp đã kéo thính giả gần gũi hơn với Phát thanh Quân đội. Cựu chiến binh trên mọi miền đất nước, các cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân và đông đảo nhân dân đã tương tác với các chương trình ngày càng nhiều. Thính giả đã gọi điện trực tiếp đến số điện thoại 0243.934.9483 trong thời gian chương trình phát sóng không chỉ để thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận thông tin mà còn để bày tỏ cả xúc cảm của cá nhân. Họ đã được đồng hành cùng Phát thanh Quân đội. 

Những gì đang diễn ra trong thời đại bùng nổ thông tin đã cho thấy, phát thanh vẫn luôn có chỗ đứng trong đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Và khi thính giả không chỉ nghe phát thanh bằng radio, nghĩa là khi nhu cầu tiếp nhận thông tin, giải trí của thính giả đã thay đổi khi công nghệ thay đổi, Phát thanh Quân đội nhân dân hiện nay vẫn luôn phát huy được vai trò của tờ báo nói, là cơ quan ngôn luận của Quân uỷ Trung ương, xứng đáng là chương trình thời sự - chính trị chuyên biệt về quân sự - quốc phòng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

HỒNG LINH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website