13 giờ:12 phút Thứ tư, ngày 20 tháng 7 , 2016

Xây “Lũy thép trên biển” ở “Hai đầu nỗi nhớ”:

Kỳ 4: Những người sống vì mọi người

Mỗi người có một quan điểm riêng về hạnh phúc để kiếm tìm, theo đuổi, vun đắp. Với người lính giữ trời ở Trường Sa và hậu phương của họ, hạnh phúc chỉ đơn giản là được cống hiến trọn vẹn cho Tổ quốc thân yêu.

Tôi tới nhà của Trung tá Hoàng Văn Thắng - Nguyên Chính trị viên Trạm ra đa 11, Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377) ở phường Phước Long, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đúng lúc trời đổ cơn mưa lớn. Trong gió giông gầm rít và mưa phả trắng trời, tôi nghẹn ngào cùng với những kỷ niệm mà Trung tá Hoàng Văn Thắng kể lại trong những ngày anh đã công tác ở Trường Sa.

Kỳ 4: Những người sống vì mọi người
Trung tá Hoàng Văn Thắng chia tay nhân dân trên Đảo Trường Sa Lớn
sau khi anh hoàn thành nhiệm vụ để trở về đất liền.

Trong kí ức của hơn 4 năm gắn bó với Trường Sa, từ Đảo Nam Yết tới Trường Sa Lớn, anh Thắng bắt đầu kể bằng một câu hỏi rằng, trên thế gian này, có ở nơi nào khi bố mẹ mất, con thơ qua đời, vợ trong cơn thập tử nhất sinh… mà người con, người cha, người chồng dẫu có tiền cũng không thể trở về để chịu tang, hay chỉ có duy nhất ở Bộ đội ở Trường Sa Việt Nam? Câu hỏi của anh gõ vào đúng những thổn thức lòng tôi trong chuyến công tác ra Trường Sa cách đây gần 2 năm. Trong chuyến công tác ấy, hình ảnh Thiếu úy CN Hoàng Văn Lưu - Nhân viên Thông tin (Đội bảo đảm Kỹ thuật Sân bay Trường Sa) ôm di ảnh bố đẻ vừa qua đời giữa bốn bề sóng biển trong sự sẻ chia của đồng đội làm tôi ám ảnh mãi. Với tôi, chỉ hình ảnh đó thôi đã khiến mọi ngôn ngữ đều bất lực trước những hi sinh thầm lặng của người lính nơi địa đầu sóng nước Trường Sa.

Anh Thắng bảo rằng: “Trong những năm công tác tại Trường Sa, là người được giao chủ trì về CTĐ, CTCT, tôi thấy rằng, sức mạnh lớn nhất của người lính Trường Sa là sức mạnh tinh thần. Tất cả họ đều có điểm chung là biết gạt qua những cám dỗ tầm thường của đời sống xã hội, những toan tính gạo tiền trước mắt để bên nhau giữ gìn trọn vẹn một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc là Trường Sa. Tôi đã từng gặp những phản ứng xúc động nhất thời của bộ đội Trường Sa, nhưng sau giọt nước mắt và tiếng gọi nghẹn ngào, họ đều vững vàng hơn, xác định tốt hơn nhiệm vụ thiêng liêng mà mình được gánh vác để rèn luyện, phấn đấu, hi sinh trọn vẹn cho lý tưởng, con đường đã chọn”.

