10 giờ:17 phút Thứ sáu, ngày 17 tháng 6 , 2016

Xây “Lũy thép trên biển” ở “Hai đầu nỗi nhớ”:

Kỳ 1: Những hi sinh thầm lặng

Càng tin yêu, kiêu hãnh trước sự can trường, lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức của những người lính canh trời trực tiếp thực thi nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc ở Trường Sa bao nhiêu, tôi lại càng cảm phục, xúc động trước sự hi sinh thầm lặng từ những người mẹ, người vợ, người con, người thân của họ ở hậu phương bấy nhiêu.

 >>> Kỳ 2: Trang sách "mặn tình biển"

Cuộc điện thoại đầy nước mắt

Tôi đến gia đình Đại úy CN Trần Văn Việt - Nhân viên Sở chỉ huy Trạm Ra đa 44, Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377) đúng lúc Việt gọi điện về cho vợ là chị Nguyễn Thị Nguyệt, 36 tuổi.

Trong cái nắng như rót lửa của buổi chiều đầu hè nơi bán đảo Cam Ranh thì căn phòng đơn sơ, tổ ấm của gia đình Trần Văn Việt “lạnh” đi trong nước mắt của chị Nguyệt, bà Trương Thị Thanh, 74 tuổi - mẹ chị Nguyệt cùng với sự đau đớn giữa hồn nhiên của các con chị Nguyệt.

 Kỳ 1: Những hi sinh thầm lặng

Dù gia cảnh Đại úy QNCN Trần văn Việt còn nhiều khó khăn nhưng vợ con vẫn động viên anh yên tâm làm tốt nhiệm vụ.

Trong khi bà Trương Thị Thanh ôm ghì đứa cháu ngoại Trần Ngọc Ánh 12 tuổi để cháu không đập đầu vào tường cho vợi cơn đau do bại não gây nên thì chị Nguyệt bịt míc của chiếc điện thoại, ghìm tiếng nấc rồi vuốt nước mắt, trả lời người chồng đang làm nhiệm vụ trên Đảo Phan Vinh rằng, cháu Trần Ngọc Ánh bệnh tình đã đỡ hơn và cuộc sống gia đình khá ổn. Nghe chị nói, nhìn gia cảnh chị khiến mắt tôi cay xè trong xúc động và cảm phục.

Được biết, sau khi xây dựng gia đình cùng Trần Văn Việt năm 2003, đến năm 2004 chị Nguyệt sinh con gái đầu lòng trong ngập tràn hạnh phúc, dẫu cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ còn đầy ắp khó khăn thường nhật.

Nhưng, hạnh phúc bình dị ấy chẳng còn kéo dài, khi cháu Trần Ngọc Ánh mắc bệnh bại não. Ôm con đi cầu cứu tứ phương, nhưng vì không có nhiều tiền để chữa trị dài ngày với nhiều loại thuốc đắt tiền không nằm trong danh mục bảo hiểm, vợ chồng lại đưa con về căn nhà thuê trọ nhìn con đau đớn trong bất lực.

“Gần 10 năm nay, mẹ con em rau, cháo qua ngày. Đồng lương của anh Việt được bao nhiêu, em tằn tiện cóp nhặt lấy tiền mua thuốc cho con mà bệnh tình của con không thuyên giảm. Trong 2 năm, từ 2012 đến 2014, em sinh tiếp được 2 cháu, 1 trai, 1 gái. May mắn thay, các cháu đều mạnh khỏe, làm chỗ dựa tinh thần cho chúng em vươn lên trong cuộc sống”. Chị Nguyễn Thị Nguyệt kể trong tiếng nấc.

Bà Trương Thị Thanh nói với tôi trong nghèn nghẹn: “Vợ bộ đội ở Trường Sa bây giờ vừa làm mẹ, vừa làm bố. Vừa thực hiện thiên chức của người đàn bà lại vừa gánh vác công việc của đàn ông. Từ cuộc sống của con, tôi thấy, bộ đội thời nào cũng vất vả, xa cách. Chỉ được cái tình cảm luôn đầy ắp. Đó là điều tôi yên tâm nhất khi nghĩ về con, động viên con vượt qua khó khăn mà vươn lên trong cuộc sống”.

