13 giờ:26 phút Thứ tư, ngày 20 tháng 7 , 2016

Chiếc máy bay Mi-4 và lực lượng Không quân trực thăng trong những ngày đầu

Tháng 3 năm 1956, ba đoàn cán bộ chiến sĩ được tuyển chọn từ các đơn vị trên khắp các chiến trường được cử sang Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc học lái máy bay và kỹ thuật máy bay. Đoàn sang Trung Quốc học lái máy bay ném bom và trực thăng Mi-4 do đồng chí Đào Đình Luyện làm trưởng đoàn. Số học lái Mi-4 ở Trung Quốc gồm 2 lái chính là Hoàng Trọng Khai và Trần Ngọc Bích và 2 cơ giới trên không là Lê Văn Lạo và Cao Thành.

 Đến đầu năm 1959, sau 3 năm học tập ở nước bạn, lớp học Mi-4 tốt nghiệp về nước. Năm 1958, Liên Xô viện trợ cho ta 5 máy bay, trong đó có một chiếc trực thăng Mi-4 số hiệu 50D là quà tặng của Chính phủ và nhân dân Liên Xô dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, bạn đã cử 3 chuyên gia Skalakhop - Lái chính, Mikhailop - Cơ giới trên không và Nhisaiep - Kỹ sư Vô tuyến điện giúp ta bay các nhiệm vụ (chủ yếu là làm chuyên cơ đưa Bác đi công tác).Chiếc máy bay Mi-4 và lực lượng Không quân trực thăng trong những ngày đầu
Máy bay Mi-4 do Liên Xô viện trợ cho lực lượng Không quân trực thăng
những ngày đầu thành lập, hiện được trưng bày tại Bảo tàng PK-KQ.

Đến tháng 10 năm 1959, khóa học về trực thăng đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam được khai giảng tại Sân bay Gia Lâm. Tham gia khóa học này gồm các đồng chí: Bùi Liên, Bùi Huy Huyên và Lưu Yến Nguộc. Đây là những phi công đã bay xong máy bay sơ cấp Trener ở Sân bay Cát Bi. Cùng tham gia đợt huấn luyện này còn có đồng chí Phạm Đình Cường chuyển loại từ IL-14 sang. Với lực lượng người lái đã phần nào có kinh nghiệm, hệ thống khí tài và sân bay đã được khôi phục cơ bản, cơ sở vật chất đảm bảo đủ cần thiết cho hoạt động của các loại máy bay, ngày 1/5/1959, Trung đoàn Không quân vận tải mang phiên hiệu 919 đã được thành lập tại Sân bay Gia Lâm. Ngay sau khi đi vào hoạt động, ngày 16/8/1960, chiếc trực thăng Mi-4 số hiệu 50D do tổ bay phối hợp Skalakhoops và phi công Phạm Đình Cường đã đưa Bác Hồ về thăm nhân dân và Đảng bộ huyện Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Đến cuối năm 1960, tình hình nước Lào có nhiều diễn biến phức tạp, theo yêu cầu của mặt trận Lào yêu nước, quân tình nguyện Việt Nam được cử sang phối hợp chiến đấu với bạn. Các tổ bay Mi-4 tuy tuổi đời còn rất non trẻ, kinh nghiệm bay chưa nhiều nhưng đã tích cực cùng với các loại máy bay khác của Trung đoàn 919 tham gia phục vụ trong chiến đấu như: Vận chuyển vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm; chuyển thương binh về tuyến sau; đưa đón các cán bộ cao cấp.

Tháng 10 năm 1960, Liên Xô cử các chuyên gia hàng không cùng với 44 máy bay vận tải và một số tổ lái sang Việt Nam lập cầu hàng không giúp cách mạng Lào, trong đó có 10 máy bay trực thăng. Các giáo viên bay của bạn đã tích cực kèm cặp, huấn luyện giúp phi công của ta nhanh chóng có được kinh nghiệm bay. Các tổ bay không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho liên quân, nhờ có sự chi viện tích cực của Không quân nên bộ đội Pathét Lào đã nhanh chóng giải phóng hai tỉnh Sầm Nưa, Phông Xali và phần lớn đất đai tỉnh Xiêng Khoảng.

Tháng 5 năm 1961, tổ bay Mi-4 gồm các phi công Bích, Huyên, Cận, Thành nhận lệnh đến Mường Ngát chở thương binh về nước. Bay trên đất địch, súng bộ binh bắn lên dữ dội, nhưng tổ bay vẫn hoàn thành nhiệm vụ đón thương binh trở về  Sân bay Vinh. Trong năm 1961, tổ bay đã hoàn thành nhiều chuyến bay chở Hoàng thân Xuphanuvong họp Hội nghị “ba ông hoàng ” ở Namon. Năm 1962, trong chiến dịch Nậm Thà, các tổ bay Mi-4 còn tham gia chở đạn lên các điểm cao; bay trinh sát và chỉ thị mục tiêu cho  pháo binh. Cùng các loại máy bay khác, trực thăng Mi-4 đã bay được 120 chuyến, chuyển hàng trăm thương binh về tuyến sau, cùng hàng chục tấn vũ khí, đạn dược.

Tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch Nậm Thà, Thượng tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng đã chuyển lời ngợi khen của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đến tất cả các đơn vị tham gia chiến dịch: “Không quân vận tải của Quân đội ta tuy mới ra đời, lực lượng còn non trẻ, nhưng rất mưu trí dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ góp phần quan trọng, tạo nên thắng lợi chung của chiến dịch”.

Trong chiến công chung đó, có đóng góp một phần không nhỏ của các tổ bay trực thăng Mi-4 non trẻ trong những ngày đầu mới thành lập.

Bài, ảnh: BÍCH PHƯỢNG
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website