Xây dựng Cục Phòng không lục quân vững mạnh, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ
Sau khi thống nhất đất nước, trước tình hình biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và nước bạn Campuchia diễn biến căng thẳng; để tăng cường vai trò, hiệu lực tham mưu, chỉ đạo lực lượng phòng không ba thứ quân, ngày 10-7-1979, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 740/QĐ-QP thành lập Cục Phòng không dã chiến, với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu, giúp Tư lệnh Quân chủng PK-KQ thực hiện chức năng Chủ nhiệm Phòng không toàn quân, tham mưu cho Bộ Quốc phòng về tác chiến, huấn luyện và xây dựng lực lượng phòng không lục quân (PKLQ), phòng không nhân dân (PKND). Từ đó, ngày 10-7 hằng năm trở thành ngày truyền thống của Cục Phòng không lục quân.
Lực lượng PKLQ cơ động vào chiếm lĩnh trận địa trong Diễn tập bắn đạn thật tại Trường bắn TB-1.
Khi thành lập, Bộ Tổng Tham mưu quyết định biên chế Cục Phòng không dã chiến gồm thủ trưởng Cục và 4 phòng: Tác chiến, Huấn luyện, Kỹ thuật, Tổ chức động viên - Cán bộ. Thiếu tướng Đinh Đình Sành - Phó Tư lệnh Quân chủng, kiêm Cục trưởng Cục Phòng không dã chiến. Ngoài ra, để thực hiện nhiệm vụ trên giao, Cục Phòng không dã chiến còn có bộ phận tiền phương làm nhiệm vụ giúp nước bạn Campuchia do Đại tá Nguyễn Công Đỉnh - Phó Cục trưởng phụ trách. Năm 1987, tình hình Campuchia và biên giới phía Bắc nước ta bớt căng thẳng. Thực hiện chiến lược quân sự mới của Đảng, Nhà nước ta, các lực lượng vũ trang trên tuyến 1 của biên giới phía Bắc rút về tuyến 2. Nhiệm vụ của Quân đội ta được chuyển sang sẵn sàng chiến đấu và xây dựng trong thời bình. Ngày 25-4-1988, Thiếu tướng Lê Huy Vinh - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không ký Quyết định số 245/QĐ-TM, ban hành tổ chức biên chế cơ quan trực thuộc Quân chủng, theo đó, Cục Phòng không dã chiến được đổi tên thành Cục PKLQ.
Suốt chặng đường lịch sử 40 năm qua, theo yêu cầu nhiệm vụ, lực lượng PKLQ luôn có sự phát triển lớn về tổ chức biên chế ở cả cơ quan và đơn vị. Lực lượng PKLQ bao gồm hệ thống cơ quan phòng không từ các quân khu, quân đoàn, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và các binh chủng, đến các tỉnh, thành phố, sư đoàn bộ binh, vùng hải quân đến cơ sở huyện, thị. Các đơn vị chiến đấu gồm nhiều lực lượng: Bộ đội Phòng không chủ lực, phòng không địa phương và dân quân tự vệ phòng không với nhiều loại vũ khí, trang bị khác nhau.
Trong giai đoạn hiện nay, để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục PKLQ thường xuyên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc đường lối quân sự của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, bám sát yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ, chủ động, sáng tạo, tham mưu, đề xuất kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, giải pháp đúng trong chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác PKLQ, PKND ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, Cục PKLQ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu, xây dựng và báo cáo Chủ nhiệm Phòng không toàn quân tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng ban hành đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để chỉ đạo chuyên ngành phòng không với lực lượng PKLQ toàn quân và PKND trong phạm vi cả nước, nhất là nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tham gia quản lý vùng trời ở độ cao thấp và cực thấp. Lực lượng PKLQ, phòng không kiêm nhiệm ở các địa phương, Bộ đội Biên phòng thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, duy trì nghiêm chế độ SSCĐ, tổ chức canh trực nghiêm túc, kịp thời quan sát, phát hiện, thông báo, báo động các mục tiêu trên không; góp phần cùng lực lượng phòng không quốc gia quản lý chặt chẽ vùng trời trên từng hướng, khu vực, địa bàn, xử lý kịp thời, chính xác các tình huống trên không, thực hiện hiệu quả “4 được” trong đánh địch đột nhập, “4 biết” trong quản lý vùng trời.
Cục PKLQ và các đơn vị PKLQ, PKND đã triển khai và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Bộ Quốc phòng về công tác PKLQ, PKND; lực lượng PKLQ, PKND có nhiều tiến bộ, trưởng thành, chất lượng đồng đều; thế trận phòng không 3 thứ quân ngày càng được củng cố vững chắc trên từng hướng, từng địa bàn, khu vực; chất lượng chính trị, sức mạnh tổng hợp của Bộ đội PKLQ không ngừng tăng lên; các đơn vị đã tích cực huấn luyện, vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, tập trung huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao, quyết tâm bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc. Với những thành tích đã đạt được, Cục PKLQ vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Chiến công hạng nhì; 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba; 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc trong giai đoạn mới, Cục PKLQ và các đơn vị PKLQ, PKND tiếp tục duy trì, thực hiện nghiêm chế độ trực ban, trực chiến sẵn sàng chiến đấu; bổ sung, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật; xây dựng lực lượng PKLQ, PKND có số lượng hợp lý, cơ cấu cân đối, nâng cao năng lực công tác và chất lượng cán bộ; tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng đối phó với mọi chiến thuật, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch; tăng cường huấn luyện thực hành bắn mục tiêu đêm, huấn luyện cơ động nhanh, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp và diễn tập bắn đạn thật. Tiếp tục xây dựng Cục PKLQ - Cơ quan chủ nhiệm phòng không toàn quân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ; chính quy về tác phong công tác; đoàn kết thống nhất, xây dựng cơ quan Cục PKLQ vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Thiếu tướng NGUYỄN MẠNH KHẢI
Cục trưởng Cục Phòng không lục quân