Nghĩ về con, thương các con, các cháu, nên cứ 1 đến 2 tháng, người đàn bà ngoài thất thập cổ lai hi lại tập tễnh khăn gói bắt xe khách từ Quảng Trị vào Khánh Hòa để phụ giúp, động viên con cháu. Dẫu theo chị Nguyệt nói rằng, bây giờ cuộc sống của gia đình chị đã đỡ vất vả hơn. Chị đã được 1 cơ sở mầm non thuê nấu ăn, được hơn 1 triệu mỗi tháng. Ngoài ra, ai có việc gì thuê, bất kể thời gian nào, chị cũng làm để anh đỡ vất vả hơn, yên tâm hơn về gia đình mà thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Niềm tin là lẽ sống

Được biết, tháng 7 năm 2015, giữa bộn bề khó khăn gia đình, nhưng Trần Văn Việt vẫn sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ ra công tác tại Đảo Phan Vinh thuộc Quần đảo Trường Sa.

Dù biết chồng đi xa là khó khăn, nhưng chị Nguyệt luôn động viên anh yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ. Chị bảo rằng, khi lấy anh Việt, chị đã xác định trước rằng, lấy chồng bộ đội sẽ khó khăn đủ đường, nhưng có tình yêu thương, có niềm tin là sẽ có tất cả. Và tôi cảm nhận được niềm tin ấy, tình yêu thương ấy trong lời “nói dối” lúc trước của chị với Đại úy CN Trần Văn Việt qua điện thoại.

Hàng ngày, qua điện thoại, anh chị vẫn động viên nhau trong niềm tin yêu tuyệt đối. Bởi theo chị, hạnh phúc giản dị mà người vợ, người con của lính Trường Sa có được là bài học về đức tính hi sinh. Hạnh phúc trong chia sẻ, hi sinh vì nhau thì có tiền, thậm chí rất nhiều tiền cũng không thể mua được.

Thượng tá Nguyễn Đình Huấn - Phó Chính ủy Trung đoàn 292 cho biết, không riêng gì hậu phương gia đình Đại úy CN Trần Văn Việt mà còn nhiều lắm gia đình, hậu phương của cán bộ, chiến sĩ đơn vị có nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhưng chưa khi nào họ kêu khó, ngại khổ, mà luôn vững vàng đồng hành cùng chồng, cùng cha vươn lên về mọi mặt.

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Đình Huấn, đa phần các Trạm Ra đa của Trung đoàn 292 là đóng quân trên biển, đảo Trường Sa, nên quá trình công tác của cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn gắn liền với Trường Sa. Do vậy, anh em  luôn xác định, việc thường xuyên xa gia đình dài ngày và đi công tác ngoài đảo là chuyện bình thường. Bởi vậy, nên ngoài lãnh đạo, chỉ huy đơn vị gặp gỡ, làm công tác tư tưởng cho hậu phương của đơn vị, anh em cán bộ, chiến sĩ đơn vị cũng tự làm rất tốt công tác tư tưởng cho hậu phương của mình, do đó không có cán bộ, chiến sĩ nào vì hoàn cảnh riêng tư mà lơ là với nhiệm vụ.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, mặc dù cuộc sống hàng ngày còn gặp nhiều khó khăn, dù ở xa nhau hàng nghìn cây số, nhưng hậu phương, tiền tuyến bộ đội Trường Sa luôn hướng về nhau, dành cho nhau tình yêu sâu đậm. Bên cạnh tình yêu đôi lứa, gia đình, còn có tình yêu lớn hơn, ấy là Tổ quốc. Thật thiêng liêng biết nhường nào khi tất cả được xây dựng trên sự tin yêu và sẵn lòng hi sinh vì nhau.

NGÔ TIẾN MẠNH

>>> Kỳ 2: Trang sách “mặn tình biển”

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website