Nghe chúng tôi trò chuyện, Thiếu tá CN Nguyễn Thị Thu Thủy - Nhân viên Bảo mật Trung đoàn 292, Sư đoàn 377, vợ của Trung tá Hoàng Văn Thắng bật khóc. Chị khóc cho những hi sinh thầm lặng của đồng đội và chính mình trong những ngày chồng công tác ở Trường Sa khi anh Thắng kể tiếp rằng: “Ở Trường Sa, chúng tôi thèm nghe tiếng ho của cha mẹ già mỗi sáng, để thấy mẹ cha mình vẫn còn mạnh khỏe… những chàng lính trẻ thì ước được nhìn thấy một thân hình và nghe giọng nói cô gái qua đường trong thì thầm của thân trai mới lớn. Những cán bộ trẻ thì lúc nào cũng mong được nhìn và ôm ấp đứa con thơ mới chào đời vào lòng… Nhưng, những ước muốn tưởng chừng nhỏ bé và rất đỗi giản dị ấy lại quá xa xỉ với người lính canh trời, giữ biển ở Trường Sa…”. Khi tôi hỏi, thế còn chị thì sao? Nước mắt chị Thủy lại rơi…

Hạnh phúc là được cống hiến

Vừa đưa tay lau nước mắt, Thiếu tá CN Nguyễn Thị Thu Thủy vừa thổn thức: “Ai chẳng có những khao khát đời thường. Với người phụ nữ, khi đau ốm, sinh con đều khao khát có chồng ở bên cạnh…”. Tuy vậy, chị cũng khẳng định, càng thương mình bao nhiêu, lại càng thấy thương chồng và đồng đội ở Trường Sa bấy nhiêu, do vậy, phải động viên nhau cùng phấn đấu, cùng hi sinh cho con đường đã chọn mới có thể có hạnh phúc chọn vẹn. Câu nói của chị làm tôi tâm niệm sâu sắc rằng, chính sự hi sinh thầm lặng trong nghĩa tình giản dị thiêng liêng ấy đã tôi luyện cho cả hậu phương và “tiền tuyến” ý chí kiên cường và tạo thành lũy thép vững chãi của người lính trong sự nghiệp gìn giữ bầu trời Tổ quốc nơi đầu ngọn sóng.

Lời của chị Thủy làm tôi nhớ lại hình ảnh, tâm sự của chị Võ Thị Hồng vợ của Trung tá CN Nguyễn Văn Thoan - Kỹ thuật viên Trạm Ra đa 21, Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377) khi chị “khăn gói” vào chăm sóc chồng, do anh mắc bệnh đột xuất, nguy hiểm, mới được đồng đội bay ra cấp cứu, đưa về Viện Quân y 175. Chị Hồng bảo: “Kể sao hết được những khó khăn, vất vả, thiệt thòi  ngày anh công tác ngoài đảo. Nhưng cái được lớn nhất là anh trở thành tấm gương soi cho các con lý tưởng sống và trách nhiệm của công dân với đất nước. Thế nên, sống không phải vì mình mà còn vì mọi người thì cuộc sống ấy mới có giá trị”.

Thượng tá Nguyễn Đình Huấn - Phó Chính ủy Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377), người nhiều năm gắn bó với Bộ đội Ra đa ở canh giữ Trường Sa khẳng định: “Đơn vị đã có nhiều thế hệ ra với nơi tiền tiêu của Tổ quốc, điều đó đồng nghĩa với nhiều thế hệ hậu phương chịu nhiều thiệt thòi khi gia đình vắng bóng người trụ cột. Tuy vậy, điều đáng phấn khởi nhất là khi trở về đất liền, đa phần họ chín chắn hơn, vững vàng hơn và sống có trách nhiệm hơn với nhiệm vụ, với đơn vị và gia đình của mình. Đương nhiên, hậu phương cũng thấu hiểu hơn những khó khăn vất vả và cả những hi sinh thầm lặng của chồng, cha, ông mình để trân trọng hơn, sống có trách nhiệm hơn với những hi sinh, cống hiến đó. Thế nên, dẫu còn nhiều lắm những vất vả trong cuộc sống thường nhật, nhưng khi nhận quyết định ra với Trường Sa, cả hậu phương và “tiền tuyến” đều phấn khởi, sẵn sàng…”.

NGÔ TIẾN MẠNH

>>> Kỳ cuối: “Thép đã tôi thế đấy!”

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website